• Huyện Mỹ Tú

Tận dụng nguồn phế phẩm nông sản để tăng thu nhập và bảo vệ môi trường

14/02/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 14/02/2019 | 06:00

STO - Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Mỹ Tú đã tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch để trồng nấm và làm thức ăn cho bò, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà còn góp phần hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường ở vùng nông thôn.

Ông Mai Văn Thật ở ấp Thiện Thánh, xã Thuận Hưng cho biết: “Nhờ tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch mà gia đình tôi phát triển thêm nghề trồng nấm rơm. Trồng nấm rơm tuy có cực nhưng cho lãi khá cao”. Hiện gia đình ông Thật trồng khoảng 1.400 chai meo giống và thu hoạch được 2 - 3 đợt, sau khi trừ chi phí, mỗi đợt lời gần 30 triệu đồng. Ông Thật cho biết thêm: “Nấm rơm có thể trồng quanh năm. Để có nhiều rơm dùng trồng nấm, tôi phải mua thêm rơm từ đồng ruộng của bà con xung quanh. Bây giờ cuộc sống gia đình tôi rất ổn định, mỗi ngày trung bình bán được 70kg nấm, lái đến thu mua được giá 42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về lãi kha khá”.

Ông Mai Văn Thật sử dụng rơm trồng nấm cho thu nhập khá cao.

Nếu như ông Thật tận dụng nguồn rơm trồng nấm thì ông Diệp Thanh Hiệp, ở ấp Bố Liên 3, xã Thuận Hưng tận dụng nguồn rơm để nuôi bò. Với diện tích đất trồng lúa khoảng 2ha, sau mỗi vụ thu hoạch, ông Hiệp đã gom và trữ lại nguồn rơm từ đồng ruộng để làm thức ăn cho bò. Ông Hiệp cho biết: “Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 3 con bò thịt và 10 con bò sữa. Với diện tích trồng lúa của gia đình thì sau mỗi đợt thu hoạch có đủ nguồn rơm cho bò ăn”.

Ở vùng nông thôn, sau mỗi vụ thu hoạch lúa cũng là lúc lượng rơm xuất hiện mọi nơi, rơm bị đẩy xuống kênh mương làm ách tắc dòng chảy, tràn trên các tuyến đường hay chất đống đốt khói nghi ngút gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện bà con nông dân đã biết tận dụng nguồn rơm để chăn nuôi hoặc trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Đồng chí Huỳnh Văn Do - Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng cho biết: “Nhiều năm gần đây, bà con trong vùng hạn chế việc đốt rơm rạ gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, rơm rạ ở đây được bà con tận dụng triệt để cho việc nuôi bò và trồng nấm rơm tạo thêm thu nhập. Hiện nay, bà con còn có thêm thu nhập từ việc trữ phân bò và rơm mục sau khi sử dụng để trồng nấm bán cho các thương lái mua để trồng hoa kiểng”.

Ông Diệp Thanh Hiệp tận dụng rơm cho bò ăn.

Theo Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Sóc Trăng (VnSAT-ST), nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu tác động môi trường, dự án khuyến khích và hỗ trợ cho hộ dân trồng lúa, tổ chức nông dân, hợp tác xã (TCND, HTX) trong việc sử dụng các sản phẩm phụ từ lúa gạo (rơm rạ, trấu, cám...). Trong năm, đã tổ chức được 8 lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm rơm cho 240 bà con trồng lúa vùng dự án. Chính quyền địa phương và TCND, HTX trong vùng dự án căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình đề xuất mô hình, triển khai mở rộng mô hình gửi Ban Quản lý dự án tỉnh để được đầu tư thực hiện.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: