• Huyện Thạnh Trị

Phất lên nhờ tham gia tổ hợp tác

23/05/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 23/05/2019 | 06:00

STO - Con bò là một trong những vật nuôi đã gắn bó lâu đời với người dân nông thôn. Trước đây, khi chưa có cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, con bò được nuôi làm sức kéo, cày ải đất, cộ lúa sau thu hoạch. Ở nông thôn trước đây, nhà nào có ruộng phần lớn đều nuôi vài ba con bò, ngoài làm sức kéo thì bò còn được nuôi để bán thịt. Ngày nay, con bò được nuôi để bán thịt và đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ dân.

Chị Danh Thị Hường, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) bên đàn bò của gia đình.

Nhận thấy tiềm năng từ việc chăn nuôi bò, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lâm Kiết đã tập hợp hội viên phụ nữ có nuôi bò tham gia tổ hợp tác. Qua đó, góp phần giúp cho các hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững. Điển hình trong đó là hộ chị Danh Thị Hường, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết. Công việc mỗi buổi sáng của chị Hường là dọn mùng ngủ cho đàn bò trong chuồng và nhanh tay quét dọn chuồng cho sạch rồi cho đàn bò ăn. Ngơi tay việc nhà là chị đi cắt cỏ nuôi bò. Công việc cứ lặp đi lặp lại năm này qua tháng nọ, giống như lập trình sẵn.

Tâm sự cùng chúng tôi, chị Hường chia sẻ: “Hơn 15 năm nuôi bò, tôi đã hiểu một phần nào về con vật mình nuôi nên có phần chăm sóc dễ dàng hơn. Con bò được cái là hiếm khi bị bệnh và nuôi bò thì không phải tốn bất kỳ chi phí nào trong việc mua thức ăn, bởi bò chỉ ăn cỏ, ăn rơm mà cỏ thì ngoài tự nhiên mọc khá nhiều. Nếu siêng người chăn nuôi tranh thủ thời gian đi cắt cỏ, còn không vẫn có thể tận dụng các bờ kênh đào hay ruộng làm lúa của gia đình dùng trồng cỏ. Tôi bắt đầu “khởi sự” nuôi bò chỉ với 1 con bò cái, dần dà bò sinh sản với số lượng nhiều, tôi lựa chọn bò cái giữ lại cho chúng sinh sản tiếp nhằm phát triển đàn, còn bò đực nuôi giáp năm bán thịt. Hiện tại trong chuồng bò nuôi có 9 con bò, trong đó 8 con cái (4 con giai đoạn sinh sản và 4 con bò cái tơ) và 1 con bò thịt. Với đàn bò cái như trên, mỗi năm chúng sinh sản 4 con bê, nuôi thịt 2 năm bán thu về số tiền hơn 80 triệu đồng”.

Chia sẻ thêm về nghề nuôi bò, chị Hường tiếp lời: “Cũng nhờ vào hội phụ nữ tôi mới được các chị hướng dẫn cách phát triển kinh tế hộ thông qua chăn nuôi và sau này vào tổ hợp tác nuôi bò được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao được kiến thức nên khi nuôi bò sinh sản tôi không còn lo lắng như những năm trước, nhất là lúc đỡ đẻ cho bò cũng như cách chăm sóc bê giai đoạn sau sinh”. Để cung ứng đủ thức ăn cho đàn bò, ngoài việc tự đi cắt cỏ, chị Hường còn trồng cỏ ở các bờ kênh, kể cả tận dụng rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa dự trữ dành cho bò ăn vào những tháng mùa khô cỏ tươi không có đủ.

Nhờ nuôi bò, bà Danh Thị Sum, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết (Thạnh Trị) xây được căn nhà khang trang.

Chia tay chị Hường, chúng tôi đến nhà bà Danh Thị Sum, ấp Trà Do, xã Lâm Kiết cũng là thành viên tổ hợp tác nuôi bò, đúng lúc bà đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Bà Sum bỏ dở công việc bếp núc ngồi tiếp chuyện khách. Đưa tay chỉ căn nhà cấp 4 khang trang được xây dựng hơn chục năm qua, bà Sum bộc bạch: “Tôi có tiền xây nhà là nhờ nuôi bò, kể cả 1ha đất lúa cũng nhờ tiền bán bò tích lũy mà mua. Trước kia, tôi dành dụm tiền đi làm thuê và chăn nuôi nhỏ lẻ mua được con bò cái, với 1 con cái ban đầu chúng sinh sản ra thêm 4 con cái và những năm tiếp theo, năm nào trong chuồng nuôi cũng có 10 con bò, trong đó bò cái là 5, còn lại là bò thịt. Do đàn bò nhiều, cần số lượng cỏ lớn để ăn nhưng tôi đã lớn tuổi không thể tiếp tục duy trì đàn nên khi xây được căn nhà tinh tươm và mua được 10 công đất làm lúa, tôi giảm đàn bò xuống còn 2 con bò cái sinh sản, lấy bê bán mỗi năm đủ tiền chi tiêu vặt trong gia đình, tới đây vẫn giữ ổn định đàn 2 con cái”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lâm Kiết Đặng Thị Tuyết Trang cho biết: “Tổ phụ nữ chăn nuôi bò thành lập gần 5 năm có 15 thành viên với số bò nuôi gần 90 con. Điều đặc biệt là tổ hợp tác có tất cả hội viên phụ nữ đều là hộ Khmer. Chính nhờ chăn nuôi bò, các chị đều có cuộc sống khấm khá, 100% chị trước kia đều khó khăn và xuất phát nuôi nhỏ chỉ 1 con ban đầu mới gầy dựng đàn từ từ, hiện trong tổ có chị nuôi bò tổng đàn gần 20 con. Các chị khi tham gia vào tổ hợp tác sẽ được ngành chuyên môn tập huấn về cách chăn nuôi. Đồng thời, các chị còn học hỏi được kinh nghiệm lẫn nhau trong quá trình sản xuất tại hộ, có sự đoàn kết gắn bó với nhau hơn và cùng nhau thi đua phát triển kinh tế gia đình…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: