• Huyện Mỹ Tú

Khai thác hiệu quả tiềm năng vùng trũng ở Mỹ Tú

13/12/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 13/12/2018 | 06:00

STO - Mỹ Tú là huyện có trên 30.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 2/3 diện tích đất thuộc vùng trũng, nên đây là một trong những khó khăn của huyện trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, huyện đã tập trung mọi nguồn lực để khai thác tối đa tiềm năng vùng trũng nhằm biến những trở ngại thành lợi thế để phát triển.

Vùng trũng của huyện tập trung chủ yếu ở các xã: Mỹ Tú, Mỹ Phước, Long Hưng, Hưng Phú và thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa. Do địa hình thấp, hay bị ngập nước nên bà con ở vùng này chỉ sản xuất lúa được 2 vụ/năm, còn đối với vụ Thu - Đông cũng có một số bà con canh tác lúa nhưng năng suất giảm, sản lượng kém, nên nhiều bà con bỏ ruộng không làm vụ này.

Để khai thác tiềm năng vùng trũng, huyện đã tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi khép kín từng tiểu vùng để chủ động tưới tiêu, hướng dẫn nông dân thành lập các tổ hợp tác để tổ chức các dịch vụ; hỗ trợ bà con giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp bà con thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp. Trong 2 năm gần đây, diện tích đất vùng trũng được bà con chuyển đổi mạnh mẽ để thực hiện nhiều mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả.

Mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá hiệu quả ở xã Long Hưng.

Trong các mô hình được triển khai thì mô hình nuôi cá trên ruộng lúa vụ Thu - Đông là mô hình được đánh giá là có tính khả thi cao và phù hợp với vùng trũng ở địa phương. Đây là mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả của vụ 3 sang thực hiện nuôi cá đăng quầng, góp phần tăng độ màu mỡ cho đất, hạn chế dịch bệnh trên ruộng lúa... Từ hiệu quả mang lại, mô hình đang được bà con phát triển mạnh và diện tích nuôi ngày càng mở rộng.

Bên cạnh mô hình nuôi cá đăng quầng, thì mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá đồng được xem là một hướng đi phù hợp của nhiều nông dân vùng trũng, tập trung chủ yếu ở xã Long Hưng. Thực tế cho thấy, mô hình này cho lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa, với mức thu nhập từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/1.000m2. Ngoài ra, việc phát triển mô hình này còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, góp phần quan trọng trong việc khai thác, tận dụng lợi thế diện tích đất ở vùng trũng thấp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Khi mùa nước nổi về, nhiều bà con trên địa bàn xã Mỹ Phước còn tận dụng mặt nước để phát triển mô hình nuôi vịt biển kết hợp thả cá đồng, đây được xem là mô hình kinh tế sinh thái ở địa phương. Qua 2 năm nuôi thí điểm, vịt biển đã thể hiện rõ tính thích nghi cao, tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt khá tốt... Với những ưu điểm vượt trội của giống vịt biển nên mô hình này đang được các hộ nhân rộng.

Gia đình anh Võ Văn Luân, ở ấp Phước An B, xã Mỹ Phước đã chuyển sang nuôi vịt biển, giúp gia đình anh đảm bảo được nguồn thu nhập. “Mấy năm trước, gia đình cũng có làm lúa vụ 3 nhưng mà toàn thua lỗ vì nước lên nhiều quá rồi được bên khuyến nông hỗ trợ con giống và một phần thức ăn nên tôi mới chuyển qua nuôi vịt này, thấy bước đầu cho hiệu quả. Sau hơn 2 tháng rưỡi thả nuôi 800 con vịt biển, trừ chi phí tôi cũng thu được vài chục triệu đồng” - anh Luân chia sẻ.

Mô hình nuôi vịt biển đang phát triển ở xã Mỹ Phước.

Tận dụng vùng đất trũng thấp, nông dân xã Mỹ Tú đã khai thác lợi thế bằng việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian gần đây, bà con nông dân còn thành công với mô hình nuôi cá trê vàng trong ruộng năn, cho thu nhập khá, góp phần mang lại hiệu quả cao trên cùng một đơn vị diện tích đất, khai thác được tối đa đất nông nghiệp lại phát triển kinh tế hộ gia đình, phù hợp với đặc trưng của vùng đất phèn trũng.

Với hiệu quả kinh tế khá cao, mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng bồn bồn được đánh giá là mô hình phát triển tương đối bền vững, rủi ro ít, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện. Ngoài ra, mô hình nuôi cá lóc trong vèo cũng mang lại kết quả tốt. Hàng năm, ngành Nông nghiệp huyện đã xây dựng kế hoạch và đưa vào thực hiện trình diễn mô hình nuôi cá lóc trong vèo. 

Trong thời gian tới, để khai thác tối đa tiềm năng vùng trũng, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con, đồng chí Võ Minh Quân - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hội, đoàn thể để nâng cao nhận thức người dân trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, phát triển các mô hình chủ lực phù hợp với từng vùng, từng địa phương. Bên cạnh đó, thành lập các tổ chức nông dân để tổ chức sản xuất tập trung; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật gắn với đầu tư mô hình để nông dân học tập và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, tạo ra chuỗi liên kết sản xuất khép kín và các sản phẩm gia tăng, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất theo hướng hiện đại, sản xuất theo chuỗi, liên kết, quy mô lớn”.     

K.Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: