• Huyện Thạnh Trị

Cần hướng người tiêu dùng sử dụng rau an toàn

21/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 21/09/2017 | 06:00

STO - Do chạy theo lợi nhuận nên trong quá trình sản xuất, người trồng rau quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, từ đó trong rau xanh tồn tại nhiều chất có hại cho sức khỏe con người. Với thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị hướng nông dân hạn chế tối đa việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên các loại rau màu, áp dụng mô hình nhà lưới, kết hợp với việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào quá trình sản xuất.

Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị Nguyễn Thanh Phụng cho biết: “Trong năm 2016, từ nguồn vốn nông, lâm, thủy sản và khuyến nông, đơn vị đã triển khai 10 mô hình nhà lưới cho bà con nông dân tại thị trấn Phú Lộc và xã Tuân Tức với diện tích mỗi nhà lưới 500m2 - 600m2. Đơn vị hỗ trợ người dân 28 triệu đồng/nhà lưới”. Cũng theo ông Phụng, qua gần 1 năm trồng màu bên trong nhà lưới, qua đánh giá thì các mô hình đạt được một số kết quả nổi bật, như: năng suất tăng 20% so bên ngoài, giá bán tăng 5% - 10%, giảm chi phí đầu tư ban đầu 80% và đặc biệt lợi thế mô hình nhà lưới là trồng các loại rau ăn lá luôn đạt chất lượng vào mùa mưa. Khi các nhà lưới hoạt động ổn định và cho ra các sản phẩm, đơn vị đã tiến hành mở cửa hàng để tiêu thụ lượng rau màu của hộ dân. Điều đó có tác dụng giúp người dân trên địa bàn huyện sử dụng rau an toàn tại cửa hàng nhằm đảm bảo sức khỏe bản thân, gia đình.

Anh Nguyễn Văn Nhí bên cửa hàng rau sạch tại chợ thị trấn Phú Lộc.

Thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới của bà Lâm Thị Hỏn ở ấp Trung Thành, xã Tuân Tức được Phòng Nông nghiệp huyện hỗ trợ. Qua 6 tháng canh tác, bà Hỏn phấn khởi cho biết: “Tôi mới thu hoạch xong đợt cải xà lách được hơn 700kg, bán được giá 20.000 đồng/kg. Áp dụng mô hình nhà lưới trồng cải xà lách cho năng suất cao, dù diện tích chỉ có 600m2. Nếu như trước kia vào những tháng mùa mưa là không thể xuống giống được vì bị úng, thì từ khi áp dụng mô hình nhà lưới này đã khác rồi, dù mùa mưa hay nắng đều xuống giống được, thu lợi nhuận thì khá cao”.

Cũng theo bà Hỏn, nhà lưới được ngành nông nghiệp đầu tư có thể sử dụng từ 10 đến 15 năm. Thêm nữa, bà rất tự tin không sợ không có đầu ra sản phẩm, vì thị trường rất ưa chuộng nông sản sạch. Bà Hỏn chia sẻ: “Gắn bó với cây màu hơn 40 năm và cũng nhờ trồng màu mà đời sống gia đình ổn định. Với 2 công đất khi mới “khởi nghiệp”, giờ đây, tôi có 50 công làm lúa và trồng màu, thu về số tiền hơn 200 triệu đồng/năm. Giờ lớn tuổi không còn gánh nước, bón phân, phun thuốc như trước nên việc áp dụng mô hình nhà lưới hạn chế tối đa công lao động, giảm chi phí đầu tư, thuốc bảo vệ thực vật, màu tăng trưởng nhanh, rút ngắn thời gian thu hoạch… Tôi sẽ tận dụng nhà lưới trồng các loại màu thuộc thân cây mềm để tăng nguồn thu nhập cho gia đình”.

Tuy mô hình nhà lưới được nhiều nông hộ đánh giá cao, nhưng phần tiêu thụ tại địa phương còn khó vì rau sạch có vẻ ngoài không bắt mắt so với các loại rau có sử dụng phân, thuốc. Đến thăm quan cửa hàng rau an toàn tại chợ thị trấn Phú Lộc, trái với những gì chúng tôi hình dung. Sau gần 1 giờ đồng hồ ngồi trò chuyện cùng chủ cửa hàng, chúng tôi chỉ thấy có 2 người khách ghé mua rau. Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Nguyễn Văn Nhí - chủ cửa hàng tâm tình: “Bản thân tôi là người trực tiếp hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng rau màu, cây lúa và biết tác hại của các loại nông sản khi bị lạm dụng phân bón, thuốc hóa học sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân nên mở cửa hàng này để người dân tiếp cận rau sạch và định hướng người dân chuyển đổi dần tập quán canh tác, hạn chế tối đa sử dụng phân, thuốc hóa học”.

Cũng theo anh Nhí, tại cửa hàng hiện có 22 loại rau, củ, quả cung cấp hàng ngày cho người tiêu dùng. Giá bán được niêm yết công khai để người mua dễ dàng lựa chọn và so sánh với các sạp rau tại chợ. Do là rau sạch nên khi thu mua tại các nhà lưới, giá cao hơn các loại rau trồng bên ngoài nhưng giá bán thì chênh lệch không nhiều, thậm chí có nhiều loại giá thấp hơn. Tuy vậy, qua 2 tháng kinh doanh, số lượng khách hàng giảm dần nên doanh thu cũng giảm theo. Theo anh Nhí, một số loại rau trong nhà lưới không đẹp mắt nên nhiều người tiêu dùng chê xấu không thích mua. Do vậy, cửa hàng giờ chỉ trông vào lượng khách hàng là cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị mua ủng hộ và từ đó tạo sức lan tỏa trong người dân nhưng lực lượng này cũng hiếm khi ghé mua.

Để cửa hàng hoạt động hiệu quả, hướng tới, anh Nguyễn Văn Nhí sẽ đến các điểm trường mẫu giáo để giới thiệu các loại nông sản nhằm cung ứng bữa ăn hàng ngày cũng như một số quán ăn lớn trên địa bàn huyện. Đồng thời, anh cũng rất mong được sự tiếp tục quan tâm của chính quyền các cấp trong việc vận động, tuyên truyền cán bộ, công chức sử dụng rau an toàn và người dân địa phương ủng hộ mua nông sản tại cửa hàng. Có như vậy cửa hàng mới hoạt động ổn định và thực hiện tốt việc phục vụ nhu cầu ăn rau sạch cho người dân, cũng như giúp người trồng rau màu trong nhà lưới có động lực sản xuất sản phẩm sạch đưa ra thị trường.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: