• Huyện Mỹ Tú

Sâu hại tàn phá vườn tràm Úc ở Mỹ Tú

14/08/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 14/08/2017 | 09:00

STO - Hiện có hơn 125ha tràm Úc ở Mỹ Tú đang bị một loại sâu hại tàn phá nghiêm trọng. Ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu gởi đến cơ quan chuyên môn xác định tên gọi và cách trị để thông tin đến bà con nông dân.

“Lũ sâu chỉ nhỏ bằng chân nhang nhưng có sức mạnh ghê gớm. Chúng có đủ màu sắc, lúc nhúc. Chỉ trong chốc lát, lá cây non xanh mơn mởn trở nên trơ trụi” - đó là những lời tâm sự kèm theo vẻ mặt lo âu của hộ dân trồng tràm Úc ở xã Hưng Phú (Mỹ Tú). Họ đang chống chọi với lũ sâu ăn lá tràm thời gian qua. Người dân đã tốn nhiều chi phí diệt sâu, một số hộ phải đốn bỏ trồng lại cây mới.

Lần theo thông tin của người dân về lũ sâu lạ, chúng tôi tìm đến các ấp của xã Hưng Phú để tận mắt chứng kiến. Ven hai bên đường từ trung tâm huyện đến xã Hưng Phú có vài đám tràm bị sâu ăn lá nham nhở. Theo lãnh đạo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú, những đám tràm đó bị sâu tấn công không đáng gì so với đám tràm tại một số ấp vùng trong của xã Hưng Phú. Ghé nhà ông Nguyễn Hồng Thiện, ấp Phương Thạnh 1, ông dẫn chúng tôi ra phần đất trồng tràm gần nhà. Ông Thiện chia sẻ: “Tôi trồng tràm mấy mươi năm nay chưa bao giờ bị loại côn trùng tấn công cây, lá. Nhưng 2 năm gần đây, xuất hiện giống sâu mới, chẳng biết nó tên gì (dù thân hình bé xíu) mà ăn lá rất khỏe; sức tàn phá thật ghê gớm”.

Cũng theo lời ông Thiện, hiện ông có vài ha trồng tràm phát triển tốt và chỉ có 8 công tràm đang độ 1,5 năm tuổi bị sâu tấn công nhiều đợt. Để diệt sâu hại, ông phải bỏ ra nhiều chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật phun trên cây. Điều lạ là chỉ phun thuốc vài hôm, sâu vẫn tiếp tục tấn công, ăn hết đợt lá non trên cây, sâu di chuyển đi đâu không rõ, hễ lá non phát triển lên là sâu lại xuất hiện. Phun thuốc nhiều đợt không diệt được sâu, ông đành bỏ phế đám tràm. Vì vậy, cây tràm bị khô đọt, phần lá già cũng ủ rũ mất sức sống, chắc chắn đám tràm sau thu hoạch không bằng nửa số tiền chi phí dùng mua thuốc trừ sâu.

Ông Lê Văn Ngọc ở ấp Phương An 1, xã Hưng Phú (Mỹ Tú) bên đám tràm bị sâu tấn công.

Còn tại ấp Phương An 1, ông Lê Văn Ngọc đang định thuê người đốn hạ hơn 1 công tràm chỉ còn vài tháng nữa là đủ 2 năm tuổi. Ông Ngọc than thở: “Tôi có 10 công đất trồng mía đã chuyển sang trồng cây tràm vụ đầu tiên vì nhận thấy cây tràm mang lại nhiều lợi nhuận kinh tế hơn so với cây mía. Ngờ đâu lần đầu “khởi nghiệp cùng cây tràm” gặp ngay tình cảnh sâu hại tấn công liên tục. Điều lạ là chỉ 1 công đất tràm trước nhà, lũ sâu cứ đeo ăn miết”. Ông Ngọc nhớ lại lúc cây tràm 1 năm tuổi (đó là thời điểm lá non nhiều nhất) có một bầy bướm bay lại rợp cả đám tràm, vài ngày sau ra thấy sâu đầy trên lá, chỉ qua 3 ngày lá non trên cây sạch sẽ. “Tôi tốn hơn 10 triệu đồng mua thuốc diệt sâu nhưng “như muối bỏ biển”, giờ hết cách trị nên định phá bỏ trồng lại mới cho chắc. Tôi chưa biết đám sâu tên gọi là gì. Mặc dù da nó trơn bóng như sâu da xanh ăn lá nhưng sâu ăn lá cũng không phá hại cây trồng theo dạng bầy đàn. Chúng tôi chờ ngành chuyên môn hướng dẫn cách điều trị” - ông Lê Văn Ngọc tiếp lời.

Trước tình hình trên, đồng chí Nguyễn Văn Đầy - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mỹ Tú cho biết: “Thời gian trước đây, tình hình dịch bệnh gây hại và sâu tràm có xuất hiện nhưng mật số không cao, nông dân ít quan tâm nên không phun thuốc trừ sâu. Vài năm trở lại đây, do giá cây tràm tăng cao, nông dân đã thâm canh tăng vụ. Để rút ngắn thời gian thu hoạch, bà con đã sử dụng nhiều loại thuốc giúp cây tràm lớn nhanh, dẫn đến việc bộc phát sâu hại diện tích 125ha tràm ở giai đoạn từ 1 đến 1,5 năm tuổi”.

Trước tình hình trên, đồng chí Nguyễn Văn Đầy khuyến cáo người dân trồng tràm nên trồng luân canh với một số loài cây khác, không phun thuốc trừ sâu để ngừa lúc mật số sâu ít chưa làm ảnh hưởng đến năng suất tràm; thường xuyên làm cỏ để hạn chế nấm bệnh lây lan và hạn chế sâu nhộng, cắt cành rửa cây làm vườn thông thoáng, hạn chế bướm đẻ trứng; bón phân cân đối, khi phát hiện sâu với mật số cao thì nên phun thuốc đặc trị, nhất là thuốc trừ sâu sinh học để không ảnh hưởng thiên địch và hệ sinh thái.

Riêng đối với loại sâu ăn lá trên cây tràm, đồng chí Nguyễn Văn Đầy thông tin thêm: “Hiện chúng tôi đang tiến hành lấy mẫu để gởi đến ngành chuyên môn xác định tên gọi nhằm thông tin đến bà con nông dân. Nhưng trước mắt, người dân cần áp dụng những khuyến cáo mà Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã nêu như trên để tiêu diệt sâu và các loài côn trùng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây tràm”. 

Thúy Liễu

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: