• Huyện Thạnh Trị

Thạnh Trị - sử dụng hiệu quả “Quỹ vì người nghèo”, hỗ trợ thoát nghèo bền vững

27/06/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 27/06/2017 | 06:00

STO - Trong những năm qua, nhằm thiết thực chăm lo cho người nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạnh Trị đã sử dụng nguồn vốn từ “Quỹ vì người nghèo” hỗ trợ các hộ khó khăn thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ngay từ năm 2011, Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” huyện đã triển khai phương án xét chọn 74 hộ (45 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo) hỗ trợ vốn xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, mua con giống, vật nuôi, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập ổn định và nâng cao mức sống, tạo mô hình sản xuất có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng trong cộng đồng dân cư. Mỗi mô hình được hỗ trợ 10 triệu đồng tiền vốn. Qua đó, có 27/74 hộ thoát nghèo bền vững, còn 5/74 hộ bị thâm hụt vốn do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, giá cả thị trường không ổn định hoặc do vật nuôi bị mất cắp, chết do dịch bệnh. 

Chị Trần Thị Đào thu hoạch năn.

Đồng chí Nguyễn Quốc Thống - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thạnh Trị, chân tình chia sẻ: “Năm 2013, tiếp tục triển khai hỗ trợ vốn sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện để Ban vận động “Quỹ vì người nghèo” huyện phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kết hợp “Quỹ vì người nghèo” và các nguồn quỹ khác cho các hộ nghèo vay không tính lãi. Qua đó, đã thực hiện được 99 mô hình, gồm 78 hộ nông dân tham gia thực hiện ứng dụng sản xuất từ nguồn vốn “Quỹ vì người nghèo” và 21 hộ tham gia thực hiện mô hình ứng dụng sản xuất từ nguồn vốn sự nghiệp về nông, lâm, thủy sản, như các mô hình: nuôi lươn, gà, cá thát lát, trồng màu, nấm rơm, nấm bào ngư, nấm linh chi”.

Để tìm hiểu thực tế các mô hình này, đồng chí Nguyễn Quốc Thống giới thiệu hai gia đình thoát nghèo bền vững ở Ấp 13, xã Châu Hưng. Gia đình chị Trần Thị Đào với mô hình trồng năn kết hợp nuôi cá và gia đình ông Trịnh Văn Việt Dũng với mô hình chăn nuôi nhiều giống vật nuôi. 

Năm 2014, gia đình chị Đào vay 4 triệu đồng từ nguồn vốn “Quỹ vì người nghèo” thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để thực hiện mô hình chăn nuôi gà. Qua thực hiện, mô hình bước đầu đạt được hiệu quả nhưng chưa cao. Khi anh Lê Văn Rồng - chồng chị Đào được tham quan mô hình trồng năn, thấy mang lại giá trị kinh tế khá cao nên mạnh dạn xin phép chuyển đổi nguồn vốn qua trồng năn từ năm 2015. Chỉ qua một mùa năn, gia đình anh chị đã  thoát nghèo.

Cây năn thuộc chi cỏ năn nên khá dễ trồng, sinh trưởng nhanh. Chỉ sau 2 tháng xuống giống thu hoạch mỗi ngày, trong khoảng 6 - 7 tháng làm lại vụ mới. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, tất cả công đoạn trong việc trồng và thu hoạch năn, anh chị đều tự thực hiện, thậm chí anh Rồng tự chở năn đi bán để tăng thêm thu nhập. Chỉ với nghề trồng năn, trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng, gia đình anh chị đã có thể tích lũy khoảng 7 - 8 triệu đồng.

Chị Đào tâm sự: “Trước đây, gia đình khó khăn lắm, nhờ Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho vay vốn mà gia đình tôi mới được như bây giờ. Nhưng bản thân mình cũng không được ỷ lại, mà phải cố gắng cần cù lao động để vươn lên thoát nghèo. Qua đây, tôi cũng cảm ơn chính quyền địa phương và các ngành đã giúp đỡ gia đình tôi”. Ngoài thu nhập từ cây năn, gia đình anh chị còn có thu nhập thêm nhờ nuôi cá dưới ruộng năn và thuê thêm 12 công ruộng để trồng lúa. 

Cách đó không xa là nhà ông Trịnh Văn Việt Dũng - một nông dân địa phương cũng vươn lên làm giàu từ nguồn vốn được hỗ trợ. Ông Dũng là bộ đội xuất ngũ nên ngoài chương trình cho vay vốn từ nguồn “Quỹ vì người nghèo”, ông còn được vay theo chính sách hỗ trợ cho bộ đội xuất ngũ. Tổng hợp các nguồn vốn, năm 2015, ông Dũng vay được 50 triệu đồng để “khởi nghiệp”.

Ông Dũng cho biết: “Vay được vốn, đầu tiên tôi mua 20 con heo để chăn nuôi. Năm đầu tiên, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên chết 5 con, tôi cũng thấy chán nản lắm. Nhưng rồi tự nhủ phải cố gắng, tôi học hỏi kỹ thuật chăn nuôi qua báo, đài nên dần có lãi. Sau đó, tôi mở rộng dần mô hình bằng cách nuôi kết hợp nhiều giống vật nuôi khác, như: bò, gà, cá… Chuồng trại tôi bố trí gần ao cá nên tận dụng được nguồn phân làm thức ăn cho cá. Tất cả chuồng trại này cũng do tôi tự xây dựng, qua xem các chương trình hướng dẫn chăn nuôi trên truyền hình”.

Hiện nay, đàn bò của ông có 12 con, gồm: 3 bò đực, 2 con bê và 7 bò cái (trong đó có 5 con đang mang thai). Ao cá của mô hình mỗi năm cũng cho thu hoạch 1 đợt tập trung khoảng 1 - 2 tấn cá và thu nhập thường xuyên bằng việc bán cá cho bà con xung quanh. Cả mô hình chăn nuôi nhiều giống vật nuôi và khu nhà ở của gia đình ông Dũng chiếm 5 công đất. Ngoài ra, ông còn làm 25 công ruộng lúa (trong đó đất của gia đình 10 công, còn lại ông thuê để làm thêm). 

Đồng chí Bùi Thanh Duẩn - Bí thư Đảng ủy xã Châu Hưng cho biết: “Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã có vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là trong các công tác bình xét, lựa chọn các hộ nghèo tham gia xây dựng các mô hình; phối hợp với các đoàn thể trực tiếp hỗ trợ các gia đình. Qua đó, nhiều gia đình tại địa phương đã thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu. Sau khi áp dụng đo lường chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tuy bình quân mỗi năm giảm khoảng 40 - 50 hộ nghèo nhưng đến cuối năm 2016, toàn xã còn 20,2% hộ nghèo, 11,34% hộ cận nghèo. Thời gian tới, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các ngành, đoàn thể tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, cũng là thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”. 

Phương án sử dụng nguồn “Quỹ vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã và đang thiết thực hỗ trợ nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện Thạnh Trị thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu. Thực hiện được điều này là nhờ sự quyết tâm của đảng ủy, chính quyền các cấp, sự nỗ lực của các ngành, đoàn thể và cũng không thể không nói đến sự cố gắng của chính những người nghèo tham gia thực hiện các mô hình.

Thuận Lợi

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: