Áp dụng quy trình bón phân vi sinh cho cây thanh long ruột đỏ

15/08/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 15/08/2018 | 06:00

STO - Trong những năm gần đây, việc phát triển trồng cây thanh long ruột đỏ đã rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh. Đây là loại cây dễ trồng, cho năng suất khá cao và phù hợp với nhiều vùng đất nên người dân đã mạnh dạn chuyển đổi một số vườn cây kém hiệu quả sang trồng loại cây này để có nguồn thu nhập đáng kể.

Xác định trái thanh long ruột đỏ trồng phải được “xuất ngoại” mới đảm bảo lợi nhuận và đầu ra ổn định, anh Trần Mộng Linh, ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm (Châu Thành) đã cùng một số người bạn đi tìm hiểu về quy trình trồng cây thanh long ở các tỉnh có diện tích trồng lớn, kèm theo đó là bản thân anh Linh còn miệt mài nghiên cứu kiến thức trên mạng, các trang web nông nghiệp... Khi đã nắm vững kiến thức, anh Linh mạnh dạn chuyển đổi 6 công đất canh tác lúa 3 vụ/năm sang trồng thanh long ruột đỏ. Bỏ ra số tiền gần 200 triệu đồng, anh Linh cải tạo ruộng lúa bằng phẳng bằng cách lên liếp, đào ao và đắp đất tạo mô, trồng cột bêtông để xuống giống 1.000 gốc thanh long ruột đỏ.

Vườn thanh long ruột đỏ của anh Trần Mộng Linh, ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tâm (Châu Thành) áp dụng quy trình bón phân vi sinh.

Sau thời gian 11 tháng, cây thanh long bắt đầu cho trái lứa đầu tiên. Anh Linh tâm sự: “Trồng thanh long muốn trái đạt năng suất cao thì cây phải có tuổi đời từ 3 năm trở lên và còn tùy vào cách chăm sóc của từng người trồng. Vụ đầu tôi thu hoạch được 500kg trái, giá bán 39.000 đồng/kg, số tiền thu về không đáng kể, chỉ đủ tiền thuê nhân công. Đợt 2 tôi vừa thu hoạch được 1 tấn, giá bán vẫn ở mức 39.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận tầm 34 triệu đồng”.

Cũng theo anh Linh, cây thanh long từ lúc ra hoa đến thu hoạch trái là 30 ngày và trái có quanh năm. Mùa thuận từ tháng 2 đến tháng 10 (âm lịch), mùa này không cần phải xử lý bằng cách kích thích cây ra hoa, cây vẫn đơm hoa kết trái, còn mùa nghịch là các tháng còn lại của năm thì phải treo bóng đèn vào ban đêm để cho cây ra hoa. Trái thanh long tại vườn anh Linh 100% đều được xuất khẩu nên việc chăm sóc trái rất cẩn thận và thường xuyên, xem trái nào không đạt thì hái bỏ để thân đủ sức nuôi dưỡng các trái còn lại. Đồng thời, trái bước vào giai đoạn 21 ngày tuổi, phải tiến hành vuốt các tai của trái, nhằm tạo độ xanh và thẳng; tiếp tục vuốt trái lần 2 trước thời điểm thu hoạch trái 3 ngày nhằm chắc chắn rằng các tai đã thẳng và luôn xanh tốt, tai trái thanh long xanh sẽ đảm bảo việc vận chuyển đi xa thuận tiện, không bị hư hỏng bởi trái chín nhanh.

Trong quá trình canh tác, anh Linh không bao giờ dùng tới các loại phân hóa học bón cho cây thanh long nên sản phẩm dù chưa qua kiểm nghiệm nhưng đảm bảo 100% là trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm. Bí quyết để cây phát triển tốt là dưới gốc cây anh Linh sử dụng phân bò ủ gốc và bao phủ lên trên là một lớp rơm, rạ đã mục sau khi chất nấm. Ngoài lớp phân bò, anh Linh còn dùng tro của vỏ trứng vịt muối tại cơ sở sản xuất bánh đốt bỏ xin về bón xung quanh gốc cây tạo khoáng, canxi giúp cây cứng khỏe chống sâu hại tấn công, vỏ trứng có cả công dụng diệt loài ốc sên, liều lượng dùng khoảng 2kg tro trứng vịt/gốc, cứ cách 6 tháng bón vào gốc 1 lần. Nếu ai có điều kiện thì sử dụng vỏ trứng tươi, xay nhuyễn bón vào gốc thanh long sẽ tốt hơn so với tro vỏ trứng muối.

Bên cạnh cung cấp năng lượng cần thiết cho cây phát triển, anh Linh còn tự tạo phân vi sinh bằng ốc có trong tự nhiên. Nếu dùng cá ủ phân thì chất lượng tốt nhưng để thay thế cá, anh Linh dùng ốc bươu vàng, đây là loài ốc gây hại cây trồng, giá rẻ mà việc thu mua sẽ tận diệt phần nào loài ốc gây hại. Dùng chiếc thùng phi lớn chứa 200kg ốc, ủ làm phân trong thời gian 1 tháng là có thể dùng phun trên cây và dưới gốc thanh long. Loại phân này có công dụng bổ sung nhiều đạm hữu cơ, protein, vitamin… hạn chế sâu bệnh và tốt trái vì cây khỏe, đảm bảo không bị sâu hại tấn công. Đối với các loài ruồi đục trái, anh Linh không phun thuốc phòng tránh mà chỉ treo 1 cái chai nhỏ có thuốc bên trong chai, dẫn dụ ruồi vào và chai treo ở ngoài tường rào quanh khu vườn.

“Chính nhờ cách canh tác sử dụng hoàn toàn biện pháp sinh học chăm sóc cây thanh long nên trái luôn đạt trọng lượng tốt, tất cả trái thanh long đều đạt loại 1 và chi phí đầu tư trong vụ không nhiều, chủ yếu tiền thuê mướn nhân công vuốt tai trái. Đồng thời, trái sau thu hoạch được vận chuyển trực tiếp đến vựa ở Trà Vinh để họ thu mua xuất khẩu. Dự kiến đợt trái sắp tới, sẽ thu hoạch khoảng 2 tấn trái, thu về số tiền tầm 70 triệu đồng (đã trừ chi phí). Hướng tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích 6.000m2 trồng thanh long ruột đỏ và áp dụng quy trình sản xuất sinh học nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận cũng như tạo uy tín cho trái thanh long ruột đỏ trên thị trường nước ngoài, bằng việc sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm” - anh Linh phấn khởi cho biết thêm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: