• Huyện Mỹ Tú

Cuộc sống mới ở vùng căn cứ cách mạng Mỹ Phước

27/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 27/04/2018 | 06:00

STO - Từng là cái nôi của phong trào cách mạng, là khu căn cứ của Tỉnh ủy Sóc Trăng trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, sau 43 năm giải phóng, diện mạo nông thôn xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) đang dần “thay da, đổi thịt”, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây có nhiều khởi sắc. Tất cả như đang minh chứng cho sự hòa hợp giữa ý Đảng và lòng dân, tinh thần đoàn kết giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Đến Mỹ Phước trong những ngày tháng tư, xuôi theo con đường rộng dẫn về các ấp là những cánh đồng lúa vàng tươi đang trong mùa thu hoạch, những ruộng mía tươi tốt một màu xanh ngắt, những tuyến lộ giao thông ấp liền ấp, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Chứng kiến sự khởi sắc của Mỹ Phước, ít ai tưởng tượng được rằng nơi đây đã từng gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ, xã Mỹ Phước từng là khu căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Sóc Trăng, lãnh đạo quân và dân trong tỉnh giành thắng lợi. Với những đóng góp to lớn trong hai cuộc kháng chiến, năm 1994, xã Mỹ Phước vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Là người con gắn bó hơn 60 năm với mảnh đất anh hùng này, ông Trần Văn Nhi - thương binh hạng 4/4, ấp Phước An B chia sẻ: “Cả khu vực này, trước đây là căn cứ địa cách mạng. Những tán tràm chở che cán bộ, rừng tràm chôn xác quân thù. Những năm tháng chiến tranh đã đi xa, giờ đây khi chứng kiến quê hương Mỹ Phước đang ngày một phát triển, hệ thống giao thông liên ấp, liên xã được cứng hóa, con em có điều kiện tốt để học tập, những ngôi nhà khang trang của bà con mọc lên san sát nhau, tôi càng thêm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương mình”.

Chú trọng nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Có được kết quả hôm nay là nhờ sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương từ trong gian khó. Đồng chí Phạm Minh Kết - Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước cho biết: “Dù xuất phát điểm của xã thấp do chịu nhiều ảnh hưởng của chiến tranh nhưng với truyền thống cách mạng vẻ vang, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã đã nỗ lực đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung xây dựng các nghị quyết, chương trình hành động hướng tới chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, khuyến khích người dân xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp; đồng thời, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của những nghị quyết, chương trình của Đảng bộ xã để củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng”.

Đồng chí Lâm Minh Kết cho biết thêm, đến nay diện tích gieo trồng lúa cả năm của xã trên 15.000ha, trong đó diện tích lúa đặc sản là trên 5.000ha, năng suất trên 6 tấn/ha. Hiện nay, người dân trên địa bàn xã còn trồng 155ha mía. Bên cạnh đó, xã cũng đã vận động người dân địa phương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tại ấp Phước Trường A và Phước Trường, với diện tích 400ha; thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp ấp Phước Thọ A; xã hội hóa trạm bơm ở ấp Phước Thọ B nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, tính riêng năm 2017, bình quân thu nhập đầu người trong xã đạt 39 triệu đồng/người. Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động trên 64 tỉ đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ và vốn đóng góp của nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đến nay xã đã đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới.

Đường giao thông liên ấp được bêtông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.

Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt, trẻ em trong xã đều được đến trường. Đồng chí Huỳnh Văn Thông - Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi cho biết: “Toàn xã có gần 3.000 học sinh ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong năm học 2017 - 2018, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 98,87%. Hầu hết các trường học trên địa bàn xã đều được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh”.

Công tác giảm nghèo cũng luôn được chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả, từ các nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ từ Chương trình 135, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn 14,01%.

Chị Trần Kiều Oanh, ấp Phước An B chia sẻ: “Gia đình chỉ có 1 công đất sản xuất nên phải đi làm mướn. Nay nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ 350 con gà từ nguồn vốn Chương trình 135 mà gia đình có điều kiện tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo”.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng tăng năng suất, chất lượng.

Về Mỹ Phước trong những ngày cả nước kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chứng kiến những đổi thay trên vùng đất cách mạng, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự quyết tâm, đoàn kết của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong công cuộc tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, viết tiếp những trang sử đầy tự hào của quê hương trong thời kỳ đổi mới, qua đó xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng và Nhà nước phong tặng.

Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang phục vụ nhu cầu của người dân.

Tấn Phát

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: