• Huyện Long Phú

Nở rộ những mô hình giảm nghèo bền vững

10/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 10/05/2019 | 06:00

STO - Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Long Phú (Long Phú) đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó, nhân rộng mô hình hiệu quả đến các hộ nghèo để phát triển sản xuất, giúp nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.

Hộ ông Trần Hoàng, ngụ tại ấp Nước Mặn 2, xã Long Phú là một trong những hộ vươn lên khá giả nhờ chăn nuôi bò. Ông Hoàng cho biết: “Năm 2013, được Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn, tôi mua cặp bò để nuôi. Sau thời gian chăm sóc, đàn bò tăng thêm được vài con và tích lũy được số vốn nhờ bán con bê. Hiện tại, gia đình còn nuôi được 6 con bò”.

Nhờ chọn mô hình sản xuất phù hợp, có quyết tâm làm ăn với hy vọng không còn cái nghèo đeo bám nữa, gia đình ông Hoàng đã ra sức chăm sóc đàn bò cẩn thận và ước mơ thoát nghèo của gia đình ông đã thành hiện thực. “Hồi trước, nhà tôi khó khăn lắm, khi được vay vốn, gia đình tôi quyết định chọn con bò để phát triển nghề chăn nuôi. Bây giờ, cuộc sống gia đình được ổn định hơn trước rất nhiều” - ông Hoàng phấn khởi chia sẻ thêm.

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng của ông Thạch Tết.

Còn hộ ông Thạch Tết cũng ngụ tại ấp Nước Mặn 2 đã tăng thêm thu nhập và có cuộc sống ổn định từ mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng. Hiện nay, mô hình này đang được nhiều nông dân lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình, với ưu thế dễ nuôi, dễ chăm sóc, vốn đầu tư ít và mang lại nguồn thu nhập khá cao.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Tết bộc bạch: “Nuôi dê nhốt chuồng không đòi hỏi chi phí cao, người nuôi chỉ cần bỏ vốn mua giống tốt từ lúc ban đầu với giá từ 3 - 4 triệu đồng/con. Dê còn là một loài có khả năng sinh trưởng khá nhanh. Mỗi năm, dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 1 - 3 con”. Cũng theo ông Tết, thức ăn của dê cũng rất dễ tìm, chủ yếu là cỏ và các loại lá cây nên người nuôi không phải tốn chi phí. Nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng còn có nhiều lợi ích như: không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài, rủi ro thấp, có nguồn phân ủ hoai mục để chăm bón thêm cho cây trồng. Sau khoảng 8 tháng nuôi, dê đã đạt trọng lượng từ 40kg. Hiện nay đầu ra thịt dê cũng rất ổn định, dê cái bán được giá 50.000 đồng/kg, còn dê con thì có giá cao hơn, từ 70.000 đồng/kg.

Ngoài những mô hình nêu trên, trong những năm gần đây, do điều kiện hạn, mặn gây ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa của người dân ở xã Long Phú nên một số người dân đã chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây bồn bồn và mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định. Như hộ bà Nguyễn Thị Sel ở ấp Phú Đức, xã Long Phú đã chuyển đổi một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bồn bồn, hiện nay mỗi đợt thu hoạch được khoảng trên 100kg. Bà Sel cho biết: “Bồn bồn rất dễ trồng, khoảng 3 đến 4 tháng là có thể thu hoạch, cây chịu được nước mặn nên không lo bị thiệt hại như trồng lúa, trồng bồn bồn thu hoạch quanh năm và mỗi tháng có thể thu hoạch 1 lần. Tôi chỉ trồng một phần diện tích nhỏ, nhưng tính ra mỗi tháng cũng thu được khoảng 1 triệu đồng”.

Trồng bồn bồn giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Với chủ trương giúp người dân địa phương xóa đói giảm nghèo cùng với sự hỗ trợ giảm nghèo từ các chương trình, dự án, xã Long phú đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, trong đó, mô hình chăn nuôi bò và dê được đánh giá cao. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Thường trực UBND xã Long Phú Quách Kim Toàn thì mô hình chăn nuôi bò và dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được địa phương nhân rộng. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò có hiệu quả nhất, giúp thoát nghèo bền vững. Do địa phương sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, người dân có thể tận dụng nguồn phế phẩm để làm thức ăn cho bò và đồng thời chăn nuôi bò cũng không cần diện tích đất rộng để làm chuồng mà vẫn đảm bảo tốt về môi trường.

“Ngoài mô hình chăn nuôi gia súc, mô hình trồng cây bồn bồn cũng góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Đây là cây trồng có lợi nhuận khá cao. Hiện nay, ở địa phương có khoảng hơn 40ha diện tích trồng bồn bồn” - đồng chí Quách Kim Toàn cho biết thêm.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: