10 phát minh làm thay đổi vĩnh viễn cuộc sống nhân loại

27/01/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Người lao động
  • Thứ Hai, 27/01/2020 | 06:00

Thuở mới bước vào thập niên 2010, điện thoại thông minh (smartphone) vẫn còn sơ khai, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất ít ỏi, còn xe hơi không người lái chỉ là câu chuyện khoa học viễn tưởng.

Nhưng sau một thập kỷ, đã có rất nhiều đổi thay và dưới đây là 10 phát minh đánh dấu những bước tiến nổi bật nhất.

1. ​Google Assistant (Trợ lý Google)

Trợ lý Google đang ngày càng thân thuộc với người dùng smartphone

So với những phiên bản ứng dụng trí tuệ thông minh trước kia vốn chỉ có thể nhận dạng gương mặt trong ảnh hoặc đánh bại bạn trong trò chơi đánh cờ, không hơn không kém, thì trợ lý Google có lẽ là phiên bản gần nhất với cái gọi là trí tuệ nhân tạo tổng hợp.

Ứng dụng Trợ lý này được cài đặt trên loa thông minh của Google Home, Goole phones (điện thoại) và các thiết bị khác, chủ yếu trao đổi với người dùng bằng giọng nói. Tuỳ theo mệnh lệnh của bạn mà nó cũng có thể soạn tin nhắn, tạo lịch và nhắc lịch hoặc tra cứu internet để tìm câu trả lời cho câu hỏi bạn cần – đôi khi sự tương tác còn pha cả yếu tố hài hước.

Chưa kể nó còn có thể lập tức phiên dịch những từ trong câu nói sang 27 ngôn ngữ khác nhau. Nếu so về tính năng hiểu và đáp ứng chính xác yêu cầu của người dùng thì phải nói là trợ lý Google đã cho những ứng dụng trợ lý trước kia như Siri hay Alexa đi vào dĩ vãng.

2. Công nghệ chỉnh sửa gien Crispr 

Tuy vẫn đang trong thời kỳ nghiên cứu ban đầu nhưng chúng ta không thể phủ nhận tiềm năng thay đổi thế giới của hệ thống chỉnh sửa gien được gọi là Crispr này. 

Một nhà nghiên cứu đang chuẩn bị ADN trong 1 phòng thí nghiệm ở Pháp. Ảnh minh họa: Reuters

Về cơ bản, đó là quá trình cắt bỏ các chuỗi ADN không mong muốn - tức là ADN mang bệnh - và thay thế chúng bằng các chuỗi mới. Công nghệ này đang được các nhà khoa học và công ty khởi nghiệp sử dụng để cố gắng chữa các bệnh hiểm nghèo, từ thiếu máu hồng cầu hình liềm cho đến ung thư.

Sự tranh chấp bản quyền đối với Crispr giữa Trường ĐH California Berkeley và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) vẫn chưa kết thúc nhưng điều đó không làm chậm đi việc ứng dụng công nghệ này.

Cuối năm 2018 có một nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã tạo ra phôi con người biến đổi gien thành công. Rất có thể sau vài thập kỷ nữa, chúng ta sẽ nhìn lại sự kiện này và nói rằng đó là thời điểm mà nhân loại đã bắt đầu sai lầm. Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn đang nhìn ở khía cạnh lạc quan.

3. Tên lửa tái sử dụng của tập đoàn SpaceX

Tỉ phú Elon Musk- người sáng lập công ty công nghệ không gian SpaceX, có thể là một nhân vật nhiều thị phi nhưng những ý tưởng của ông luôn có tầm nhìn và một khi bắt tay thực hiện, những phát minh của ông có thể thay đổi thế giới.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX được phóng đi từ California. Ảnh: Reuters

SpaceX đã dành cả thập kỷ để phát triển hệ thống tên lửa có thể tái sử dụng để tiết kiệm chi phí chế tạo.

Tháng 12-2015, khi tên lửa Falcon 9 của SpaceX được phóng vào không gian, đưa thành công vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất và sau đó hạ cánh trở lại Trái Đất an toàn ở mũi Cape Canaveral, có thể nói một kỷ nguyên du hành không gian mới đã được mở ra.

Chi phí phóng Falcon 9 lúc đó vào khoảng 62 triệu USD, tức là khoảng 2.500 USD cho nửa kg hàng hóa, tương đương chỉ 1/4 chi phí so với một thập kỷ trước đó. Điều này thắp lên hy vọng tiếp cận không gian cho cả những công ty khởi nghiệp (startup).

Bên cạnh đó, tên lửa tái sử dụng này cũng rất được việc nếu một ngày nào đó chúng ta phải rời bỏ hẳn Trái Đất để di cư lên sao Hoả.

4. ​Ví điện tử Venmo

Một người đang dùng ví điện tử Venmo trên điện thoại di động. Ảnh: Reuters

Ý tưởng rất đơn giản: chuyển tiền cho ai đó ngay lập tức chỉ bằng cách nhấn vài nút trên điện thoại thông minh (smartphone) của bạn.

Được sáng tạo ra bởi 2 người bạn cùng phòng thời đại học là Andrew Kortina và Iqram Magdon-Ismail vào năm 2010, ví điện tử này đã mở ra một cách thức mới để người dùng chia nhỏ được các hoá đơn ăn uống của mình hoặc trả các khoản tiền thuê.

Công ty Vennmo sau đó đã được PayPal mua lại vào năm 2015 và sau khi được PayPal hoàn thiện hơn, số người dùng Venmo đã lên đến 40 triệu người hằng năm - một lượng khách hàng trực tuyến đông đảo hơn hầu hết các ngân hàng lớn.

Tổng khối lượng thanh toán năm 2019 của Venmo nhiều triển vọng sẽ vượt 100 tỉ USD.

5. Bộ học nhiệt Nest

Yoky Matsuoka, giám đốc kỹ thuật của công ty Nest giải thích về bộ học nhiệt. Ảnh: Reuters

Trước đây ai có thể đoán được sẽ có một thị trường dành cho những chiếc nhiệt kế được thiết kế một cách hấp dẫn chứ?

Tony Fadell (cha đẻ của Ipod) cùng với cựu kỹ sư Apple Matt Rogers đã lập ra công ty chuyên sản xuất bộ nhiệt học Nest vào năm 2010 - một bước đi đầy bất ngờ sau khi thiết kế ra một trong những thiết bị được ưa chuộng nhất trong lịch sử.

Bộ nhiệt học Nest cho phép bạn lập trình trước thời gian biểu (kế hoạch) điều chỉnh nhiệt độ. Qua thời gian, nó sẽ "học" được thói quen điều chỉnh nhiệt độ và dựa trên những thiết bị cảm biến, thiết bị ghi nhận chuyển động có kết nối wi-fi và liên kết với nó, Nest sẽ biết được có ai ở nhà hay không và tự động chỉnh nhiệt độ cho phù hợp.

Nhờ đó, bạn sẽ tiết kiệm được chi phí năng lượng mà ngôi nhà của bạn tiêu thụ khi vắng nhà. Người dùng sẽ tiết kiệm được tiền còn Trái Đất cũng giảm được lượng khí thải carbon. Không có gì ngạc nhiên khi Google bỏ ra 3,2 tỉ USD để mua lại Nest vào năm 2014.

6. iPad

Một khách hàng đang xem sản phẩm iPad mini của Apple. Ảnh: Reuters

Khi mới ra mắt lần đầu vào năm 2010, iPad bị không ít người chê cười vì tên gọi và kích thước to hơn điện thoại di động nhưng lại nhỏ hơn cái máy vi tính của nó. Nhưng đến nay iPad đã bán được hơn 400 triệu cái và trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Amazon, Microsoft, Samsung và Google.

Ngày nay, iPad đã trở thành thiết bị quan trọng trong kinh doanh. Chỉ cần nhìn cách người ta phát triển ngành dịch vụ ẩm thực đầy hiệu quả bằng cách dùng iPad thay thế cho máy tính tiền và giúp theo dõi quản lý tồn kho là đủ.

Hơn một triệu ứng dụng iPad hiện có mặt trên các cửa hàng ứng dụng, giúp iPad chạm tới mọi ngành nghề, từ bất động sản đến ngành dược hay giáo dục.

7. Ô tô không người lái

Một chiếc ô tô tự động không người lái trong trụ sở Google ở Mountain View, California. Ảnh: Reuters

Trong nửa đầu thập kỷ 2010, Google và Apple đã bí mật thử nghiệm những chiếc ô tô hoàn toàn tự động (không người lái). Hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn và cả những hãng dịch vụ ô tô chia sẻ (ride–hailing) như Uber hay Lyft cũng nhanh chóng theo sau để "lấn sân" sang lĩnh vực này.

Hiện nay, hành khách đã có thể gọi những chiếc ô tô không người lái đang được thử nghiệm ở các thành phố như Phoenix hay Pittsburgh của Mỹ.

Nhờ vào tầm nhìn điều khiển bằng máy và một số công nghệ trí tuệ nhân tạo rất tinh vi, những chiếc xe tự động này hứa hẹn giúp việc di chuyển trên đường xá trở nên an toàn hơn nhiều.

Theo những con số tính toán lạc quan nhất thì số người chết vì tai nạn giao thông sẽ giảm đến 90%. Có lẽ chỉ có duy nhất ngành công nghiệp vận tải Mỹ với khoảng gần 4 triệu xe tải và các tài xế taxi là không vui vẻ ủng hộ công nghệ mới này thôi.

8. Bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng

Bóng đèn LED. Ảnh minh hoạ: Reuters

Đèn LED tiết kiệm năng lượng hơn nhiều so với đèn sợi đốt, loại đèn tiêu tốn đến 90% năng lượng chỉ để đốt nóng tạo nhiệt đã được sử dụng trong suốt nhiều thập kỷ.

Tuy vậy, cho đến năm 2010, những bóng đèn LED vẫn còn có kích thước cồng kềnh, giá thành cao và chỉ phù hợp sử dụng trong các xưởng công nghiệp lớn. Nhưng sau khi luật pháp liên bang Mỹ yêu cầu phải sử dụng điện năng hiệu quả hơn, các nhà sản xuất như GE và Philips đã phát triển các bóng đèn LED hướng đến người tiêu dùng phổ thông.

Những bóng đèn LED này chỉ tốn 20% điện năng so với những bóng đèn sợi đốt tiền nhiệm của chúng và có thể có tuổi thọ đến 25.000 giờ. Nếu trung bình một ngày chỉ thắp sáng vài giờ thì tuổi thọ đó dài hơn cả 1 thập kỷ.

9. Chuông cửa thông minh RING

Amazon đã mua lại Ring với giá 1 tỉ USD. Ảnh: RING

Cha đẻ của phát minh này - ông Jamie Siminoff  - đã bị từ chối khi đưa ra ý tưởng về bộ chuông cửa thông minh trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank (Thương vụ bạc tỉ) tại Mỹ năm 2013.

Năm năm sau, Amazon đã chi 1 tỉ USD để mua lại công ty của ông. Bộ chuông cửa dùng wi-fi này cho phép hệ thống chuông bắt đầu tự động ghi hình ngay khi bộ cảm biến lắp tích hợp của nó được kích hoạt và hệ thống liên lạc 2 chiều của nó cho phép chủ nhà nói chuyện với người đứng ngoài cửa thông qua một app (ứng dụng).

Sở Cảnh sát Los Angeles cho biết số vụ trộm đột nhập vào nhà dân đã giảm đến 50% từ sau khi RING được lắp đặt. Trên YouTube thì đầy hình ảnh những kẻ trộm tháo chạy khi đèn pha ở hiên nhà bật lên hoặc khi chủ nhà hỏi "Ai đấy?".

Trong khi đó, các nhà vận động và lập pháp đang kêu gọi Amazon tiết lộ nhiều hơn về những loại thông tin mà các sở cảnh sát có thể tiếp cận thông qua quan hệ đối tác của họ với công ty trong việc lắp các thiết bị giám sát an ninh.

10. ​Pin lưu trữ năng lượng mặt trời Tesla Powerwall

Pin lưu trữ năng lượng Mặt Trời Powerwall của Tesla . Ảnh: Reuters

Khi năng lượng mặt trời ngày càng dễ tiếp cận hơn, nó đã rẻ hơn cả gas và than đá ở nhiều vùng của nước Mỹ. Thách thức đặt ra là phải tìm cách nào đó để ngôi nhà bạn có thể trữ được thật nhiều năng lượng để sử dụng khi cần thiết.

Pin năng lượng mặt trời Tesla Powerwall ra mắt năm 2015 đã đáp ứng nhu cầu đó với mức độ tinh vi cao. Powerwall cho phép bạn lập trình việc sử dụng của mình để thu thập và tích trữ năng lượng trong giờ thấp điểm và tiêu thụ vào giờ cao điểm.

Trong bối cảnh các tiểu bang bắt đầu áp dụng giá năng lượng thay đổi theo thời gian sử dụng (các bang California, Arizona, Massachusetts hiện đã áp dụng), pin năng lượng mặt trời sẽ còn giúp bạn tiết kiệm được nhiều hơn đồng thời giảm bớt áp lực lên các nhà máy điện địa phương.

N. Thương/ Báo Người Lao Động

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: