• Huyện Mỹ Tú

Mô hình khám bệnh nhân đạo ở Mỹ Tú

Điểm tựa của người nghèo

12/07/2017 05:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 12/07/2017 | 05:19

STO - Xác định khám, chữa bệnh nhân đạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, những năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã quan tâm xây dựng nhiều mô hình, loại hình hoạt động thiết thực, hiệu quả; góp phần cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo sức khỏe ban đầu cho nhân dân, trong đó, mô hình khám bệnh nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ huyện Mỹ Tú trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân nghèo.

Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con nghèo.

Năm 2011, mô hình khám bệnh nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ huyện Mỹ Tú được thành lập ở ấp Trà Coi A, xã Mỹ Hương do chị Huỳnh Thanh Xuân - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện khởi xướng và Huyện hội trực tiếp quản lý. Từ khi thành lập đến nay, mô hình duy trì hoạt động thường xuyên, nhiều bà con nghèo tin tưởng, tìm đến khám, chữa bệnh. Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân cho biết: “Lúc mới thành lập mô hình, điều kiện rất khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, chủ yếu làm tạm bợ bằng cây lá, bàn ghế khám bệnh, giường cho bệnh nhân nằm phục vụ cho bà con khi đến khám bệnh còn thiếu; đặc biệt, kinh phí hoạt động không có, chúng tôi phải trích nguồn kinh phí từ cơ quan chi hỗ trợ thêm cho hoạt động của mô hình. Trong quá trình hoạt động, với tinh thần đoàn kết, chúng tôi tích cực vận động sự chung tay góp sức của cá nhân, tổ chức để mô hình hoạt động ngày càng tốt hơn”.

Với cái tâm của người cán bộ, chị Xuân luôn tâm huyết, trăn trở làm thế nào để mô hình duy trì hoạt động hiệu quả. Chị mở rộng diện tích, trang bị đầy đủ các thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu khi bà con đến khám bệnh. Nhờ sự ủng hộ từ phía gia đình nên diện tích mô hình khám bệnh nhân đạo ngày càng mở rộng. Chị Xuân còn tranh thủ sự ủng hộ của nhà hảo tâm để có kinh phí giúp mô hình hoạt động. Nhằm ổn định nơi ăn, chỗ nghỉ cho đoàn lương y cũng như phục vụ cho bà con khi đến khám bệnh, Huyện hội đã vận động sửa chữa, làm thêm nhà ăn, trị giá gần 30 triệu đồng. Hiện nay, tổng diện tích mô hình khám bệnh nhân đạo rộng khoảng hơn 400m2, đáp ứng tốt nhu cầu của bà con khi đến khám bệnh.

Từ khi thành lập đến nay, Huyện hội đã phối hợp cùng đoàn lương y Hòa Hảo, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), chính quyền địa phương và ngành y tế tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí định kỳ mỗi tháng 2 đợt vào ngày 10, 11 và 25, 26 (âm lịch). Cô Lê Thị Dữ (62 tuổi), ở xã Hòa Tú 2 (Mỹ Xuyên) chia sẻ: “Tôi hay bị tê, nhức mỏi người, vận động rất khó khăn nên con trai chở qua đây từ sớm để kịp khám bệnh. Nhờ người quen giới thiệu, qua đây điều trị được 4 lần thấy bệnh tình đỡ rất nhiều. Bây giờ, tôi thấy hết tê chân tay, đi lại dễ dàng. Đoàn lương y phục vụ tận tâm, nhiệt tình hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân nên tôi thấy yên tâm”.

Ngoài bà con nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách ở huyện Mỹ Tú và các huyện trong tỉnh, nhiều bà con ở các tỉnh lân cận như: Bạc Liêu, Cà Mau… cũng tìm đến mô hình để chữa bệnh, vì vậy, số lượng bệnh nhân ngày một tăng lên, đối tượng đến khám bệnh cũng được mở rộng. Hiện nay, mỗi đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí khoảng hơn 1.000 bệnh nhân. Chú Nguyễn Văn Bé - Trưởng đoàn lương y Hòa Hảo, quận Thốt Nốt cho biết: “Chúng tôi chủ yếu điều trị bằng thuốc đông dược và ứng dụng phương pháp thủy châm. Các bệnh thường điều trị như: khớp, tiểu đường, viêm xoang, hạ canxi… Thấy bệnh tình của bà con thuyên giảm, chúng tôi rất phấn khởi, tận tình thăm khám, tư vấn, cấp thuốc miễn phí hoặc tư vấn để bà con có ý thức giữ gìn sức khỏe”. 

Trước nhu cầu ngày càng nhiều của bà con khám, chữa bệnh, đồng thời để đảm bảo cho mô hình hoạt động lâu dài và phát triển bền vững, Huyện hội đã đề xuất xin ý kiến lãnh đạo UBND huyện cho phép hội thông qua hoạt động của mô hình, tổ chức vận động gây quỹ hội trên tinh thần tự nguyện và được đa số bà con đồng tình hưởng ứng. Số tiền vận động được chi cho các nội dung hoạt động của mô hình, tu sửa cơ sở vật chất, phục vụ công tác khám, chữa bệnh... Ngoài ra, hội còn hỗ trợ các hộ khó khăn bị thiên tai, hỏa hoạn, bệnh nan y, người già neo đơn và khó khăn đột xuất.

Thấy nhiều bà con đường sá xa xôi đến khám bệnh, năm 2016, mô hình mở rộng hình thức nấu cơm chay phục vụ vào bữa trưa, mỗi tháng, trung bình nấu hơn 400 suất. Đồng chí Huỳnh Thanh Xuân cho biết thêm: “Để duy trì và phát huy hiệu quả của mô hình, thời gian tới, Huyện hội tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu để luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của hội cấp trên, lãnh đạo UBND huyện và sự hỗ trợ về chuyên môn của ngành y tế; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo nguồn kinh phí đảm bảo cho hoạt động của mô hình; thường xuyên giữ mối quan hệ với các nhà hảo tâm, tranh thủ các nguồn để tu bổ sửa chữa cơ sở vật chất; quan tâm chăm lo quyền và lợi ích của các thành viên trong đoàn lương y và tình nguyện viên; biểu dương, khen thưởng, kịp thời nhân rộng nêu gương điển hình tiên tiến để khích lệ phong trào”. 

Mô hình khám bệnh nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ huyện Mỹ Tú đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe người dân, cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, đặc biệt mô hình đã trở thành điểm tựa của nhiều người nghèo. Hy vọng, từ những hoạt động thiết thực đó, mô hình khám bệnh nhân đạo sẽ ngày càng được nhân rộng và tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: