GÓC NHÌN KINH TẾ

Bóng dáng nông nghiệp công nghệ cao

03/09/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 03/09/2017 | 06:00

STO - Tuy còn nhỏ lẻ và dàn trải, nhưng trước xu thế tất yếu của sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, nông nghiệp Sóc Trăng cũng bắt đầu chuyển mạnh sang việc ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất.

Tiên phong trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất phải kể đến nghề nuôi tôm nước lợ, một lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Sự đổi mới của nghề nuôi tôm nước lợ là một xu thế tất yếu, để không chỉ thích ứng với sự biến động của thời tiết, môi trường, dịch bệnh, mà còn để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Khu nhà lưới trồng rau sạch ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên).

Sự thay đổi từ nuôi ao đất sang ao lót bạt bờ và gần đây là ao lót bát đáy; từ việc sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh sang sử dụng vi sinh; từ ao lớn sang ao nhỏ… đã giúp nghề nuôi tôm của tỉnh không ngừng phát triển trong những năm qua. Tuy chưa thuần túy là công nghệ cao, nhưng trong từng hình thức nuôi tôm nước lợ của tỉnh hầu như đều có sự hiện diện của những tiến bộ khoa học – công nghệ mới.

Vụ tôm nước lợ năm 2017 đang trôi dần về giai đoạn cuối và đang cho thấy, đây tiếp tục sẽ là một vụ tôm thành công. Tuy nhiên, trong sự thành công đó phần lớn đều là những mô hình nuôi tiên tiến, đặc biệt là mô hình nuôi tôm lót bạt đáy. Thành công lớn nhất ở mô hình này phải kể đến trang trại nuôi tôm Tân Nam của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta ở xã Vĩnh Tân (TX. Vĩnh Châu), với tổng sản lượng nuôi của vụ 1 lên đến 1.000 tấn và lợi nhuận mỗi tấn vào khoảng 50 triệu đồng, gấp đôi so với mục tiêu kế hoạch đề ra.

Không chỉ có trang trại Tân Nam, hầu hết diện tích nuôi tôm lót bạt đáy năm nay đều có tỷ lệ thành công trên 90%. Dù diện tích thực nuôi của mô hình này chỉ chiếm 30% tổng diện tích, nhưng sản lượng tôm thu hoạch gấp 2 - 3 lần so với nuôi ao đất. Ông Tăng Văn Xúa ở HTX Hòa Nghĩa, xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu), sau 2 năm chuyển một phần diện tích sang nuôi lót bạt đáy, khẳng định: “Nuôi tôm lót bạt đáy tuy chi phí đầu tư ban đầu có cao hơn ao đất, nhưng bù lại dễ quản lý dịch bệnh, môi trường ao nuôi nên rủi ro rất thấp, đặc biệt là tôm lớn rất nhanh và đồng đều”.

Trên lĩnh vực trồng trọt cũng xuất hiện một số mô hình áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, như: mô hình trồng rau trong nhà lưới trong Khu Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành; các mô hình trồng rau trong nhà lưới ở huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị…; mô hình trồng cây ăn trái, lúa, hành tím theo VietGAP hay GloabalGAP… cũng bắt đầu nở rộ, thu hút sự quan tâm, tham gia của nông dân trong vài năm gần đây.

Tuy phát triển sau một số địa phương khác, nhưng với quyết tâm đưa nghề trồng màu của địa phương phát triển ngày một hiệu quả và bền vững, huyện Mỹ Xuyên đang có một chiến lược mở rộng mô hình trồng màu trong nhà lưới khá bài bản, với tốc độ phát triển khá nhanh. Ông Lâm Văn Long - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Trước mắt, từ các nguồn vốn, huyện tập trung hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã một phần kinh phí đầu tư nhà lưới và tìm nguồn kết nối tiêu thụ để có thể nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.

Chuyện con heo, con gà và thậm chí là con bò sữa ở chuồng mát hay chuồng lạnh đã không còn xa lạ với người chăn nuôi Sóc Trăng, góp phần đưa Sóc Trăng trở thành một trong những tỉnh có quy mô chăn nuôi trang trại tiên tiến vào hàng cao của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đâu chỉ có công nghệ chăn nuôi, công nghệ sản xuất giống cũng có bước tiến vượt bậc, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi heo, với nguồn giống cụ kị, ông bà, bố mẹ đều là giống nhập ngoại chất lượng cao.

Dẫu biết thời gian là vàng bạc, nhưng có những chuyện không thể một sớm một chiều mà thay đổi được. Câu chuyện ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp để tiến dần lên nền nông nghiệp công nghệ cao cũng vậy, bởi vẫn còn đó những khó khăn, thử thách nhất định. Ai cũng biết, làm nông nghiệp công nghệ cao là rất khỏe, rất ít rủi ro, rất nhiều lợi nhuận… nhưng muốn làm được cần phải có nguồn vốn lớn và quỹ đất đảm bảo.

Nông nghiệp công nghệ cao không thể không làm, nhưng vấn đề là cách làm như thế nào, lộ trình thực hiện ra sao để tất cả đều có thể về đích an toàn và hiệu quả. Đó mới chính là cái cần lớn nhất, là sự linh hoạt, sáng tạo vì mục tiêu nâng cao giá trị và phát triển bền vững của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: