• Huyện Mỹ Xuyên

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

12/04/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 12/04/2020 | 06:00

STO - Trong những năm qua, công tác giảm nghèo được các cấp, các ngành huyện Mỹ Xuyên thực hiện tích cực, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, bảo đảm các nguồn lực cần thiết để gắn công tác giảm nghèo bền vững với phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Mỹ Xuyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế trên các lĩnh vực. Theo đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng và phát triển tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các mô hình nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân thoát nghèo, nhất là mô hình nuôi bò sữa.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo giữ vững mô hình tôm - lúa bền vững, diện tích thả nuôi và sản lượng thủy sản hàng năm đều vượt chỉ tiêu nghị quyết; thực hiện tốt việc chuyển đổi giống lúa thơm đặc sản, giống lúa cấp xác nhận có năng suất, chất lượng cao, ổn định và phù hợp với thị trường tiêu thụ, xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức thực hiện tốt các chính sách, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chương trình, chính sách an sinh xã hội, đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế các xã, ấp đặc biệt khó khăn (Chương trình 135) đã hỗ trợ giống lúa, vật tư, phân bón… cho trên 1.500 hộ nghèo, cận nghèo, với tổng kinh phí trên 6,3 tỉ đồng; thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo đã xây dựng được 542 căn nhà, trị giá trên 13,5 tỉ đồng; thực hiện Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đời sống người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn, với hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, từ năm 2016 đến 2018 đã hỗ trợ trên 8.500 lượt hộ nghèo, với tổng số tiền trên 3 tỉ đồng.

Xây dựng vùng sản xuất lúa tập trung kết hợp với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác. Ảnh: Chí Bảo

Phát động mạnh mẽ phong trào tương thân, tương ái, đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”, qua đó đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 256 căn nhà cho đối tượng bức xúc về nhà ở và hỗ trợ vốn sản xuất, khám, chữa bệnh cho hộ nghèo, hỗ trợ học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; lồng ghép chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm, cấp thẻ bảo hiểm y tế và khám, chữa bệnh, ưu đãi về tín dụng… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo từ 14,08% (năm 2015) đã giảm xuống còn 1,90% (năm 2019).

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo, đồng chí Đặng Văn Phương - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Mỹ Xuyên là huyện sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thương mại và dịch vụ ít phát triển, do đó trong quy hoạch vùng sản xuất, 6 xã vùng trong thực hiện mô hình tôm - lúa, khai thác tiềm năng trên bờ bao trồng các loại màu, phối hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là bò thịt và bò sữa. Đối với 5 xã vùng ngoài trồng được 2 vụ lúa, 1 vụ màu, đưa màu xuống chân ruộng, huyện chỉ đạo quy hoạch cánh đồng sản xuất tập trung sản xuất lúa cấp xác nhận và lúa đặc sản có năng suất, chất lượng cao, do đó góp phần tăng lợi nhuận, giảm nghèo. Về công tác quản lý, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, huyện chỉ đạo phân loại hộ nghèo để đầu tư các chương trình mục tiêu, hỗ trợ vốn sản xuất, cây trồng, vật nuôi, vốn tín dụng từ ngân hàng chính sách xã hội. Đối với hộ có tư liệu sản xuất mà thiếu vốn, xây dựng các phương án, mô hình sản xuất cụ thể giao cho đảng viên, đoàn viên, hội viên nơi đó quản lý, hướng dẫn cách làm ăn. Đối với hộ không có tư liệu sản xuất mà có lao động trong độ tuổi, huyện quan tâm hỗ trợ xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm để tăng mức độ giảm nghèo. Còn hộ nghèo có tư liệu sản xuất mà thiếu ý chí làm ăn thì chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động để họ tự lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Còn các hộ nghèo thuộc chính sách an sinh xã hội như người già, ốm đau, neo đơn… thì vận động thực hiện chính sách an sinh xã hội giúp đỡ, chăm lo”.

Theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên Trần Quốc Quang, ngành Nông nghiệp huyện xây dựng một số mô hình có hiệu quả giúp hộ nghèo phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới, như: mô hình nuôi vỗ bò thịt, nuôi chim trĩ, trồng nấm rơm… mô hình nuôi bò thịt thời gian ngắn, giá trị đầu tư thấp, bò thịt thích ứng với điều kiện tự nhiên tốt nên rất phù hợp; mô hình nuôi chim trĩ thì có thể tận dụng diện tích nhỏ quanh nhà, loại chim trĩ thời gian nuôi khoảng 3 tháng có thể xuất bán, giá trị kinh tế cũng khá cao. Còn mô hình trồng nấm rơm không cần đầu tư kinh phí nhiều, chỉ “lấy công làm lời”.

Ông Sơn Thal ở ấp Phônôcambôth, xã Tham Đôn chia sẻ: “Năm 2007, tôi được Nhà nước hỗ trợ một con bò giống từ Chương trình 135. Qua hơn 10 năm, đàn bò nhà tôi phát triển được 16 con, tôi bán 5 con lấy tiền cất nhà mới, tôi cho đứa con gái 1 con bò giống nay cũng đã phát triển được 6 con rồi. Nhờ nuôi bò thịt mà gia đình tôi đã thoát nghèo, có tiền chuộc 4 công đất và mua thêm được 4 công đất làm ruộng, trồng cỏ nuôi bò”.

Đồng chí Đặng Văn Phương cho biết thêm: “Để giảm nghèo bền vững, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, phân loại hộ nghèo, cận nghèo để có giải pháp hiệu quả trong hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả người nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin; phát huy khai thác hết tiềm năng, lợi thế, không để đất trống trong sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, giảm nghèo. Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, thì sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo là hết sức quan trọng. Vì vậy, huyện tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phải nỗ lực vươn lên thì khi đó các chính sách hỗ trợ của chính quyền, của xã hội mới thực sự hiệu quả, giúp thoát nghèo bền vững”.

Chí Bảo

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: