• Huyện Mỹ Tú

Cây có múi “bén duyên” với vùng đất phèn, trũng

27/04/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 27/04/2017 | 06:00

STO - Trong những năm trước đây, Mỹ Tú được biết đến là huyện có nhiều diện tích trồng cây mía và tràm. Tuy nhiên, với thời gian canh tác cả năm trời mới thu hoạch và cho lợi nhuận khá thấp do điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” nên người dân đã chuyển đổi phần lớn diện tích mía, tràm kém hiệu quả sang trồng cây có múi, đặc biệt là cây cam sành, cam xoàn và quýt. Sau thời gian canh tác, cây cam xoàn và cây quýt đã cho “quả ngọt”.

Trong những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp về xã Hưng Phú (Mỹ Tú) công tác và không khỏi ngỡ ngàng bởi vùng đất phèn, trũng ngày nào quanh năm chỉ bao phủ bởi những ruộng mía và cây tràm, đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn thì giờ đây, quê hương Hưng Phú đã khoác lên mình bộ áo mới với những vườn cam, quýt xanh mơn mởn, quả trĩu cành, cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm, cá biệt có những vườn cho thu nhập cả tỉ đồng/năm. Đời sống người dân nơi đây đã phất lên từng ngày. 

Ông Chánh bên vườn cam cho thu nhập cả tỉ đồng/năm.

Một trong những nông dân mà chúng tôi gặp là ông Nguyễn Tùng Chánh, ngụ ấp Phương Hòa 1. Khác với nhiều người kiêng kỵ việc gặp gỡ trao đổi với phóng viên về mô hình kinh tế của gia đình, ông Chánh rất hồ hởi và mời chúng tôi đi tham quan vườn cam sành kết hợp cây cam xoàn đang độ cho trái. Ông dẫn chúng tôi đi từng liếp cam, chỉ những chùm cam lớn dày đặc trên cành, diễn giải cách trồng để cây đạt năng suất cao nhất.

Ông Chánh chia sẻ: “Tôi có 1ha trồng cam đã bước vào “tuổi thứ 5” - đây chính là thời điểm cho trái “rộ” nhất. Thường cây cam từ lúc trồng đến thu hoạch trái mất thời gian chăm sóc khoảng 3 năm nhưng lượng trái còn ít, chỉ hái chừng 8 tấn và theo từng năm, sản lượng cam tăng dần, do phát triển đầy đủ về cành lá”.

Cũng theo ông Chánh, với 1ha đất, ông trồng được 1.700 gốc cam, ban đầu dự định chỉ trồng cam sành nhưng do thấy khoảng cách giữa các cây còn khá rộng nên trồng xen thêm cây cam xoàn. Có lẽ thích nghi điều kiện, khí hậu và thổ nhưỡng nên 2 loại cam lớn rất nhanh và luôn xanh tốt. Theo tính toán, từ năm thứ 4, thứ 5, vườn cam đã đem về cho gia đình ông Chánh gần 1 tỉ đồng và dự kiến vụ trái tới đây, vườn cam ước đạt hơn 50 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 1 tỉ đồng.

Ông Chánh cho biết thêm: “Bản thân tôi cũng như nhiều bà con trong xóm, trước đây chỉ gắn bó với cây mía, cây tràm. Trồng mía, tràm mấy chục năm mà cuộc sống vẫn dậm chân tại chỗ. Theo nhẩm tính, với 10 công trồng mía mỗi năm cho thu nhập khoảng 20 - 40 triệu đồng, nếu gặp thời tiết thuận lợi, chữ đường nhiều và còn phụ thuộc giá thị trường, gặp lúc mía xuống giá thì xem như mất trắng cả tiền thuê mướn nhân công và chi phí đầu tư ban đầu, rồi phải mượn nợ từ năm này sang năm khác để tái sản xuất, cứ vòng lẩn quẩn như vậy mãi”.

Thấy vậy, ông Chánh suy nghĩ đến việc lựa chọn loại cây trồng mới thay thế cây mía, cây tràm nhưng không biết phải chọn loại cây nào vì ở đây là vùng đất phèn, trũng. Ông cứ tìm hiểu thông tin từ người dân xung quanh và những hộ có sự chuyển đổi về loại cây trồng mới tại địa phương. Khi chứng kiến cây cam mà nhiều bà con trồng trước đó mang lại nguồn thu nhập khá, ông quyết định cải tạo lại toàn bộ diện tích đất để trồng. Ban đầu, cũng rất lo lắng vì chưa biết cách chăm sóc, nhưng rồi nhờ sự hướng dẫn của bà con đi trước và tự tìm hiểu học hỏi các kỹ thuật từ phương tiện thông tin đại chúng mà ông đã chăm sóc vườn cam thành công.

Chính nhờ vào sự chuyển đổi từ cây mía, cây tràm kém hiệu quả sang cây có múi cho năng suất và lợi nhuận cao nên nhiều nông dân ở các xã: Long Hưng, Hưng Phú… đã giàu lên thấy rõ. Qua trao đổi với các hộ dân ở vùng này, đại đa số bà con cho rằng: “Nếu không nhờ sự nhạy bén trong việc chọn cây cam, quýt canh tác mà cứ tiếp tục bám vào cây mía, chắc chúng tôi phải bỏ quê đi làm công nhân ở tận Bình Dương”.  

Tuy nhiên, dù cây cam đã giúp ông Chánh phần nào cải thiện thu nhập của gia đình từ số tiền vài chục triệu đồng/năm nay lên con số tiền tỉ nhưng ông còn nhiều băn khoăn, lo lắng, bởi nếu cam trồng số lượng nhiều mà không quản lý tốt sẽ bị dịch bệnh tấn công và điều quan trọng hơn hết là giá cả thị trường cũng như đầu ra sản phẩm sau thu hoạch.

Hiện tại, cam vẫn được thương lái đến tận vườn để thu mua, người dân cứ việc tới đợt hái trái là “alô” thương lái sẽ đến ngay nhưng biết đâu khi vườn cam số lượng nhiều sợ thị trường sẽ “bão hòa” thì việc bán trái sẽ khó khăn, giống như nhiều loại cây trồng hay vật nuôi khác. Với thực tế trên, ông Chánh và nhiều hộ dân ở Hưng Phú mong muốn chính quyền địa phương cùng ban ngành các cấp sớm thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm gắn kết người dân trong sản xuất và tìm doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua cam của hộ dân để yên tâm sản xuất.

Bí thư Đảng ủy xã Hưng Phú Nguyễn Tuấn Kiệt cho biết: “Địa phương đang chuyển hướng để người dân cải tạo vườn tạp và vườn cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây có múi và việc trồng loại cây này. Địa phương cũng đã có sự quy hoạch từng khu vực để người dân có định hướng trong việc sản xuất. Đồng thời, đang xây dựng kế hoạch thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất cũng như thu mua cam cho bà con nông dân. Tiến tới, sẽ vận động doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu và kêu gọi tiểu thương thành lập các vựa thu mua cam tại các địa điểm thuận tiện”.  

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: