• Huyện Thạnh Trị

Thạnh Trị

Quyết tâm thực hiện thành công Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

24/06/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 24/06/2017 | 06:00

STO - Hơn 2 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020”, huyện Thạnh Trị có những bước chuyển biến tích cực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Bên cạnh đó, công tác quy hoạch vùng sản xuất cũng như các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, hệ thống điện, giao thông, thủy lợi... được đầu tư đồng bộ; đặc biệt là các xã chuẩn bị hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Để hiểu rõ hơn về kết quả đạt được, cũng như các giải pháp thực hiện thành công đề án trên đến năm 2020, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Mai Thanh Ngon - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết mục tiêu và các chỉ tiêu thực hiện đề án trên gồm những nhiệm vụ nào để nhằm nâng cao đời sống người dân?

Đồng chí Mai Thanh Ngon: Thạnh Trị là huyện thuần nông, do đó huyện chú trọng đến sản xuất nông nghiệp. Theo đó, huyện triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa; nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế hợp tác làm khâu đột phá để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, từng bước giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện hoàn thành cơ bản các tiêu chí chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM tại 6/8 xã của huyện.

Trong đó, có các chỉ tiêu chủ yếu, như: phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp giai đoạn 2015 - 2020 là 10%/năm; tỷ trọng ngành trồng trọt là 54%, chăn nuôi 31%, thủy sản 9,3% và nông nghiệp khác 4,8%; phấn đấu đến năm 2020, có 500 tổ hợp tác, 16 hợp tác xã và 10 mô hình cánh đồng lớn, quy mô 300ha/mô hình trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 150 triệu; thu nhập bình quân đầu người 65 triệu đồng/năm (giá hiện hành); có 6/8 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 13 đến 15 tiêu chí trở lên.

PV: Với mục tiêu và các chỉ tiêu đồng chí đã nêu, giải pháp nào để thực hiện thành công đề án trong thời gian tới?

Đồng chí Mai Thanh Ngon: Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nghiêm túc quán triệt việc triển khai Chương trình thực hiện Nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đồng thời phát huy tính tự giác, tiên phong của cán bộ trong XDNTM cho tất cả các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận cao, từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, gắn với việc tái cơ cấu lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng và hình thức tổ chức sản xuất, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, tăng thu nhập cho người dân. Đối với các cơ quan chuyên môn và các phòng, ban, các ngành đoàn thể cấp huyện, UBND xã, thị trấn sẽ tùy theo chức năng, nhiệm vụ mà chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai cho cán bộ, đảng viên, cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên thuộc ngành mình quản lý, nhằm khuyến khích phát triển và thực hiện tái cơ cấu trên phạm vi toàn huyện.

PV: Trong công tác quy hoạch vùng sản xuất và cơ cấu mùa vụ, huyện có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Mai Thanh Ngon: Đối với vấn đề này, chúng tôi tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung quy hoạch vùng sản xuất, cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thị trường; xây dựng kế hoạch tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của mặt trận, các đoàn thể; trong đó, quan tâm vai trò gương mẫu của các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là vai trò của bí thư chi bộ, trưởng ban nhân dân ấp trong việc triển khai và thực hiện Chương trình hành động của Huyện ủy về xây dựng và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Định hướng và tập trung chỉ đạo thực hiện các vùng sản xuất chuyên canh, như: vùng lúa chất lượng cao, vùng lúa đặc sản, vùng chuyên canh rau màu, phát triển vùng rau an toàn, kết hợp chăn nuôi quy mô lớn theo hướng hình thành vùng hàng hóa tập trung; mở rộng diện tích trồng các loại cây, con giống chủ lực có giá trị kinh tế cao, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định, để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân. Chuyển diện tích sản xuất lúa vụ 3 kém hiệu quả sang trồng màu, cây công nghiệp ngắn ngày… có thị trường tiêu thụ, có lợi thế cạnh tranh và có hiệu quả kinh tế cao; chuyển diện tích trồng cây công nghiệp không hiệu quả sang trồng màu hoặc trồng cỏ phục vụ cho chăn nuôi. Ngoài ra, giải pháp mang tính đột phá mà huyện hướng đến là nâng cao hiệu quả công tác giống cây trồng, vật nuôi và phòng chống dịch bệnh với công tác xác định cơ cấu giống phù hợp với nhu cầu thị trường. 

PV: Theo đồng chí, giải pháp nào để nâng cao chất lượng sản phẩm và hỗ trợ người dân tiêu thụ hàng hóa sau thu hoạch?

Đồng chí Mai Thanh Ngon: Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, tăng năng suất, đặc biệt đối với cây lúa, huyện chỉ đạo các ngành mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống, phát triển mạng lưới và xây dựng các mô hình nhân giống cho các tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng lớn. Nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trong nông dân, đến năm 2020 tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt 97%. Thực hiện biện pháp phòng trừ dịch bệnh kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là không để phát sinh thành dịch lây lan trên diện rộng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Ngoài ra, huyện chú trọng việc đầu tư xây dựng và phổ biến ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, như: rà soát và tiến hành quy hoạch lại hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở ngành nghề nông thôn, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện hệ thống các công trình thiết yếu về giao thông, chợ, điện, thủy lợi khép kín... đảm bảo phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt; duy trì, nâng cấp, mở mới các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Nâng cao hiệu quả mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, thông qua hợp đồng tiêu thụ hàng hóa nông sản. Xây dựng mô hình cánh đồng lớn có sự liên kết 4 nhà, chăn nuôi tập trung quy mô trang trại an toàn dịch bệnh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục chỉ đạo sản xuất theo phương thức “cánh đồng lớn”, hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng bền vững. Chủ động trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân.

PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

 Thúy Liễu (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: