• Huyện Mỹ Tú

Mỹ Tú

Chủ động ứng phó và khai thác lợi thế từ mùa lũ

09/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: T.X
  • Thứ Bảy, 09/09/2017 | 06:00

STO - Toàn huyện Mỹ Tú có 2/3 diện tích đất sản xuất thuộc vùng trũng thấp. Do đó để ứng phó với tình hình lũ dâng cao, ngành chức năng huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tránh tình trạng ngập úng; đồng thời khuyến khích người dân khai thác những lợi thế khi lũ về.

Thời gian qua, khả năng điều tiết lũ của huyện Mỹ Tú rất khó khăn, bởi khi lũ đầu nguồn đổ về thì nước của cả vùng trũng thấp chỉ thoát qua cống Mỹ Phước và cống Mỹ Hòa nên khả năng ngập úng rất cao, nhất là khi xuất hiện mưa lớn. Chính vì vậy, ngoài các công trình phòng chống ngập úng được triển khai, tại một số xã thuộc vùng trũng thấp của huyện, như: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Long Hưng, Hưng Phú trong những năm gần đây, bà con đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó để bảo vệ cây trồng bằng biện pháp làm bờ bao, bơm thoát nước.

Người dân gia cố bờ bao trước khi lũ về để tránh bị ngập úng. 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2017, mực nước lũ đổ về đồng bằng sông Cửu Long cao hơn so với trung bình nhiều năm. Với đặc điểm địa lý của địa phương, ngay từ đầu năm, ngành chức năng huyện Mỹ Tú đã tăng cường nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đối phó với khả năng ngập úng do lũ đầu nguồn đổ về qua kênh Quản lộ Phụng Hiệp. Tính đến nay, huyện đã thực hiện đầu tư được 45 công trình thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 57km, đào đắp được gần 400.000m3 bờ bao. Với tình hình mưa lũ phức tạp như hiện nay, bà con cũng khẩn trương gia cố lại bờ bao trước khi lũ đổ về nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do ngập úng. Ông Nguyễn Văn Muông ở xã Hưng Phú cho biết: “Nước lên cao là coi như vườn cây ăn trái bị ngập nên trái non sẽ rụng và vàng lá hết. Nên năm nào cũng vậy, khi lũ về là tôi phải đặt máy bơm, tùy theo lượng nước mà mình cho bơm mỗi ngày”.

Mực nước lũ sắp đổ về, kèm theo đó là những khó khăn, làm phát sinh chi phí bơm thoát nước nhưng bù lại, cũng chính nước lũ sẽ góp phần cải tạo đất đai và nguồn lợi thủy sản tự nhiên có điều kiện phát triển. Vì vậy, cùng với biện pháp chủ động ứng phó, ngành chức năng huyện Mỹ Tú cũng khuyến khích người dân “linh động” trong việc tận dụng mùa lũ để thực hiện các mô hình kinh tế thay vì làm lúa vụ 3 (vụ lúa Thu - Đông). Theo ông Võ Thái Thuận, nông dân ở xã Hưng Phú, bao đời nay, việc “sống chung với lũ” đã là chuyện không còn xa lạ đối với bà con ở địa phương. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bà con đã chủ động hạn chế canh tác lúa vụ 3 để tránh thất thoát, thay vào đó là những mô hình sản xuất mang tính tạm thời như tận dụng thời điểm này để ngâm đất trong nước lũ nhằm khôi phục đất đai và khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Ông Thuận chân tình chia sẻ: “Mấy năm trước làm lúa vụ 3, gặp lúc nước lũ lên cao là thua lỗ, rồi thấy bà con xung quanh bỏ lúa vụ 3 để nuôi cá có hiệu quả nên năm nay tôi làm theo và đã thả cá trê vô ruộng để nuôi. Với cách làm này, tôi tin chắc là sẽ có lời, chứ vùng này làm lúa ngay mùa nước nổi là không được”.

Giải pháp nuôi vịt trên đồng ruộng vào mùa nước lũ được huyện Mỹ Tú phát động cho bà con ở vùng trũng không có điều kiện sản xuất lúa.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Cơ - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Trước tình hình mưa lũ như hiện nay, huyện đã có những giải pháp, như: tuyên truyền cho bà con không làm lúa vụ 3, đồng thời cho vận hành công trình, chỉ đạo trạm thủy nông theo dõi mực nước trên đồng thường xuyên, tiêu nước triệt để các cống dọc theo kênh Nhu Gia, đảm bảo tránh ngập úng sâu đối với cây trồng. Bên cạnh đó, huyện đã phát động cho bà con ở những vùng không có điều kiện canh tác lúa nuôi trồng thủy sản, như: nuôi theo bờ bao vùng, nuôi theo hình thức đăng quầng và phát động nuôi vịt trên đồng, tận dụng rạ lên lúa chét nuôi vịt…”.

Đó chỉ là những giải pháp tạm thời, về lâu dài, ngành chức năng huyện Mỹ Tú đã có định hướng quy hoạch dự án đê bao chống ngập úng tại vùng trũng với 30 ô bao, xây dựng 2 cống hở có chiều rộng từ 3 - 4m; 26 cống hở có chiều rộng từ 1,5 - 2m và 40 cống bọng ngầm có đường kính từ 0,8 - 1m. Do lũ mới bắt đầu và thời gian còn kéo dài nên ngoài việc tập trung chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp, ngành chức năng huyện cũng đang tập trung tuyên truyền để người dân không chủ quan trước diễn biến thời tiết ngày càng khó lường nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ thua lỗ khi tham gia sản xuất trong mùa lũ.

T.X

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: