• Huyện Mỹ Tú

Khởi sắc công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Mỹ Tú

22/04/2020 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 22/04/2020 | 15:00

STO - Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm từ 2% - 3%, huyện Mỹ Tú đã huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, hạn chế tái nghèo, góp phần phát triển sản xuất gắn với đẩy mạnh giải quyết việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập...

Những năm qua, huyện Mỹ Tú đã xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Tú đã xây dựng chương trình hành động về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu đến cuối năm 2020 phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm dưới 4,05%. Trên cơ sở các kế hoạch cụ thể, Huyện ủy Mỹ Tú đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho công tác giảm nghèo, lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các xã nghèo, các ấp đặc biệt khó khăn.

Phú Mỹ là một trong những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm tỷ lệ gần 93%). Phú Mỹ ngày nay đã chuyển mình nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách trong việc chăm lo đời sống người dân như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ cây, con giống để giúp bà con Khmer nghèo sản xuất, nâng cao đời sống. Bà Lâm Thị Ngọc Vàng - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Mỹ cho biết: “Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân, nhất là bà con Khmer đã được nâng lên đáng kể. Năm 2019, hội phát động hội viên đăng ký thoát nghèo và chủ động phối hợp các ngành có liên quan để giúp hộ thoát nghèo; hộ tiếp cận vốn; vận động học nghề; tư vấn, giới thiệu việc làm, chuyển giao kỹ thuật... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân Khmer đã vươn lên thoát nghèo”.

Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: P.L

Xác định công tác giảm nghèo bền vững phải gắn liền với phát triển sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người dân, huyện Mỹ Tú đã tập trung tạo điều kiện để các gia đình thuộc diện hộ nghèo có vốn sản xuất. Cơ sở hạ tầng xã vùng có đông đồng bào Khmer được đầu tư tương đối đồng bộ, như: điện, nước, đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế và nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng đa canh, đa con. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, như: bò lai sind, dê, heo…; các giống cây con khác được đưa vào sản xuất tạo ra thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.

Đồng chí Nguyễn Việt Phú - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mỹ Tú cho biết: “Thời gian qua, Huyện ủy luôn quan tâm củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy cán bộ làm công tác giảm nghèo từ huyện đến cơ sở, đảm bảo thực hiện hiệu quả; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý công tác giảm nghèo các cấp đủ phẩm chất và năng lực để đảm nhận công việc. Ngoài ra, huyện còn phát huy được vai trò các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín, các giáo viên trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng bào dân tộc, tôn giáo tham gia các mô hình phát triển sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế giúp ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Công tác đào tạo nghề, có 11.643 lao động, đạt tỷ lệ gần 106% so với kế hoạch; giải quyết việc làm, có 12.660 lao động, đạt trên 115% so kế hoạch; xuất khẩu lao động được 135 lao động, đạt trên 103%. Đến nay, huyện Mỹ Tú có 3.583 hộ được thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 6,13%”.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Việt Phú, đạt được kết quả trên là nhờ các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt được kết quả tích cực. Công tác giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và người nghèo.

Cùng với việc thực hiện các chính sách phát triển sản xuất, trên cơ sở nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn vốn các chương trình đối với việc thực hiện các chính sách, dự án khác, như: hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được 480 căn, tổng kinh phí trên 11,6 tỉ đồng, trong đó mạnh thường quân đóng góp 480 triệu đồng; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định số 33 là 320 căn, kinh phí 6,9 tỉ đồng; hỗ trợ nhà đại đoàn kết được 142 căn, kinh phí trên 4,1 tỉ đồng; các mạnh thường quân hỗ trợ 12 căn…

Để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Việt Phú cho rằng: “Huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền các chính sách để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu và chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo. Nâng cao trình độ dân trí, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo; cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện dưới 4,05%”.

P.L

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: