• Huyện Mỹ Tú

Mỹ Tú có tiềm năng cho mô hình du lịch cộng đồng

10/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 10/01/2019 | 06:00

STO - Tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn kết hợp du lịch cộng đồng của Sóc Trăng đã được nhiều chuyên gia và những người hoạt động trong ngành du lịch khẳng định. Để tìm hiểu rõ về những tiềm năng này, chúng tôi đến tham quan khu nhà vườn của chú Nguyễn Văn Tẩn, ở ấp Phương An 3, xã Hưng Phú (Mỹ Tú).

Xuống xuồng để vào khu ruộng, vườn của chú Tẩn.

Biết đến chú Tẩn và khu nhà vườn của chú vào khoảng 2 năm trước trong dịp Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch tỉnh tổ chức Famtrip (viết tắt của cụm từ familiarization trip, hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) nên khi tôi liên lạc để đến tham quan, chú vui vẻ nhận lời. Đường giao thông đến nhà chú khá thuận lợi, xe chở khách với số lượng lớn có thể đến ngay trước nhà vì địa chỉ này tọa lạc ngay trên Quốc lộ Quản lộ - Phụng Hiệp. Nếu đi từ TP. Sóc Trăng đến đây cũng chỉ khoảng hơn 35km đường bộ, còn theo hướng đi lên từ chợ nổi Ngã Năm (TX. Ngã Năm) chỉ khoảng 12km. 

Hiện khu nhà vườn của chú Tẩn vẫn chưa khai thác du lịch nên chưa có bảng hiệu, cổng chào nhưng tìm đến cũng không khó với dấu hiệu là hàng cau kiểng có kích thước khổng lồ. Chú Tẩn bộc bạch: “Khi Quản lộ Phụng Hiệp mở ra, tôi đã nhìn thấy tiềm năng để phát triển du lịch tại địa phương. Hàng cau trước nhà là do tôi cố tình trồng để tạo cảnh quan từ ngày đó”. Sau vài phút gặp gỡ, chú Tẩn mời nhóm chúng tôi vào gian nhà khách của chú. 

Du khách tự tay giở lợp để bắt cua, cá đồng.

Gian nhà gỗ với vách chỉ cao chừng 1,5m, phần trên là phên thưa làm cho gian nhà khá thông thoáng, tràn đầy gió, ánh sáng và cũng đậm chất Tây Nam bộ. Chú Tẩn đã dựng 2 gian nhà gỗ như vậy để vừa sử dụng vào mục đích sinh hoạt gia đình, vừa đón đầu phục vụ du khách. Mỗi gian nhà, chú bày một bộ ván ngựa theo kiểu Nam bộ xưa, một gian có thêm bộ salon gỗ cẩn xà cừ để tiếp khách càng làm cho du khách dễ cảm được chất miền Tây mộc mạc, tự nhiên.

Chuyện trò rôm rả về những mong muốn, dự định trong thời gian sắp tới cùng những chia sẻ, góp ý ban đầu của những người bạn làm trong ngành du lịch, một điều mà chúng tôi dễ dàng cảm nhận được ở chú Tẩn đó là nhiệt huyết và mong muốn phát triển du lịch tại địa phương. Từ khi chú có ý định làm du lịch đến nay đã hơn 10 năm và cũng đã hơn 2 năm kể từ ngày đoàn Famtrip của tỉnh ghé đến nhà chú, lúc đầu chúng tôi cũng e ngại rằng chú không còn nhiệt huyết với ngành du lịch. Nhưng qua trò chuyện, cảm nhận được tinh thần chú vẫn hăng say như ngày nào thật sự là một điều rất đáng quý. 

Sau khi chuyện trò, chú Tẩn chỉ cho chúng tôi các nông cụ, ngư cụ để mang theo cùng chú ra đồng. Khu ruộng, vườn của chú Tẩn ở phía đối diện nhà chú bên kia Quản lộ - Phụng Hiệp có tổng diện tích hơn 10ha. Trong đó, 3ha là đất trồng lúa mà khi vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 đến tháng 11 hàng năm) sẽ là nơi sinh sống của nhiều loài cua, cá đồng.

Chúng tôi băng qua Quản lộ  Phụng Hiệp rồi lên xuồng nhỏ để chú Tẩn đưa vào vườn thông qua kênh dẫn nước. Con kênh rộng chừng 3m và có độ sâu không lớn nên rất an toàn cho du khách. Xuồng được di chuyển trên kênh bằng cách chống sào. Dọc tuyến kênh, dòng nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy, nhiều loài rong, tảo, bèo tự nhiên mọc trong và trên nước càng làm cho khung cảnh thêm phần tươi đẹp. Vừa đi, chú Tẩn vừa chỉ cho chúng tôi những chỗ để thả lưới và giở những chiếc lợp, lờ mà chú đã đặt từ chiều hôm trước để thu hoạch cua, cá đồng. Những chiếc lợp, lờ ấy đã bắt được nhiều loài: cua đồng, ốc bươu đen, cá rô, sặc, lóc… 

Thu hái cà tại rẫy nhà chú Tẩn.

Vào đến rẫy trồng cà, chúng tôi băng qua xẻo đất nhỏ rồi tiếp tục chống chẹt đi dọc kênh dẫn nước tưới chọn những trái to nhất để thu hoạch. Trên đường trở về, chúng tôi thu lại những chiếc lưới được thả khi nãy. Nhiều con cá sặc đã mắc vào lưới sẽ trở thành bữa trưa ngon lành sau chuyến đi. Trở về nhà, chú Tẩn lại tiếp tục lấy ra những chiếc cần câu và mồi câu là những con dế cơm để chúng tôi trải nghiệm thú vui câu cá ở miệt vườn. Sau một hồi thả câu, anh bạn của tôi đã câu được một con cá rô.

Niềm vui của du khách khi câu được cá.

Trở về nhà chú Tẩn, một bàn ăn đã được dọn sẵn, chúng tôi phụ thím Tẩn chế biến món ăn và cùng dọn ra dùng bữa trưa. Các món ăn một phần là các loài thủy sản chúng tôi bắt được trên đồng, một phần là nông sản địa phương được chú thím chuẩn bị từ sớm để phục vụ khách. Cho đến lúc này, chú thím vẫn chưa biết cách tính toán thế nào cho phí phục vụ đưa khách đi tham quan, trải nghiệm và cách tính tiền cho bữa ăn. Những người bạn làm du lịch của tôi đã nhiệt tình hướng dẫn, cân đối và góp ý với chú thím trong những khoản thu phí phục vụ du lịch này. 

Sau một ngày đến tham quan và tìm hiểu về khu nhà vườn của chú Tẩn, những người bạn của tôi đều đánh giá rất cao tiềm năng du lịch tại đây. Đặc biệt, đối với mô hình du lịch cộng đồng, yếu tố con người là rất quan trọng. Du khách đến với du lịch cộng đồng không phải để trải nghiệm dịch vụ cao cấp, ăn ngon mặc đẹp mà là để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với người dân địa phương và tìm hiểu văn hóa, tập tục ở những vùng đất mới… Vì vậy, ở khu nhà vườn của chú Tẩn, bên cạnh tiềm năng sẵn có, chú thím lại là những người rất nhiệt tình và luôn mong muốn được làm du lịch.

Anh Thụy

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: