Đã xác định được tên của loài sâu ăn lá tấn công vườn tràm Úc

18/08/2017 11:15 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 18/08/2017 | 11:15

STO - Trong các kỳ trước, Báo Sóc Trăng đã đăng tải thông tin về loài sâu hại tấn công trên cây tràm Úc. Theo đó, mặc dù sâu có thân hình nhỏ bé nhưng sức “tàn phá” rất lớn đối với cây tràm non bằng cách ăn sạch các lá non trên cành, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Mới đây, Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) đã xác định được tên của loài sâu hại tấn công cây tràm Úc.

Trước tình hình sâu hại tấn công vườn tràm của người dân trên địa bàn huyện Mỹ Tú, các ngành chức năng có liên quan đã tích cực vào cuộc nhằm xác định tên loài sâu hại cũng như tìm các biện pháp phòng trị thích hợp.

Áp dụng đúng các khuyến cáo của ngành chuyên môn sẽ tiêu diệt sâu hại tấn công trên cây tràm.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thành Phước - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Nguyên nhân sâu bệnh bùng phát là do cây tràm có giá trị kinh tế cao nên nông dân canh tác theo kiểu thâm canh, nhất là việc bón phân đạm cho cây mau lớn và phun, xịt các loài thuốc trừ sâu nhiều. Từ đó, làm mất cân bằng hệ sinh thái, tiêu diệt thiên địch, như: kiến vàng và các loại ong ký sinh làm sâu bùng phát mạnh trên diện rộng. Theo kết quả giám định của Trung tâm Giám định Kiểm dịch thực vật (thuộc Cục Bảo vệ thực vật), sâu hại tấn công cây tràm Úc thời gian qua có tên khoa học là Targalla delatrix (Gunee), họ Noctuidae, bộ Lepidoptera và hiện chưa định danh tiếng Việt”.

Trước mắt, để bảo vệ rừng tràm, đồng chí Nguyễn Thành Phước khuyến cáo người dân cần thực hiện các bước, như: thường xuyên làm cỏ để hạn chế sâu làm nhộng, cắt cành, tỉa cây làm thông thoáng vườn tràm để bướm ít đẻ trứng; hạn chế việc thâm canh trong canh tác cây tràm, không bón thừa phân đạm tạo bộ lá xum xuê, sâu sẽ phát sinh nhiều và nên bón cân đối phân NPK.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thành Phước, trong quá trình canh tác cây tràm, bà con nông dân không nên sử dụng thuốc trừ sâu phổ rộng khi mật số sâu chưa bộc phát nhiều để bảo vệ thiên địch, đảm bảo cân bằng hệ sinh thái; khi phát hiện sâu với mật số cao trên rừng tràm từ 1 đến 2 tuổi, nên phun thuốc trừ sâu sinh học để ít ảnh hưởng đến thiên địch và hệ sinh thái; đồng thời nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối vì thời gian này sâu ra ăn lá nhiều và phun theo liều lượng khuyến cáo trên nhãn thuốc.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: