• Huyện Thạnh Trị

Canh tác trên đất ruộng thích ứng với biến đổi khí hậu

23/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 23/05/2019 | 06:00

STO - Biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, như: mưa bão, hạn hán, lũ lụt… mà nó còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể dẫn đến mất mùa. Hiện BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng sâu bệnh, đó là áp lực lớn cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Nhằm đối phó với tình trạng diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Thạnh Trị đã từng bước chuyển đổi các mô hình sản xuất nông nghiệp để thích ứng thời tiết. Qua thực tiễn sản xuất, người dân đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các tình huống của BĐKH và ngoài sự tuyên truyền của ngành chuyên môn trong sản xuất, hộ dân còn tự tìm những mô hình mới, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng vùng đất để phát triển sản xuất. Mô hình trong canh tác lúa được Phòng NN-PTNT huyện phối hợp ngành chuyên môn triển khai dự án đến các xã: Lâm Tân, Lâm Kiết, Thạnh Tân, Tuân Tức… về kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và đây cũng được xem là một giải pháp hữu hiệu hỗ trợ nông dân giảm chi phí, tăng lợi nhuận sau thu hoạch và quan trọng hơn hết là giúp hộ dân canh tác lúa bền vững, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng bởi BĐKH.

Chuyển đổi trồng khóm để thích ứng BĐKH, nhất là vào thời tiết nắng nóng thiếu nước ngọt.

Ngoài các biện pháp kỹ thuật, ngành nông nghiệp huyện còn hỗ trợ người dân tham gia mô hình xuống giống bằng cách dùng máy cấy lúa, được hỗ trợ 100% tiền mua giống, 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, thực hiện mô hình giúp hộ dân giảm lượng phân đạm, số lần phun thuốc trừ sâu, rầy (dưới 3 lần/vụ), tiết kiệm nước, giảm thất thoát sau thu hoạch. Qua kết quả đánh giá vụ Hè - Thu năm 2017 đến vụ Đông - Xuân (2018 - 2019) cho thấy, ruộng mô hình tiết kiệm được lượng lúa gieo sạ 30kg - 50kg/ha, giảm số lần phun thuốc 2 lần - 3 lần, giảm 2 lần bơm nước lên ruộng. Áp dụng canh tác lúa theo kỹ thuật “1 phải 5 giảm” đem về hiệu quả kinh tế khá cao, so với làm lúa theo phương pháp truyền thống.

Ông Lý Minh Hùng, ấp Tân Thắng, xã Thạnh Tân chia sẻ: “Tôi có 2ha canh tác lúa 3 vụ/năm. Trước giờ cứ làm lúa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, hễ thấy lúa kém xanh hay có chút ít sâu hại là tiến hành ngay việc bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thành ra tới vụ thu hoạch lúa năng suất không cao, nhưng kéo theo đó chi phí tăng, lợi nhuận không đáng là bao… Kể từ khi được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật “1 phải 5 giảm” và cách canh tác lúa thích ứng BĐKH, tôi đã có nhiều kiến thức, kỹ năng trong việc sản xuất lúa và khi áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật do ngành chuyên môn truyền tải đã tăng lợi nhuận sau vụ thu hoạch lúa từ 4 triệu đồng đến 5,7 triệu đồng/ha/vụ. Điều làm tôi tâm đắc nhất là hạn chế việc phun thuốc hóa học, đảm bảo được sức khỏe bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”.

Mô hình được nhiều nông dân hào hứng thực hiện nhằm thay thế lúa vụ 3 để đối phó tình trạng thiếu nước trong mùa nắng nóng, đó là mô hình đưa dưa hấu xuống chân ruộng được triển khai thực hiện trên địa bàn xã Lâm Kiết gần 4 năm qua đem về nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Ông Phương Thế Hồng Vinh, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết cho biết: “Trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm 2016, diện tích lúa của tôi bị thiệt hại khá nhiều. Do đó, tôi khá đắn đo trước việc xuống giống lúa vụ 3 cho những năm tiếp theo nhưng khi được ngành nông nghiệp huyện phát động phong trào đưa màu xuống chân ruộng, tôi mạnh dạn thực hiện với 1ha đất. Vụ đầu tiên tôi xuống giống 5 công dưa, do trúng mùa, được giá nên lợi nhuận gần 9 triệu đồng/công, cao gấp vài lần so với trồng lúa nên các vụ tiếp theo, tôi đã xuống giống toàn bộ diện tích 1ha dưa hấu, thu về lợi nhuận 70 triệu đồng/ha/vụ. Dự kiến những năm tiếp theo, tôi không sản xuất lúa vụ 3 mà sẽ gắn bó lâu dài với cây dưa hấu”.

Ngoài những mô hình trên, hiện nay, mô hình rất có hiệu quả, phù hợp vùng đất trũng, phèn của xã Lâm Tân mà Phòng NN-PTNT đã và đang nhân rộng là đưa cây khóm xuống ruộng thay thế cho việc làm lúa kém hiệu quả, bởi cây khóm không cần nhiều nước tưới, giá thành cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Chị Tống Thị Ly, ấp Tân Lộc, xã Lâm Tân bộc bạch: “Diện tích đất của gia đình tôi 1ha được Phòng NN-PTNT huyện chọn làm mô hình trồng khóm. Bước đầu tôi nhận thấy cây khóm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Tôi nhận làm mô hình bởi thấy nhiều hộ xung quanh trồng khóm có thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa mà không tốn nhiều công sức hay chi phí đầu tư. Tôi thấy đây là mô hình tiềm năng, bởi khóm sẽ không bị ảnh hưởng nếu có khô hạn kéo dài và trái khóm bán rất được giá, thị trường ưa chuộng”.

Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị Tô Ngọc Quới cho biết: “Mặc dù sự biến đổi nào mang tính toàn cầu cũng đem lại cả rủi ro và cơ hội cho các nhóm lợi ích cộng đồng, nhưng tác động của BĐKH mang nhiều bất lợi chung cho cả xã hội hơn là thuận lợi. Do vậy, để thích ứng BĐKH, thời gian qua trên địa bàn huyện ngoài cây lúa áp dụng biện pháp kỹ thuật canh tác “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” thì huyện còn áp dụng các mô hình màu luân canh trên nền đất lúa nhằm thay thế lúa trong điều kiện khô hạn, thiếu nguồn nước ngọt để tưới và lợi nhuận cây màu đem lại tầm 40 triệu đồng - 60 triệu đồng/ha/vụ, lúa chỉ 18 triệu đồng - 25 triệu đồng/ha/vụ”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: