• Huyện Thạnh Trị

Đời sống văn hóa xã Lâm Tân sau 3 năm được công nhận nông thôn mới

09/04/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 09/04/2018 | 06:00

STO - Là một xã vùng sâu có đông đồng bào Khmer (chiếm 34,46%), đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, năm 2015 xã Lâm Tân (Thạnh Trị) đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Lâm Tân Liêu Sơn Nhì chia sẻ: “Sau khi được công nhận xã nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Tân vẫn tiếp tục cố gắng giữ vững và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt là các tiêu chí về văn hóa và cơ sở vật chất văn hóa để tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Theo đồng chí Liêu Sơn Nhì, từ khi được công nhận danh hiệu xã nông thôn mới, đời sống văn hóa địa phương có phần phát triển sôi nổi hơn. Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được nâng lên, các câu lạc bộ (CLB) được củng cố và duy trì sinh hoạt có hiệu quả, mang lại món ăn tinh thần cho người dân. Hiện toàn xã có 3 CLB văn hóa văn nghệ gồm: CLB Đờn ca tài tử ấp Tân Lộc, CLB Đờn ca tài tử Hội nông dân xã và CLB Văn nghệ Khmer ấp Kiết Lập B. Các CLB thường xuyên sinh hoạt mang đến không khí mới cho vùng nông thôn.

Đoạn đường đầy hoa tại ấp Kiết Lập B.

Với đặc trưng là địa phương có đông đồng bào Khmer, các môn thể thao được bà con yêu thích và phát triển mạnh tại địa phương. Ở 3 ấp có đông đồng bào Khmer (Kiết Lập A, Kiết Lập B, Trung Nhất), phong trào bi sắt phát triển khá mạnh, còn bộ môn bóng chuyền phát triển và lan tỏa đều khắp. Hàng năm, UBND xã Lâm Tân phối hợp cùng các ngành, đoàn thể và ban quản trị các chùa Khmer tổ chức nhiều hội thi, hội thao về văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao để bà con tham gia tranh tài, góp phần tạo không khí sôi nổi cho các phong trào nhân dịp các ngày lễ lớn và các ngày lễ, tết truyền thống, các đám cúng phước (cầu an) của đồng bào Khmer.

Đồng chí Liêu Sơn Nhì cho biết thêm: “Tất cả các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương đều được tổ chức với phương thức xã hội hóa. Bà con xã Lâm Tân rất yêu thích các phong trào nên lúc nào vận động cũng nhận được sự đóng góp nhiệt tình”.

Bên cạnh đó, UBND xã và các ngành, đoàn thể địa phương cũng chú trọng công tác tuyên truyền, vận động bà con tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, làm hàng rào, cột cờ… Tại 3 ấp: Kiết Lập A, Kiết Lập B và Trung Nhất, phong trào tạo cảnh quan nông thôn mới được bà con thực hiện rất nhiệt tình. Đoạn đường dài 8km qua 3 ấp này được bà con trồng hoa và cây xanh khá nhiều.

Ông Lâm Quyên - người dân ấp Kiết Lập B chia sẻ: “Hàng rào cây xanh và mấy cây dừa kiểng được gia đình tôi trồng từ năm 2010 đến nay. Từ ngày xã Lâm Tân xây dựng nông thôn mới, tôi thấy ấp mình đẹp hẳn lên. Tuy bà con còn nghèo nhưng phong trào nào được chính quyền địa phương phát động, bà con đều nhiệt tình tham gia, không góp của thì cũng góp sức lao động…”. Phong trào tạo cảnh quan nông thôn mới hiện đang được UBND xã Lâm Tân tiếp tục tiến hành nhân rộng ở 2 ấp Tân Lập và Kiết Nhất A với đoạn đường dự kiến là 6km.

Ở các ấp, tình hình cơ sở vật chất văn hóa cũng từng bước được đảm bảo. Bà Tăng Thị Rương - người dân hiến đất xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng ấp Kiết Lập B bộc bạch: “Hồi trước họp hội khó khăn lắm, nhiều khi phải mượn sân chùa, nhà dân. Vì vậy, khi chính quyền vận động hiến đất, gia đình tôi đồng ý ngay”. Nhà sinh hoạt cộng đồng ấp Kiết Lập B là 1 trong 7 cơ sở vật chất văn hóa ở ấp được xây dựng nhằm hoàn thiện tiêu chí 6 về cơ sở vật chất văn hóa để xã Lâm Tân xây dựng thành công nông thôn mới.

Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận ấp Kiết Lập B Thạch Minh Tùng chia sẻ: “Nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ năm 2014 trên phần đất có diện tích 90m2 do người dân hiến. Ngoài chức năng hội họp, cơ sở vật chất văn hóa này còn được dùng để người dân và các đoàn thể địa phương đến sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tổ chức hội thảo…”. 

Xã Lâm Tân sớm được xây dựng nhà văn hóa xã với hội trường và các phòng chức năng: thư viện, truyền thống, truyền thanh. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Nhà văn hóa xã Lâm Tân đã bắt đầu xuống cấp và không đảm bảo được so với nhu cầu sử dụng của địa phương. Hội trường của nhà văn hóa chỉ có sức chứa 70 người, trong khi chỉ riêng Đảng bộ xã đã có đến hơn 250 đảng viên.

Đồng chí Liêu Sơn Nhì cho biết thêm: “Hiện nay, xã đang được đầu tư xây dựng lại trụ sở cơ quan và công an xã, dự kiến cuối tháng 4 này sẽ hoàn thành. UBND xã cũng đã đề nghị huyện xem xét bố trí nguồn vốn xây dựng nhà văn hóa, trung tâm thể thao xã”. 

Như vậy, sau 3 năm được công nhận xã nông thôn mới, Lâm Tân vẫn giữ vững và phát triển được các tiêu chí văn hóa “mềm” qua các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và nếp văn hóa nông thôn mới ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, các cơ sở vật chất văn hóa của địa phương đã phần nào xuống cấp và cần sự quan tâm, đầu tư để xã tiếp tục giữ vững, nâng cao tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa. 

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: