• Huyện Mỹ Tú

Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy - cái nôi của tinh thần cách mạng kiên trung

29/04/2020 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 29/04/2020 | 11:00

STO - Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng nằm trong rừng tràm Mỹ Phước, thuộc xã Mỹ Phước (Mỹ Tú). Nơi đây còn các di tích hầm bí mật, hầm tránh pháo, hố bom, nhà thường trực, hội trường, nhà ăn... là minh chứng cho tinh thần cách mạng trung dũng, kiên cường của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sóc Trăng qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân Sóc Trăng nói riêng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Năm 1945, thực dân Pháp lại nổ súng tái chiếm Sài Gòn, Đảng bộ, quân và dân Sóc Trăng cùng cả nước tiếp tục chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Bước đầu, lực lượng cách mạng tạm thời rút về các vùng nông thôn hẻo lánh, có địa hình hiểm trở, làm chỗ dựa vững chắc để củng cố lực lượng. Rừng tràm Mỹ Phước là một trong những nơi được Tỉnh ủy chọn làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng để kháng chiến lâu dài.

Đi một vòng khu di tích căn cứ Tỉnh ủy, chỉ tay về phía rừng tràm rậm rạp từng che chở cho bộ đội, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngãi, ở xã Mỹ Phước chia sẻ: “Nơi đây có địa hình hiểm trở, không chỉ có tác dụng ngụy trang, che giấu lực lượng kháng chiến từ cơ quan lãnh đạo đến các đơn vị vũ trang, mà còn tạo điều kiện để lực lượng kháng chiến tổ chức phòng thủ, cũng như thiết lập thế trận tiến công tiêu diệt địch. Với địa thế hiểm yếu, nhiều kênh rạch chằng chịt nên rất thuận lợi để xây dựng căn cứ cách mạng, tiến thoái dễ dàng, rất phù hợp cho việc phát triển chiến tranh du kích”.

Đường vào Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng được tôn tạo, sửa chữa nhưng vẫn giữ nét hoang sơ. Ảnh: SONG LÊ

Khoảng giữa năm 1946, công binh xưởng Sóc Trăng ra đời tại rừng tràm Mỹ Phước. Với hơn 20 tay thợ được quy tụ từ các lò rèn, công binh xưởng Sóc Trăng đã sản xuất ra nhiều loại vũ khí thô sơ như phi tiêu, giáo, mác, các loại chông gài... Trong giai đoạn này, để đạt được mục tiêu chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, Pháp đã sử dụng những đội quân lưu động kết hợp với gián điệp để đánh phá vào căn cứ. Đồng thời đóng đồn bót, tháp canh dày đặc để kiểm soát các đường giao thông quan trọng, tăng cường các cuộc càn quét đánh phá vào các vùng ven đô thị, hòng lấn chiếm vùng tự do của ta.

Khi Pháp rút quân, Mỹ nhảy vào toàn quyền thống trị miền Nam, tại rừng tràm Mỹ Phước, Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị và có nhiều nghị quyết quan trọng để lãnh đạo quân và dân Sóc Trăng đoàn kết chiến đấu, cùng với cả nước đánh bại hoàn toàn các chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ.

Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Thương nhớ lại: “Đầu năm 1972, ngụy quyền Sóc Trăng ra sức tăng cường bắt lính, đôn quân, đóng thêm đồn bót và xây dựng chính quyền xã, ấp, để làm công cụ cho kế hoạch bình định, mở nhiều chiến dịch đánh phá vào vùng căn cứ. Điển hình là cuộc tấn công từ ngày 8-3 đến ngày 8-4-1972, địch đưa trên 2.000 quân cùng 20 khẩu pháo và máy bay ném bom, càn quét vào rừng tràm Mỹ Phước. Suốt 31 ngày đêm chiến đấu, ta đã diệt và làm bị thương nhiều tên địch, buộc chúng phải rút quân”.

Đầu năm 1973, Hội nghị Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết, nhưng với bản chất xâm lược, đế quốc Mỹ vẫn bám lấy Đông Dương, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, ra sức phá hoại Hiệp định Paris. Cuộc chiến lại tiếp tục diễn ra quyết liệt, gian khổ hơn. Đầu năm 1975, khi thời cơ đã đến, tại khu căn cứ này, Tỉnh ủy đã ra nghị quyết với chủ trương “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung cao nhất mọi sức mạnh tinh thần và lực lượng của mình, phát huy sức mạnh tổng hợp ba mũi, ba vùng làm cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa, nhanh chóng đánh đổ hoàn toàn ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân”.

Những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” bên khu di tích. Ảnh: SONG LÊ

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đảng bộ, chính quyền, quân, dân tỉnh Sóc Trăng tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Rừng tràm Mỹ Phước, căn cứ địa của Tỉnh ủy Sóc Trăng được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Tại đền tưởng niệm ghi danh hơn 14.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhà trưng bày với 400 hình ảnh, hiện vật, bao gồm các hình ảnh kháng chiến chống Mỹ của quân và dân tỉnh Sóc Trăng, quá trình xây dựng khu căn cứ, ảnh các đồng chí bí thư tỉnh ủy trong kháng chiến chống Mỹ… Khu căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng tồn tại là một minh chứng lịch sử của Đảng bộ, khẳng định tình cảm và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Huệ cho biết, từ sau giải phóng đến nay, phát huy truyền thống yêu nước, bám đất, bám làng, Đảng bộ và nhân dân xã Mỹ Phước đã chung sức, đoàn kết một lòng khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đặc biệt, xã Mỹ Phước, vùng căn cứ kháng chiến ngày nào phải chịu cảnh “mưa bom, bão đạn” nay chuyển mình đi lên, xây dựng nông thôn mới. Xã được ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông từ huyện đến xã, từ xã đến các ấp, trường, trạm khang trang và đưa điện, nước đến tận vùng sâu… đáp ứng nhu cầu giao thương, học tập, chăm sóc sức khỏe. Nhân dân Mỹ Phước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, chí thú làm ăn, giảm hộ nghèo xuống còn hơn 7%. Kinh tế phát triển, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn, an ninh trật tự ổn định, người dân tích cực tham gia tốt các phong trào của địa phương.

Song Lê

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: