• Huyện Mỹ Tú

Ngày tết, về Mỹ Tú dùng thử ô mai mận

28/01/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 28/01/2019 | 06:00

STO - Hiện nay, ngoài trái mận An Phước có giá trị kinh tế cao do thị trường ưa chuộng, còn lại mận mỡ (mận trắng), mận xanh… thì người tiêu dùng ít quan tâm. Thấy được tiềm năng trái mận là rất lớn nhưng giá trị thấp, chị Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, ấp Tam Sóc D2, xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú) đã phát triển nghề làm ô mai mận và mứt mận nhằm nâng cao giá trị trái mận thông qua việc chế biến. Và đây cũng là một trong những sản phẩm đặc trưng của huyện Mỹ Tú nên được đưa vào trong Chương trình “mỗi xã 1 sản phẩm” (gọi tắt là OCOP) của tỉnh.

Dưới ánh nắng chói chang của những ngày giáp Tết Kỷ Hợi 2019, chị Hạnh vẫn miệt mài, đứng trở từng miếng ô mai mận trên giàn phơi. Dùng cây gắp chuyên dụng, chị Hạnh mời chúng tôi dùng thử miếng ô mai mận đã phơi qua 2 ngày nắng đẹp. Miếng ô mai có mùi vị vô cùng đặt biệt, mận vẫn giữ nguyên vẹn đặc trưng vốn có, vị chua thanh, độ ngọt nhẹ của đường, vị the của tắc, kết hợp vị cay nhẹ của gừng tạo nên sự độc đáo.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Hạnh, ấp Tam Sóc D2, xã Mỹ Thuận (Mỹ Tú) cho rằng phải trở mứt mận, ô mai mận thường xuyên dưới nắng, mứt mới ngon.

Chị Hạnh chia sẻ: “Ô mai mận tôi sản xuất quanh năm để cung ứng cho thị trường TP. Hồ Chí Minh. Lúc đầu chỉ làm mứt mận nhưng khi giao hàng có rất nhiều khách hỏi có ô mai mận không, tôi thấy ý tưởng hay nên về nhà mày mò công thức làm thử. Phải thử nghiệm làm 3, 4 lần mới thành công, bởi trải qua nhiều công đoạn khó, đòi hỏi người thợ phải kiên nhẫn mới làm được. Thêm vào đó là mất nhiều thời gian cho việc xắt các loại thành phẩm phối trộn tạo thành món ô mai, tốn chi phí hơn so với mứt mận. Nhưng làm ô mai lợi nhuận khá, bởi tận dụng trái mận không đạt kích cỡ và miếng mứt mận bị bể không thành hình dáng “chuẩn” loại ra, tiết kiệm được chi phí, tăng nguồn thu”.

Thưởng thức xong món ô mai mận, chị Hạnh tiếp tục mời khách sang khu vực giàn phơi mứt mận. Dưới ánh nắng gay gắt, từng miếng mận được ngào đường kỹ, sau khi sên chín trên lửa, đạt độ dẻo vừa phải, được sắp xếp gọn gàng trên giàn ngay hàng thẳng lối. Dùng thử miếng mứt mận thấy vị chua thanh, kèm vị ngọt của đường đã tạo hương vị riêng không giống các loại mứt khác. Đôi tay liên tục trở từng miếng mứt mận, chị Hạnh tâm tình: "Thấy trái mận mỡ có rất nhiều tại một số địa phương trong tỉnh mà chẳng mấy ai mua, dù giá thấp. Với máu “kinh doanh” bồn bồn hơn chục năm, tôi quyết định học nghề làm mứt mận ở tận TP. Hồ Chí Minh. Theo học nghề 2 tháng, tôi đã thành thạo các công đoạn làm mứt và về quê sản xuất mứt theo đơn đặt hàng của các cửa hàng trên thành phố. Tuy nhiên, mứt mận chỉ làm chủ yếu vào các dịp tết, tính đến nay tôi đã gắn bó nghề làm mứt mận 4 năm. Riêng đợt tết năm 2019, tôi đã nhận đơn hàng 200kg (tăng gấp đôi so cùng kỳ năm trước); còn ô mai mận đơn hàng 150kg".

Theo chị Hạnh, để miếng mứt mận ngon, phải lựa chọn trái mận có độ lớn vừa phải, mận chắc ruột không hạt. Quá trình sên mứt, phải trở đều tay, nhẹ nhàng, tránh mận bị dập nát, ướp đường vào mứt với liều lượng vừa phải đem phơi nắng khi nước đường thấm hết vào miếng mứt mới đóng gói. Với việc sản xuất mứt mận vụ tết, chị Hạnh đã tạo việc làm cho 4 lao động thời vụ. “Lợi nhuận hàng tháng từ ô mai mận đủ chi phí điện nước, mua sắm nhu yếu phẩm. Riêng tiền mứt mận mùa tết lợi nhuận kha khá. Dự định tới, tôi sẽ chuyển 10 công đất trồng bồn bồn sang trồng mận nhằm tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ và hướng sản xuất mứt mận, ô mai mận theo quy trình khép kín cũng như tìm thêm đơn vị thu mua quanh năm để cung ứng hàng thường xuyên, nhằm tăng thu nhập và tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương” - chị Hạnh chia sẻ thêm.

Mứt mận, ô mai mận của chị Hạnh được sản xuất hoàn toàn theo phương thức thủ công truyền thống, không sử dụng hóa chất, phẩm màu nên sản phẩm sử dụng tốt trong thời gian dài (lên tới 6 tháng).

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú Võ Minh Quân cho biết: “Mứt mận do chị Hạnh sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và phù hợp với định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, bền vững. Chính vì vậy, mứt mận được đơn vị đưa vào Đề án chương trình OCOP của tỉnh nhằm quảng bá đặc sản đặc trưng của huyện đến người tiêu dùng rộng rãi hơn”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: