• Huyện Thạnh Trị

Tòa án nhân dân huyện Thạnh Trị quyết tâm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án dân sự

27/02/2017 15:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 27/02/2017 | 15:00

STO - “Muốn chữa dứt bệnh thì phải tìm ra nguyên nhân căn bệnh” - đó là biện pháp thiết thực, cụ thể mà Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thạnh Trị đã và đang triển khai thực hiện. Với phương pháp này, TAND huyện tin rằng sẽ “đánh tan” án hủy, sửa và nâng cao chất lượng trong giải quyết án dân sự.

Theo đồng chí Trịnh Thị Bích Phượng - Phó Chánh án TAND huyện Thạnh Trị, năm 2016, đơn vị thụ lý 345 vụ việc và đã giải quyết 286 vụ. Trong đó, số vụ việc dân sự được đưa ra xét xử 96 vụ việc, có 38 vụ bị kháng cáo, kháng nghị và tòa án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm đã xét xử 21 vụ. Kết quả, số án bị hủy 1 vụ, chiếm 0,35% số án giải quyết và án sửa 6,5 vụ, chiếm 2,27% số án giải quyết. Tuy tỷ lệ án hủy, sửa giảm đáng kể so với những năm trước nhưng với mục tiêu không ngừng nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết án, TAND huyện đã tập trung đánh giá các nguyên nhân án bị hủy, sửa để có những giải pháp khắc phục.

Qua thực tế, đơn vị nhận thấy các vụ án bị hủy, sửa chủ yếu là các tranh chấp liên quan đến đất đai. Nhưng trong những năm qua, các chính sách, văn bản pháp luật về đất đai, nhà ở... có nhiều thay đổi; một số văn bản pháp luật còn bất cập, chồng chéo, chưa được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong nhận thức, áp dụng pháp luật.

Điển hình như: Luật Đất đai quy định việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; còn Luật Nhà ở quy định thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản kể từ lúc hợp đồng được công chứng đối với giao dịch về nhà ở.

Với quy định như vậy, dẫn đến thực tế có nhiều cách hiểu khác nhau, có quan điểm cho rằng thời điểm có hiệu lực đối với việc chuyển quyền sử dụng nhà và đất là lúc giao dịch được công chứng; có quan điểm lại cho rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản nhà và đất là khác nhau, trong khi thực tế đây là một khối tài sản thống nhất không thể tách rời...

Bên cạnh đó, các vụ án bị hủy án, sửa án đa số là những vụ án có tính chất phức tạp, liên quan đến đất đai được điều chỉnh bởi nhiều quy phạm pháp luật qua nhiều thời kỳ; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây thiếu sự kiểm tra. Còn việc đo đạc, làm ranh giới có nhiều sai sót, sai lệch so với diện tích, hiện trạng sử dụng đất... cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Tòa án gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ.

Song song đó, đơn vị cũng mạnh dạn nhìn nhận, án bị hủy, sửa một phần là do thẩm phán nghiên cứu hồ sơ không kỹ; khi thu thập, đánh giá chứng cứ còn chủ quan, chưa toàn diện. Trong quá trình giải quyết vụ án, đôi khi một số thẩm phán còn lúng túng khi gặp các vụ án phức tạp, chưa có phương pháp nghiên cứu dẫn đến có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ; chưa cập nhật kịp thời các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ của TAND Tối cao, dẫn đến việc giải quyết vụ án có sai sót.

Trên cơ sở đánh giá những hạn chế, thiếu sót, đồng chí Trịnh Thị Bích Phượng chia sẻ: “Muốn nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử án dân sự, hạn chế việc bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xử hủy án, sửa án, các thẩm phán cần chủ động báo cáo kịp thời đối với những vụ án dân sự có tính chất phức tạp, khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo đơn vị có biện pháp tháo gỡ kịp thời; trường hợp cần thiết có thể xin ý kiến trao đổi với Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh để được giải quyết. Đây là giải pháp mà TAND huyện Thạnh Trị đã áp dụng trong năm 2016 và lãnh đạo đơn vị đã kịp thời có biện pháp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng xét xử và giải pháp này sẽ được đơn vị tiếp tục phát huy trong năm 2017. Lãnh đạo TAND huyện sẽ tiếp tục có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc đội ngũ thẩm phán trong việc rèn luyện, nâng cao kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, tổ chức rút kinh nghiệm đối với các vụ án bị hủy, bị cải sửa trong đơn vị để kịp thời hạn chế sai sót trong quá trình giải quyết án”.

Cũng theo đồng chí Trịnh Thị Bích Phượng để thẩm phán định hướng rõ ràng cho việc thu thập, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, đầy đủ và hạn chế những vi phạm về tố tụng, việc bỏ sót người tham gia tố tụng, yêu cầu mỗi thẩm phán phải thực hiện chặt chẽ các khâu ở từng giai đoạn tố tụng. Cụ thể, ở khâu thụ lý đơn kiện đòi hỏi đơn khởi kiện phải thể hiện đầy đủ nội dung, diễn biến sự việc dẫn đến tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án.

Điều này, giúp thẩm phán xác định đúng quan hệ pháp luật có tranh chấp, định hướng quy phạm pháp luật điều chỉnh để áp dụng và định hướng được chứng cứ cần thu thập giải quyết vụ án. Qua đó, còn giúp thẩm phán xác định được người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc giải quyết vụ án.

Sau khi đã định hướng được chứng cứ cần thu thập, thẩm phán cần tiến hành thông báo các đương sự giao nộp chứng cứ và lựa chọn các biện pháp để thu thập chứng cứ, như: Lấy lời khai đương sự, người làm chứng, thẩm định tại chỗ, định giá hoặc trưng cầu giám định... nhằm làm rõ các vấn đề cần phải chứng minh đối với quan hệ pháp luật tranh chấp đã xác định được. Lưu ý, đối với các vụ án tranh chấp về đất đai cần thu thập chứng cứ làm rõ nguồn gốc, diễn biến quá trình sử dụng đất và các chứng cứ liên quan đến việc cấp quyền sử dụng đất. Phần đánh giá chứng cứ phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để đánh giá tính hợp pháp, khách quan của chứng cứ và chứng cứ đã đầy đủ, toàn diện để có thể đưa ra kết luận trong việc giải quyết vụ án hay chưa.

Ngoài ra, đơn vị đề nghị Tòa án cấp trên thường xuyên tổ chức tập huấn, tăng cường tổng kết rút kinh nghiệm công tác xét xử thông qua các chuyên đề nghiệp vụ để thẩm phán, thư ký có thể học tập, tích lũy kinh nghiệm.

Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự đòi hỏi bản thân mỗi thẩm phán phải biết tự rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình và có những giải pháp thích hợp trong quá trình giải quyết án. Thẩm phán cần phải suy xét và thận trọng ở mỗi khâu giải quyết án thì mới có thể hạn chế được những sai sót trong giải quyết.

S.M

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: