Biện pháp phòng trị tụ huyết trùng trên vịt

25/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 25/10/2018 | 06:00

STO - Ở nông thôn, để cải thiện kinh tế gia đình, ngoài việc chăn nuôi gia súc, nhiều hộ gia đình còn nuôi thêm vịt. Để đảm bảo đàn vịt nuôi lớn nhanh, cần phòng tránh bệnh tụ huyết trùng, vì đây là dịch bệnh thông thường, đòi hỏi người chăn nuôi phải biết được các triệu chứng vịt bệnh.

Theo đó, các triệu chứng vịt bị tụ huyết trùng người nuôi cần lưu ý gồm 3 thể: thể quá cấp tính thì gia cầm đang đứng ủ rũ một chỗ, rồi đột ngột có triệu chứng thần kinh như đi lảo đảo, quay cuồng, kêu to, giãy giụa mạnh, rồi lăn ra chết; thể cấp tính thì gia cầm bệnh ủ rũ, bỏ ăn, đầu và mắt sưng to, mào đỏ tím, thở rất khó, khi thở phải há mỏ, vươn cổ, nằm bệnh một chỗ, tiêu chảy, phân xanh lỏng, đôi khi có máu; thể mãn tính thì viêm phế quản, phổi mãn tính, thở khò khè, sưng khớp chân đi lại khó khăn, sau bị bại liệt.

Cần phòng tránh dịch bệnh tụ huyết trùng để đàn vịt sinh trưởng tốt.

Bệnh tích ngoài da có từng đám tụ huyết xuất huyết đỏ tím từng mảng, tổ chức cơ, các niêm mạc và các nội quan, như: cơ tim, gan, lách, thận, phổi đều xuất huyết tràn lan, đỏ sẫm; bao tim có tương dịch màu vàng, niêm mạc ruột xuất huyết và tróc ra, đặc biệt bề mặt gan có nốt hoại tử lấm tấm chấm như đầu đinh ghim, màu trắng đục…

Theo Th.s Lê Thanh Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi gia cầm VIGOVA, cách điều trị vịt tụ huyết trùng là dùng một trong các loại kháng sinh sau: Oxytetracyclin 50mg/kg thể trọng, liệu trình 3 - 4 ngày; Enrofloxacin 30mg/kg thể trọng, liệu trình 3 - 4 ngày; kết hợp dùng vitamin B Complex, vitamin C và dung dịch điện giải cho gia cầm trong thời gian điều trị; hay dùng Sulfamerazine 100mg/kg thể trọng, liệu trình 3 - 4 ngày; Sulfathiaz 100mg/kg thể trọng, liệu trình 3 - 4 ngày, trợ sức thêm cho gia cầm bằng các loại vitamin B1, C, D cùng với dung dịch điện giải.

Cách phòng bệnh bằng vaccine là 1ml/con, tiêm dưới da vịt khỏe mạnh trên 1 tháng tuổi; phòng bằng biện pháp vệ sinh thú y; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thông thoáng vào mùa hè, kín ấm vào mùa đông, không bị mưa tạt gió lùa; sát trùng chuồng trại định kỳ 1 tuần/lần; tẩy uế chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng và để trống chuồng từ 2 - 4 tuần mới nuôi trở lại; khi nhập đàn mới, cần nuôi cách ly 2 tuần, tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm mới cho nhập đàn - Th.s Lê Thanh Hải thông tin thêm.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: