• Huyện Thạnh Trị

Điểm sáng trong liên kết sản xuất - tiêu thụ lúa ở Thạnh Trị

22/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 22/09/2017 | 06:00

STO - Thạnh Trị là một trong những huyện có thế mạnh là cây lúa nên trong quá trình canh tác, ngành Nông nghiệp huyện đã và đang hướng đến việc mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao, đặc biệt là giống lúa đặc sản mang nhãn hiệu “Tài nguyên”. Để lúa gạo của nông dân sau thu hoạch có đầu ra ổn định, lãnh đạo huyện đã “định hướng” tiến hành việc liên kết các doanh nghiệp bao tiêu lúa trên địa bàn các xã, thị trấn nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất.

Doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, tổng diện tích lúa gieo sạ hàng năm trên địa bàn huyện Thạnh Trị đạt gần 54.000ha (trong đó lúa đặc sản gần 46.000ha), năng suất ước đạt gần 7 tấn/ha, ước sản lượng cả năm hơn 369.900 tấn. Diện tích và sản lượng lúa lớn như trên là điều kiện để liên kết tiêu thụ giữa địa phương và doanh nghiệp khá thuận lợi.

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Kiết Lai Minh Kiệt cho biết: “Từ năm 2013 đến nay, địa phương đã được doanh nghiệp đến đặt vấn đề đăng ký bao tiêu lúa, với diện tích bình quân từ 500ha đến 700ha/vụ; giá doanh nghiệp đưa ra người dân khá hài lòng. Do vậy, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa xảy ra trường hợp “bẻ kèo” hay sai hợp đồng mua bán”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tuân Tức Sơn Dỏi thông tin: “Xác định cây lúa là loại cây trồng có tiềm năng, thế mạnh nên địa phương đã tập trung mọi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất cũng như thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tập hợp người dân tham gia vào loại hình kinh tế tập thể, tạo thuận lợi trong việc đầu tư sản xuất ban đầu và sau thu hoạch, kể cả tiêu thụ lúa thuận tiện hơn. Nhờ vậy, địa phương đã được nhiều doanh nghiệp tìm đến liên kết thu mua lúa, với diện tích bao tiêu khoảng 1.800ha/vụ, giá doanh nghiệp đưa xuống người dân tương đối ổn định”.

Việc tiêu thụ lúa của nông dân sau thu hoạch thuận lợi hơn khi được bao tiêu.

Nói về những thành quả trong liên kết đem lại, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bàu Cát, thị trấn Hưng Lợi Đỗ Văn Đồng chia sẻ: “Hợp tác xã đi lên từ mô hình tổ hợp tác. Qua từng vụ sản xuất, chúng tôi đều có ký kết bán lúa cho các doanh nghiệp và làm lúa giống bán lại doanh nghiệp nên thu nhập của các thành viên được cải thiện đáng kể. Tôi mong muốn doanh nghiệp tiếp tục cùng “đồng hành” với nông dân trong khâu tiêu thụ để nông dân yên tâm sản xuất”.

Ông Thanh Liêm - đại diện Công ty An Gia Nông cho biết: “Mỗi vụ, công ty chúng tôi bao tiêu lúa cho nông dân huyện Thạnh Trị với diện tích 1.737ha, giống lúa chủ lực là RVT. Qua nhiều năm hợp tác, bà con nông dân rất nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện đúng với các nội dung cam kết trong việc bao tiêu lúa”.

Vẫn còn những khó khăn cần được tháo gỡ

Đánh giá về những khó khăn trong liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, đại diện Tập đoàn Lộc Trời cho rằng: “Trong vấn đề liên kết sẽ gặp nhiều khó khăn cho đơn vị thu mua khi nông dân xuống giống đồng loạt diện tích lúa hàng trăm ha/vụ. Vì lúa thu hoạch đồng loạt nên các nhà máy sấy hoạt động không kịp, từ đó không thể mở rộng diện tích thu mua thêm. Do vậy, công ty kiến nghị ngành Nông nghiệp huyện nên có những giải pháp kịp thời để đơn vị có hướng mở rộng bao tiêu. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có sự phân định rõ ràng việc bao tiêu của các doanh nghiệp theo từng ấp cụ thể, nhằm tránh sự chồng chéo”.

Anh Lý Thanh Cường - đại lý vật tư nông nghiệp xã Thạnh Tân đề xuất: “Chính quyền địa phương phải đứng ra soạn thảo hợp đồng bao tiêu cho doanh nghiệp và nông dân nhằm tạo sự công bằng giữa đôi bên. Từ hợp đồng trên, địa phương nắm rõ tình hình “bên bán, bên mua” để khi có vấn đề phát sinh trong việc thực hiện sẽ có biện pháp giải quyết. Được như vậy thì doanh nghiệp và người dân sẽ yên tâm hơn khi có “trọng tài”.

Đứng về góc độ địa phương, ông Lai Minh Kiệt và ông Sơn Dỏi cho rằng, doanh nghiệp không nên ép buộc nông dân mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của doanh nghiệp 100%. Vì trong quá trình canh tác, nếu người dân cần mua phân bón hay thuốc (sản phẩm doanh nghiệp không có bán) thì đại lý không bán “nợ” cho người dân, do quanh năm không mua tại đại lý và sau khi bán lúa thì mới có tiền để thanh toán. Đồng thời, doanh nghiệp đưa giống xuống nông dân sản xuất thì cần đưa giống cấp xác nhận 1 và cần có chính sách hỗ trợ khi sản xuất gặp thời tiết bất lợi. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn bao tiêu lúa của nông dân cần thông qua chính quyền địa phương để có sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tránh các trường hợp không hay xảy ra trong ký kết sau thu hoạch.

Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị Nguyễn Hoàng Lộc cho rằng: “Việc ký kết bao tiêu lúa của doanh nghiệp với nông dân trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện hỗ trợ người dân tiêu thụ lúa sau thu hoạch được tốt hơn. Do vậy, lãnh đạo huyện cùng các cấp chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp thực hiện bao tiêu và để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vận chuyển lúa. Tới đây, huyện tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, như: mở rộng một số đoạn đường, nạo vét các tuyến kênh tạo nguồn nội đồng… Bên cạnh đó, chúng tôi cam kết tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp trong bao tiêu lúa với người dân và tuyên truyền người dân thực hiện đúng các hợp đồng cùng doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: