• Huyện Mỹ Xuyên

Mỹ Xuyên chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

24/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 24/06/2019 | 06:00

STO - Xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Mỹ Xuyên đã tập trung thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS.

Đồng chí Thạch Dương Nhanh - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Huyện Mỹ Xuyên là địa phương có đông đồng bào DTTS, trong đó dân tộc Khmer có 53.273 người (chiếm trên 33,3%), dân tộc Hoa có 4.400 người (chiếm 2,8%). Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và các chính sách đối với đồng bào DTTS. Từ đó, đồng bào DTTS trong huyện luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.

Để làm tốt công tác dân tộc, cấp ủy, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể các cấp đã quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, nghị quyết, chính sách liên quan đến đồng bào DTTS như: chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, khó khăn; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Huyện đã hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn Chương trình 135 cho các ấp, xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện với tổng kinh phí trên 33,6 tỉ đồng, trong đó hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 2.300 hộ nghèo với số tiền trên 7,2 tỉ đồng, đầu tư xây dựng 44 công trình với kinh phí trên 15 tỉ đồng; hỗ trợ vay vốn cho trên 1.400 hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ với tổng số tiền trên 10,7 tỉ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 45 hộ đồng bào DTTS; phát triển điện trong đồng bào DTTS được gần 12.400 hộ.

Đồng bào DTTS tích cực lao động, sản xuất nhằm vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Tấn Phát

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đã vận động, khuyến khích đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đào tạo nghề cho gần 3.900 người DTTS, giải quyết việc làm cho trên 4.400 lao động là người DTTS. Qua đó, đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS xuống còn 763 hộ, chiếm 49% tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Công tác giáo dục và đào tạo cho vùng đồng bào DTTS được các cấp, các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả, nhất là quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS, giáo viên và cán bộ quản lý công tác vùng dân tộc. Hiện nay, toàn huyện có 17 trường dạy chữ Việt - Khmer gồm 203 lớp với hơn 5.600 học sinh là người DTTS và có 57 giáo viên dạy tiếng dân tộc ở 2 cấp tiểu học và THCS; công tác chăm sóc sức khỏe đồng bào DTTS được chú trọng, 11/11 xã đều đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 103/103 ấp đều có nhân viên y tế và đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngoài ra, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, các di tích trọng điểm trên địa bàn huyện luôn được hỗ trợ, đầu tư tu bổ, tôn tạo, qua đó từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tìm hiểu về văn hóa địa phương, phát huy được giá trị di sản văn hóa.

Xã Tham Đôn là một trong những xã có đông đồng bào DTTS của huyện Mỹ Xuyên, chiếm trên 73% dân số toàn xã. Thời gian qua, nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS đã tạo điều kiện cho đồng bào DTTS nơi đây phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống.

Theo đồng chí Trương Văn Tửng - Phó Chủ tịch UBND xã Tham Đôn, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào DTTS, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer địa phương. Hiện nay, toàn xã chỉ còn 77 hộ DTTS nghèo, gần 100% đồng bào DTTS có điện sử dụng, trên 98% hộ DTTS có nước sinh hoạt sử dụng, 100% đồng bào DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Anh Lâm Khiêm, một trong những hộ vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi bò ở ấp PhônôCambốth chia sẻ: “Những năm về trước, do không có đất sản xuất nên gia đình phải đi làm thuê kiếm sống, cuộc sống rất bấp bênh. Nhờ được sự hỗ trợ từ các chính sách đối với đồng bào DTTS, gia đình tôi được hỗ trợ 1 căn nhà và 15 triệu đồng thực hiện chăn nuôi bò, từ đó gia đình có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Giờ đây với 5 con bò cùng với thu nhập từ việc làm thuê của các con, cuộc sống gia đình cơ bản ổn định”.

Đồng chí Thạch Dương Nhanh cho biết thêm, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS; khuyến khích đồng bào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời tích cực vận động đồng bào DTTS tham gia các phong trào thi đua yêu nước, qua đó đóng góp công sức vào sự phát triển của địa phương.

Tấn Phát

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: