• Huyện Thạnh Trị

Ngày mới trên đất Châu Hưng

28/09/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 28/09/2018 | 06:00

STO - Được chia tách từ xã Châu Hưng (cũ) thành thị trấn Hưng Lợi và xã Châu Hưng vào năm 2010, xã Châu Hưng hiện tại là xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 8 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Châu Hưng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, diện mạo vùng nông thôn sâu có nhiều khởi sắc.

Chú Dương Xel, ở ấp Xóm Tro 2 đang chuẩn bị xuống giống trồng vụ dưa leo mới. Ảnh: Q.K

Đi trên tuyến đường ôtô về trung tâm xã Châu Hưng, ven đường người dân đang bận rộn thu hoạch lúa, thoảng hương rơm rạ vùng quê. Đến ấp Xóm Tro 2, bên cạnh những đồng lúa chín vàng là những rẫy màu xanh mướt. Chú Dương Xel đang xuống giống vụ dưa leo mới cho biết: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, nhờ được hỗ trợ vốn và hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã chuyển đổi trồng các loại cây màu. Với 4 công đất chuyển sang luân phiên trồng dưa leo, mướp, ớt, đậu bắp, nhờ chịu thương chịu khó chăm sóc nên mỗi vụ màu gia đình tôi lợi nhuận gần 10 triệu đồng. Hiện tại, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Gia đình anh Lý Hoài cũng ở ấp Xóm Tro 2 có 6 nhân khẩu với 5 công ruộng, 3 công rẫy. Anh Lý Hoài cho biết nếu thời tiết thuận lợi, áp dụng đúng phương pháp kỹ thuật thì trồng màu cho thu hoạch cao hơn trồng lúa. Trồng màu chỉ sau 45 ngày đã có thể thu hoạch và mỗi năm có thể trồng được 4 vụ màu các loại. Với 3 công đất trồng rẫy, sau khi trừ các chi phí, gia đình anh Lý Hoài thu lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Anh Lý Hoài phấn khởi: “Đón Đôn Ta năm nay, gia đình tôi cùng bà con Khmer ở Châu Hưng đã chuẩn bị tươm tất, chu đáo hơn các năm trước, vì kinh tế gia đình ngày càng khấm khá”.

Người dân trồng các loại cây màu ngắn ngày để nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: Q.K

Chị Trương Thị Tú Nguyên - cán bộ phụ trách giảm nghèo của xã Châu Hưng cho biết: “Xã có gần 49% dân số là đồng bào Khmer, trước đây đa phần là hộ Khmer nghèo và cận nghèo. Vì vậy, Đảng ủy, UBND xã Châu Hưng rất quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với bà con Khmer. Xã đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất như: trồng đậu bắp, dưa leo, khổ qua, mãng cầu gai; trồng nấm rơm; nuôi bò… mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo”.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Như - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hưng cho biết: “Là xã đặc biệt khó khăn nên trong nhiều năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, các tuyến đường giao thông nông thôn, hạ tầng thủy lợi ở Châu Hưng đã được xây dựng cơ bản hoàn chỉnh; trên 96% hộ dân có điện sinh hoạt; 99% hộ dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia”.

Đường đến trung tâm xã Châu Hưng. Ảnh: Q.K

Đảng ủy, UBND xã Châu Hưng đã tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn. Đồng thời, tăng cường vận động, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích hợp; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh cây lúa, Châu Hưng đã vận động nhân dân phát triển diện tích trồng màu và chăn nuôi. Hiện tại, xã có 35 tổ kinh tế hợp tác với 619 thành viên, 2 trang trại và 1 hợp tác xã. Song song đó, Đảng bộ, chính quyền xã Châu Hưng còn tích cực vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã được công nhận đạt 15/19 tiêu chí.

Là địa phương có đông đồng bào dân tộc sinh sống, nên trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã Châu Hưng luôn tập trung triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Bằng các giải pháp thiết thực và hiệu quả, trung bình mỗi năm xã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% đến 3%. Hiện nay, Châu Hưng còn 279 hộ nghèo (theo tiêu chí mới), chiếm 16,48%.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Như - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hưng cho biết thêm, trong định hướng tới, xã Châu Hưng sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, giảm nghèo và phát triển bền vững. Tích cực vận động nhân dân thực hiện đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Với sự nỗ lực phấn đấu cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Châu Hưng đã tạo nên diện mạo mới ở vùng quê nghèo khó năm xưa. Tin rằng trong những năm tiếp theo, kinh tế - xã hội của xã Châu Hưng ngày càng phát triển hơn, đời sống của người dân ngày càng no ấm, sung túc hơn.

Minh Thư

Ý KIẾN BẠN ĐỌC
  • Lê Ngọc Đương - 25/03/2020
  • Đường đến Trung tâm xã còn nhỏ quá xe tải hoặc ô tô vào hơi hạn chế. Nên làm đường thêm ra mỗi bên 0,5m nữa thì quá tốt.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: