• Huyện Mỹ Xuyên

Sức hút từ môn đá cầu nghệ thuật

05/08/2019 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 05/08/2019 | 09:00

STO - Đá cầu nghệ thuật là một trong những môn thể thao thú vị, lành mạnh, bổ ích, vừa nâng cao sức khỏe cho những người đam mê, vừa trở thành một nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn.

Tại thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên), môn thể thao đá cầu nghệ thuật đang sinh hoạt có nề nếp và ngày càng phát triển mạnh, thu hút hơn chục thành viên tham gia rèn luyện mỗi ngày. Mỗi buổi chiều, không khí mát mẻ thì cũng là thời điểm các thành viên trong nhóm đá cầu nghệ thuật hội tụ ở khoảng đất trống ngay đầu chợ Mỹ Xuyên để trình diễn những kỹ năng “điêu luyện” của môn đá cầu. Tại đây, trước khi bước vào tập luyện, các thành viên trong nhóm tự khởi động như: xoay cổ tay, cổ chân, rồi sau đó mỗi người tự xếp thành vòng tròn đứng một vị trí thích hợp để cùng nhau trình diễn. Chính nơi đây không chỉ tạo nên sức hút của những người đam mê để thư giãn, hóng mát, mà còn là nơi để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Anh Thạch Thành Cương ở Khóm 1, Phường 3 (TP. Sóc Trăng) bộc bạch: “Hồi còn trẻ tôi rất thích tham gia môn bóng đá, nhưng đến khi lớn tuổi tôi lại chọn môn đá cầu vì nó phù hợp hơn với tuổi tác. Lúc đầu, tôi tham gia đá cầu với anh em tại Quảng trường Bạch Đằng (TP. Sóc Trăng), được một thời gian sau tôi gia nhập với nhóm đá cầu nghệ thuật tại thị trấn Mỹ Xuyên, đến nay được khoảng 10 năm”.

Các thành viên trong nhóm xếp thành vòng tròn để thực hiện các thế đá cầu. Ảnh: THẠCH PÍCH

Qua trò chuyện với anh Cương, được biết, môn đá cầu nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải có sự đam mê, chịu khó tập luyện mới thực hiện thành công. Thay vì đá mũi chính từ phía trước như thường thấy thì đá cầu nghệ thuật thường chỉ sử dụng những động tác đá cầu từ phía sau. Vừa trò chuyện, anh Cương vừa minh họa bằng cách tiếp tục cùng những người bạn uyển chuyển thân mình với nhiều động tác đá khiến mọi người đứng xem liên tục trầm trồ khen ngợi.

Tiếp lời với chúng tôi, chú Dương Thành Xuân (Chuộl), ngoài 60 tuổi, ở ấp Hòa Mỹ, thị trấn Mỹ Xuyên chia sẻ: “Môn đá cầu này tôi đam mê lắm. Sáng thì tôi tranh thủ đi đạp xe thể dục, chiều thì tập trung tại đây để cùng nhau thỏa thích với môn đá cầu nghệ thuật. Gọi là nghệ thuật cho vui vậy thôi, chứ tuổi như chú muốn uốn lượn hay đá theo vũ điệu Apsara như lứa tuổi trẻ cũng không thể thực hiện được. Mục đích đến với môn đá cầu này là nhằm nâng cao sức khỏe, khi tập xong về ăn ngon, ngủ được”.

Nhóm đá cầu nghệ thuật tại thị trấn Mỹ Xuyên đã hình thành hơn 20 năm nay. Ban đầu với số lượng người tham gia từ 6 thành viên, đến nay lên tới 16 thành viên tập luyện thường xuyên. Với vũ điệu đá nghệ thuật thật đẹp mắt, anh Lê Ký Trung tham gia tập luyện hơn 10 năm nay cho biết: “Môn đá cầu này tôi thích lắm, dù ban ngày lo chuyện buôn bán mệt mỏi, nhưng chiều tối tranh thủ ra sân tập cùng với anh em. Hôm nào trời có mưa ra sân tập không được thì trong cơ thể mình rất khó chịu. Anh thấy đó, đá cầu bình thường đã khó, đá cầu nghệ thuật lại càng công phu nên đòi hỏi người chơi phải nhanh nhẹn, uyển chuyển để hứng trái cầu chính xác. Tôi mê những động tác đá cầu như những vũ công múa Apsara. Thế đá đó là khó nhất”.

Cũng theo anh Ký Trung, để có thể đá cầu nghệ thuật, tung ra những đường hứng cầu, đá cầu một cách độc đáo, lạ mắt và thu hút người xem, tự mỗi người chơi phải không ngừng tập luyện. Bên cạnh đó, anh em trong nhóm đóng góp mỗi thành viên là 100.000 đồng, nhằm gây tiền quỹ để đặt mua trái cầu loại “Tia chớp” hay “Tiến Thành” tại TP. Hồ Chí Minh. Những loại trái cầu đó mới đúng chuẩn, đá mới đạt yêu cầu, người chơi cũng cảm thấy thích thú khi nghe tiếng đá trúng trái cầu.

Qua tìm hiểu, đá cầu nghệ thuật đã được du nhập vào Việt Nam những năm 1975. Những "tín đồ" chơi đá cầu nghệ thuật cũng lắm công phu chứ không hề đơn giản chút nào. Thường thì mỗi người đá cầu phải tập luyện kiên trì từ 3 tháng đến 1 năm mới có thể thành thục những chiêu thức cơ bản, gồm: đá mũi, đá bàn chân, đá gót chân, đá cánh gà (dang rộng vai như gà đang vỗ cánh), đá lòn chéo chân, đánh vai, đánh chỏ, đánh đầu, bắt lưng, úp cầu, vít cầu, quét cầu, thế đá số 4 (đá bằng lòng bàn chân, chéo sang phía chân kia) và đặt vòng 2 tay (vòng tay để cầu luồn qua), dùng đỉnh đầu (phía sau) đón, hất cầu lại đối phương và chiêu khó nhất là Apsara (mô phỏng múa Apsara của Campuchia)... Ngoài ra, năng khiếu cũng là một trong những yếu tố quan trọng tự người chơi có thể sáng tạo ra những kỹ năng, “chiêu thức” độc đáo khác cho riêng mình.

Với những điều thú vị nêu trên cho thấy, thú chơi đá cầu nghệ thuật trong tương lai chắc chắn sẽ lan rộng đến các địa phương khác. Bởi bộ môn này phù hợp với mọi lứa tuổi, lại không đòi hỏi sân đá cầu có diện tích lớn cũng như chi phí đầu tư không cao. Môn thể thao đá cầu nghệ thuật không chỉ mang tính giải trí mà còn là thú chơi tao nhã, trò chơi bổ ích, nâng cao sức khỏe cho mọi người tham gia tập.

Thạch Pích

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: