• Huyện Mỹ Tú

Chủ động bảo vệ vườn cây ăn trái mùa nắng nóng

08/05/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 08/05/2017 | 09:00

STO - Hiện tượng thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện thuận lợi cho một số sâu, bệnh phát triển tại các vườn cây ăn trái. Do đó, hiện nay ngành chức năng cùng các nhà vườn đang tích cực bảo vệ chăm sóc vườn cây và quản lý các đối tượng dịch hại nhằm đảm bảo chất lượng và năng suất cho vườn cây ăn trái.

Với diện tích gần 3.000ha trồng cây ăn trái, huyện Mỹ Tú được xem là một trong những địa phương trồng cây ăn trái trọng điểm của tỉnh; trong đó tập trung chủ yếu ở 2 xã: Long Hưng và Hưng Phú. Hiện nay, tình trạng nắng nóng gay gắt đã làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển cây trồng, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình ra hoa đậu trái của cây, làm cho cây bị chết khô.

Trưởng trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú Nguyễn Văn Đầy cho biết: “Đối với vườn cây có múi như cam, quýt thì nắng nóng làm cho cây dễ bị hư rễ, lá cũng dễ bị héo dần. Trường hợp nếu trong thời gian nắng nóng kéo dài mà cây cho ra trái sẽ có hiện tượng bị rụng trái non và vàng lá, thối rễ”.

Ông Võ Thanh Sơn chủ động được nguồn nước tưới cho vườn cây ăn trái trong mùa nắng nóng.

Từ thực tế nêu trên, hiện nay nhiều nhà vườn đã và đang tích cực cải tạo hệ thống các kênh, mương dẫn nước tưới. Như hộ ông Võ Thanh Sơn, ngụ ở ấp Phương An, xã Hưng Phú (Mỹ Tú), do có kinh nghiệm trồng cây ăn trái lâu năm nên đã chủ động nhiều cách làm để tăng cường khả năng dẫn nước và giữ ẩm cho cây, nhờ đó mà 5 công cam của gia đình ông Sơn được đảm bảo nguồn nước tưới và cây sinh trưởng khá tốt.

Trao đổi với chúng tôi, ông Sơn cho biết: “Khi chuẩn bị vào mùa khô, tôi đã chủ động cải tạo, đào sâu các mương dẫn nước tưới để bảo vệ cây không bị thiếu nước khi trời nắng nóng, cho nên trước mắt thì vườn cam của gia đình tôi vẫn phát triển bình thường không bị ảnh hưởng của thời tiết”.

Chỉ tay về phía vườn cam đang xanh tốt, ông Sơn tiếp lời: “Trước đây, cứ cách 3 - 4 ngày tôi mới tưới nước cho cây một lần, nhưng với thời tiết nắng nóng như hiện nay thì không để đất khô được, để khô là bị hư rễ nhanh lắm nên cứ cách một ngày là tôi tưới nước cho vườn cây một lần”.

Còn ông Hồng Văn Cầu - Giám đốc Hợp tác xã cam xoàn Phương An, ở xã Hưng Phú (Mỹ Tú) cho biết thêm: “Vùng này là đất trũng, giáp với địa bàn TX. Ngã Năm nên dễ bị ảnh hưởng của nước mặn xâm nhập; do đó, bà con ở đây đều chủ động bảo vệ vườn cây của mình, đồng thời thường xuyên vệ sinh kênh, mương và lấy cỏ đậy gốc, trữ nước ngọt lại để tưới tiêu đề phòng khi nước mặn về”.

Với tình hình thời tiết nắng nóng, ngành Nông nghiệp huyện Mỹ Tú đã chủ động đầu tư nạo vét các tuyến kênh nội đồng, gia cố các đập thời vụ nhằm giúp nhà vườn bảo vệ tốt cho vườn cây ăn trái. Tính đến thời điểm này, các biện pháp ngăn mặn, trữ ngọt đang được thực hiện đồng bộ nhằm đảm bảo tránh tình trạng thiếu nước tưới cục bộ.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Nguyễn Hoàng Cơ cho biết: “Trong mùa khô năm nay, nắng nóng khá gay gắt, mực nước cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác giao thông thủy lợi được thực hiện khá hiệu quả. Tính đến thời điểm này, đã nạo vét được 331.400m3, đạt 125% chỉ tiêu. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp cùng Trạm thủy nông liên hệ với các huyện lân cận, cụ thể là TX. Ngã Năm để hạn chế mặn xâm nhập vào khu vực Mỹ Tú; đồng thời, phối hợp với huyện Châu Thành (ở những sông cặp quốc lộ) có điều kiện nước ngọt thì lấy nước vào để nâng cao mực nước trong kênh rạch, nhằm đảm bảo đủ điều kiện để bà con tưới tiêu phục vụ sản xuất”.

Theo số liệu thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 8.350ha diện tích trồng cây có múi và hơn 3.900ha diện tích trồng nhãn. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh gây hại trên vườn cây ăn trái, sau khi thu hoạch người dân nên tăng cường các biện pháp chăm sóc cây trồng, giúp cây lấy lại sức. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, nhà vườn cần sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ, như: rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình… hoặc màng phủ nông nghiệp phủ gốc để giữ ẩm cho đất. Song song đó, nhà vườn thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước. Khi tưới nước, người dân nên tưới vào buổi xế chiều và có thể phun nước trực tiếp lên tán cây nhằm hạn chế một số sâu hại.

Để có được mùa vụ bội thu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lưu ý: “Trong quá trình chăm sóc, bà con nhà vườn nên thường xuyên thăm vườn để nắm rõ diễn biến sinh trưởng của loài sâu hại nhằm có những biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có sự xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại thì nên phun ngay các loại thuốc phòng trừ; không tiến hành xử lý ra hoa rải vụ, trái vụ hoặc trồng mới trong thời gian hạn hán mà nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đủ cho cây”.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: