GÓC NHÌN KINH TẾ

Cuộc tập dợt mang tên VietGAP

03/04/2017 07:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Tích Chu
  • Thứ Hai, 03/04/2017 | 07:00

STO - Có những mô hình, cách làm, khi mới thực hiện chúng ta chưa thể thấy ngay sự khác biệt có ý nghĩa của nó (cả về năng suất lẫn giá trị), nhưng nếu nhìn vào xu hướng chung của thị trường sẽ thấy ngay sự hữu ích của nó cho chặng đường phát triển phía trước. Câu chuyện về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP) là một điển hình như thế.

Không chỉ có doanh nghiệp, mà ngay cả người sản xuất cũng thừa hiểu, việc được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP chỉ có giá trị ở thị trường trong nước, còn khi ra nước ngoài, có rất ít quốc gia chấp nhận tiêu chuẩn này. Thế nhưng vì sao ngành nông nghiệp lại rất quan tâm và không ngừng khuyến khích nông dân phải sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP? 

Những cánh đồng lúa sản xuất theo hướng VietGAP có từ rất lâu giúp nông dân thay đổi dần tập quán sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch hơn.

Câu trả lời có thể sẽ rất dài dòng, như: hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; hạn chế ô nhiễm môi trường; tạo ra sản phẩm an toàn… nhưng cái chính vẫn là từng bước đưa nông dân tiếp cận với những quy trình sản xuất mới theo hướng xanh, sạch và thân thiện với môi trường. Chính vì thế, dù có lúc, có nơi, mô hình sản xuất VietGAP còn gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện hay duy trì và nhân rộng, nhưng công tác chỉ đạo sản xuất của ngành nông nghiệp và các địa phương thì việc VietGAP vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất ngành tôm năm 2017 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Sóc Trăng mới đây, ông Ngô Công Luận – Giám đốc HTX Nông ngư 14-10 Hòa Nhờ A (Mỹ Xuyên) đã chia sẻ chân tình: “Từ lúc bắt tay nuôi tôm theo VietGAP, 4 năm nay, các thành viên HTX đều “nói không” với chất kháng sinh mà tôm vẫn phát triển tốt. Chẳng những vậy, HTX còn tạo được liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ tôm với giá cao so với bên ngoài 3.000 đồng – 5.000 đồng/kg. Hiện nay, dù HTX đang nuôi theo tiêu chuẩn ASC, nhưng nhìn chung việc thực hiện cũng không quá khó, nhờ các thành viên HTX được làm quen với VietGAP từ 4 năm nay”.

Việc duy trì sản xuất theo VietGAP và nâng cấp lên tiêu chuẩn mới ASC của HTX Nông ngư 14-10 đến nay vẫn còn là “hàng hiếm” trong ngành Nông nghiệp Sóc Trăng. Đã có một thời, các câu lạc bộ sản xuất hoa màu, lúa, hành tím được công nhận đạt chuẩn VietGAP hay GlobalGAP, nhưng sau đó lại rơi rụng dần, đến nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân chính là do chi phí chứng nhận còn cao, trong khi giá bán sản phẩm đạt VietGAP hay GlobalGAP không có sự khác biệt lớn với sản phẩm sản xuất theo truyền thống.

Tuy nhiên, đó không hẳn là sự thất bại hoàn toàn của các mô hình GAP, vì dù hiện tại, quy trình canh tác của những người đã từng sản xuất theo VietGAP hay GlobalGAP hiện nay không còn hướng đến việc được công nhận đạt chuẩn, nhưng cũng có sự thay đổi rất nhiều theo hướng ngày càng an toàn và hiệu quả hơn. Ở HTX tôm – lúa Hòa Lời (Mỹ Xuyên) hay HTX lúa giống Vĩnh Tiền (TX. Ngã Năm) cho đến bây giờ, các kiến thức về GlobalGAP vẫn được họ áp dụng vào ruộng lúa, đồng tôm của mình để vừa tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường và tạo ra sản phẩm sạch bán được giá cao hơn.

Những sản phẩm xoài, nhãn, chôm chôm, thanh long… đạt VietGAP cũng bắt đầu được xuất ngoại, cho thấy cái nhìn về VietGAP của thị trường đã bắt đầu thay đổi. Cũng chính từ sự thay đổi đó đã khuyến khích nông dân chủ động thay đổi quy trình sản xuất theo VietGAP để sản phẩm dễ được thị trường chấp nhận. Không nói đâu xa, ngay ở lĩnh vực nuôi tôm nước lợ, những mô hình nuôi nhỏ lẻ, như: tôm – lúa, quảng canh cải tiến… nhiều nông dân đã chấp nhận sử dụng chế phẩm sinh học được sản xuất từ dòng vi sinh bản địa để thay cho hóa chất hay chất kháng sinh mà vẫn đạt năng suất, hiệu quả cao.

Trong quân đội luôn có câu: “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” là minh chứng cho việc muốn có được kết quả tốt, nhất thiết phải trải qua quá trình rèn luyện vất vả. Đối với nông dân, quá trình tập dợt sẽ càng vất vả hơn, bởi cái chính không chỉ là nâng cao trình độ ứng dụng khoa học – công nghệ, mà là thay đổi tư duy, tập quán sản xuất cũ, vốn đã ăn sâu vào huyết quản bao thế hệ. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển các mô hình sản xuất theo VietGAP vẫn đang được ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện theo chiều hướng ngày càng thuận lợi hơn nhờ xu hướng của thị trường tiêu dùng.

Muốn sản xuất hiệu quả và ngày một phát triển, trước hết sản phẩm phải được thị trường chấp nhận và muốn thị trường chấp nhận sản phẩm của mình làm ra, người nông dân phải sản xuất theo đúng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã do thị trường đặt ra. Đó là quy luật. Mà đã là quy luật, mọi người đều phải tuân thủ nếu muốn bước vào “cuộc chơi” một cách lâu dài và hiệu quả. Do đó, đừng thấy những khó khăn ban đầu của VietGAP rồi bỏ qua tiêu chuẩn này, mà phải kiên trì thực hiện để tạo nền tảng vươn tới những tiêu chuẩn cao hơn trong quá trình hội nhập.

Tích Chu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: