Chăn nuôi heo bền vững theo hướng an toàn sinh học

10/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 10/08/2020 | 06:00

STO - Chăn nuôi heo là một trong những mô hình sinh kế của người dân sống ở các vùng nông thôn. Một trong những mô hình nuôi heo bền vững, hiệu quả nhất có thể kể đến là hình thức chăn nuôi an toàn sinh học mà Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai thực hiện với Dự án “Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer)” - dự án thực hiện hóa khái niệm “Kinh tế tuần hoàn nông nghiệp”. Dự án trên sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu về chăn nuôi hữu cơ để các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh có thể học hỏi nhân rộng.

Tham quan trang trại chăn nuôi heo an toàn sinh học, hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm tại tỉnh Thừa Thiên Huế trong tháng 7 vừa qua, tất cả mọi người đều trầm trồ khi tận mắt chứng kiến quy trình chăn nuôi hoàn toàn theo hình thức tự động hóa. Trong khuôn viên xây dựng 2ha, gồm 3 dãy chuồng nuôi, diện tích mỗi dãy chuồng là 3.600m2. Chuồng nuôi được thiết kế theo tự nhiên, có cải tiến đông ấm, hè mát và 3/4 diện tích mỗi ô dùng đệm lót sinh học, máng ăn uống tự động. Khu vực nuôi được chia theo dãy khu vực nuôi heo nái sinh sản với hàng trăm con nái, sản xuất từ 3.000 - 3.500 con heo giống và hai dãy chuồng nuôi heo thịt, mỗi dãy có 60 ô nuôi (diện tích 60m2/ô), nuôi được 8.000 - 10.000 con heo thịt/năm, sản lượng ước đạt 800 - 1.000 tấn thịt hữu cơ chất lượng cung cấp cho thị trường.

Trang trại nuôi heo an toàn sinh học, hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm được xây dựng hiện đại, đông ấm hè mát. Ảnh: THÚY LIỄU

Vì là tổ hợp chăn nuôi thì ngoài chuồng trại nuôi heo còn có nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học nhằm tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất men vi sinh, chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó là nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh được xây dựng trong khu tổ hợp. Nhà máy không chỉ thu gom, xử lý các phụ phẩm trong khu tổ hợp 15ha dự án, mà còn thu gom các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, phục vụ đầu vào sạch, chất lượng cao cho trồng trọt. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lương Minh Quyết chia sẻ: “Trong thời gian qua, khi sản xuất hữu cơ, Sóc Trăng đã hợp tác với Quế Lâm trên lĩnh vực cây trồng, cụ thể là cây lúa, cây ăn trái, hành tím. Tuy nhiên, về lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh chưa hợp tác với Quế Lâm để sản xuất sản phẩm sạch an toàn và với Tổ hợp 4F này là cơ hội cho tỉnh tiếp tục phát triển hữu cơ về chăn nuôi. Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ hợp tác chặt chẽ với Quế Lâm, cùng với đó tham mưu tốt cho lãnh đạo tỉnh cùng với các địa phương, thực hiện sản xuất hữu cơ song song trên cây trồng và trên vật nuôi. Với Tổ hợp 4F của Tập đoàn Quế Lâm, tỉnh được Chủ tịch tập đoàn hứa hỗ trợ một số mô hình triển khai. Bên cạnh đó, tỉnh đang cơ cấu tái đàn heo sau dịch tả heo châu Phi nên đây là cơ hội để tỉnh phát triển chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học. Đồng thời, tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng như thành tựu đạt được của Tập đoàn Quế Lâm, tỉnh đẩy mạnh sản xuất hữu cơ toàn diện trên cây trồng và vật nuôi…”.

Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam chia sẻ: “Tôi rất trăn trở về vấn đề sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, đặc biệt là trong chăn nuôi với nỗi lo về dịch bệnh, vốn, điều kiện đầu tư. Do vậy, tập đoàn đầu tư Tổ hợp chăn nuôi 4F nhằm làm đầu tàu dẫn dắt bà con nông dân, trước hết là giúp đỡ cho bà con hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi bằng kỹ nghệ vi sinh, vừa hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường vừa tiết kiệm được tài nguyên và hơn hết là cho ra sản phẩm an toàn vệ sinh; thứ hai là những chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ và kết nối với bà con nông dân khi có nhu cầu lớn thì bà con nông dân trở thành vệ tinh của Tập đoàn Quế Lâm nên Quy trình chăn nuôi 4F phải đạt được yêu cầu đó là chuỗi. Điều quan trọng nữa là xây được lòng tin cho người sản xuất, nhà tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước nên phải đi vào mô hình điểm”.

“Riêng với tỉnh Sóc Trăng, tôi được tiếp cận nhiều lần với lãnh đạo tỉnh, đặc biệt lãnh đạo ngành nông nghiệp rất nhiệt tình. Chính vì vậy, tập đoàn muốn kết nối với tỉnh vì đây là quy trình hoàn toàn mới cần chọn mặt gửi vàng nên chúng tôi chọn Sóc Trăng để làm nông nghiệp hữu cơ, trước hết là trồng lúa hữu cơ. Từ đó, tập đoàn tiếp tục hợp tác về chăn nuôi và phải có chăn nuôi, lúc đó mới có trồng trọt hữu cơ và có chăn nuôi mới có nguồn nguyên liệu để phục vụ trồng trọt. Đó là chăn nuôi khép kín, trồng trọt khép kín và đó mới gọi là kinh tế tuần hoàn, không bỏ một thứ gì trong sản xuất nông nghiệp. Tới đây, tập đoàn sẽ tiếp cận từng bước tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nhưng trước hết là tại tỉnh Sóc Trăng” - ông Nguyễn Hồng Lam cho biết thêm.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: