• Huyện Mỹ Tú

Hiệu quả công tác xã hội hóa thủy lợi nội đồng ở Mỹ Tú

09/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 09/10/2018 | 06:00

STO - Với thế mạnh là nông nghiệp nên trong những năm qua, lãnh đạo huyện Mỹ Tú đặc biệt quan tâm đến công tác thủy lợi nội đồng, từng bước thực hiện xã hội hóa các công trình thủy lợi để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người dân.

Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Nguyễn Hoàng Cơ cho biết: “Huyện có 30.052ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất trồng lúa 22.655ha, nên hệ thống thủy lợi nội đồng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp. Trước nhu cầu về sản xuất ngày càng cao, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, không thuận lợi đối với sản xuất thì cần phải làm đê bao khép kín vùng để chủ động nước bơm tưới tập trung. Đối với vùng trũng, huyện đang tranh thủ nguồn vốn quy hoạch đắp từng ô bao cho phù hợp với địa hình từng khu vực để chủ động tưới tiêu nước, nhất là việc kiểm tra các công trình thủy lợi nội đồng trước mùa mưa bão để có phương án duy tu sửa chữa”. 

Trạm bơm điện do anh Nguyễn Văn Quốc ở ấp Phước Thọ B đầu tư xây dựng theo hình thức xã hội hóa. 

Bên cạnh đầu tư mới và nâng cấp hệ thống thủy lợi thì ngành Nông nghiệp huyện đã tăng cường vận động xã hội hóa hệ thống thủy lợi nội đồng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được lợi ích công tác thủy lợi là để phục vụ tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Với thế mạnh là cây lúa và các loại cây ăn trái nên sản xuất nông nghiệp của huyện phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Nếu thời tiết, khí hậu thuận lợi sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển, nhưng khi thời tiết không thuận sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống của nhân dân, đặc biệt đối với sự phát triển của cây lúa. Chính vì thế, hàng năm, huyện đầu tư khoảng 16 tỉ đồng, nguồn vốn chủ yếu từ kinh phí cấp bù, vốn hỗ trợ đất trồng lúa theo Nghị định số 35 của Chính phủ và nguồn vốn chống hạn xâm nhập mặn vào nội đồng để đầu tư vào công tác thủy lợi. Tuy nhiên, để đảm bảo hệ thống các công trình không xuống cấp, an toàn và hiệu quả thì cần nguồn vốn lớn để duy tu bảo dưỡng và quản lý, trong khi nguồn thu từ thủy lợi phí của địa phương còn thấp và ngân sách hỗ trợ có hạn thì hình thức xã hội hóa là giải pháp quan trọng.

Từ thực trạng nêu trên, huyện đã kêu gọi đầu tư, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để đầu tư phát triển trạm bơm điện, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia đầu tư xây dựng trạm bơm điện theo hình thức nhân dân tự hùn vốn, Nhà nước đầu tư nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao và hệ thống điện. Mỹ Phước là một trong những địa phương làm rất tốt việc này.

Hiện nay, trên địa bàn xã Mỹ Phước có 2 công trình trạm bơm điện do nhân dân đóng góp xây dựng, quản lý và Nhà nước kéo điện, nạo vét kênh mương. Cả 2 công trình này đều do anh Nguyễn Văn Quốc ở ấp Phước Thọ B đóng góp xây dựng, mỗi trạm bơm được anh đầu tư với kinh phí khoảng 1,6 tỉ đồng.

“Ấp Phước Thọ B và một số ấp lân cận của xã là vùng trũng nhất của huyện. Bản thân tôi kinh doanh vật tư nông nghiệp nên cũng rất quan tâm đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con. Nhận thấy được khó khăn của bà con khi làm nông nghiệp bị nước ngập quanh năm ảnh hưởng đến năng suất, mùa vụ nên tôi bàn với gia đình đầu tư trạm bơm điện để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho bà con địa phương. Khi trạm bơm đi vào hoạt động, tôi thấy được lợi ích, hiệu quả thiết thực ngay trên chính diện tích đất canh tác của bà con nên tôi lại tiếp tục đầu tư thêm một trạm bơm nữa cũng trên địa bàn ấp Phước Thọ B. Trạm bơm này đang được khẩn trương thi công để kịp bơm cho vụ Đông - Xuân tới” - anh Quốc chân tình chia sẻ. Hơn một năm nay, khi công trình trạm bơm do anh Quốc đầu tư đi vào hoạt động đã tiêu nước cho hơn 400ha đất nông nghiệp ở ấp Phước Thọ B và một số ấp lân cận nên bà con rất phấn khởi vì có thể làm 2 vụ lúa/năm.

Xã hội hóa trong công tác nạo vét kênh mương.

Từ năm 2015 đến nay, bằng nhiều hình thức khác nhau, huyện Mỹ Tú đã huy động xã hội hóa để nạo vét 53 công trình thủy lợi, với tổng kinh phí trên 1,8 tỉ đồng. Qua đó, đã góp phần nâng tổng số kênh nội đồng của huyện là 510 công trình, với tổng chiều dài 490km nội đồng. Ngoài ra, huyện có 94 kênh tạo nguồn cấp 1 và cấp 2, với tổng chiều dài gần 470km và 15 công trình trạm bơm phục vụ khoảng 95% diện tích đất nông nghiệp, trong đó có 2 trạm bơm do nhân dân đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác vận hành.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hình thức xã hội hóa công tác thủy lợi ở huyện Mỹ Tú đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực, mang lại lợi ích cho người dân. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ hệ thống thủy lợi nội đồng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: