Dấu hiệu để phát hiện, phòng tránh bệnh cháy bìa lá trên lúa

16/08/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 16/08/2018 | 06:00

STO - Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT-BVTV), hiện tại thời tiết mưa nhiều kèm theo gió sẽ làm nguy cơ bùng phát nhanh dịch bệnh cháy bìa lá trên lúa. Để hướng dẫn bà con nông dân cách phòng tránh bệnh trên lúa, Chi cục TT-BVTV thông tin đến bà con về các triệu chứng của bệnh cháy bìa lá cũng như cách phòng tránh hữu hiệu, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV Nguyễn Thành Phước chia sẻ: “Bệnh cháy bìa lá trên lúa (bạc lá) do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra, là một trong những đối tượng dịch hại nghiêm trọng, làm giảm khả năng quang hợp, hạt bị lem lép, làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng lúa, đặc biệt bệnh gây hại nặng trong mùa vụ có mưa gió lớn. Bệnh có thể phát sinh từ giai đoạn mạ và thường phát triển mạnh từ khi lúa đứng cái, làm đòng đến trổ”.

Bệnh cháy bìa trên lá lúa làm ảnh hưởng đến năng suất lúa. 

Cũng theo thông tin từ đồng chí Phước, triệu chứng bệnh trên mạ thì vết bệnh đầu tiên thường xuất hiện dưới dạng các đốm ướt như giọt dầu trên mép các lá phía dưới, những đốm này lan rộng dần làm cả lá lúa vàng héo rồi khô đi. Trên cây lúa từ làm đòng đến trổ thì trên phiến lá vết bệnh thường bắt đầu ở chóp lá, tạo một sợi dài úng nước ở một hay hai bên bìa lá, vài ngày sau vùng bệnh biến sang màu nâu vàng, bìa gợn sóng. Vết bệnh phát triển dần theo cả chiều dài và chiều rộng tạo thành một vết cháy ở mép lá và đỉnh lá có màu vàng xám nhạt. Đồng thời, vết bệnh có thể tiếp tục lan rộng làm cả phiến lá bị khô bạc trắng, đối với các vết bệnh mới vào sáng sớm khi còn ướt sương hoặc những ngày mưa dầm ẩm ướt có thể thấy những giọt màu vàng ướt hoặc khô lại thành hạt nhỏ như trứng cá trên mặt lá và bị gió làm rơi xuống nước hoặc trên những lá khác làm lây lan nguồn bệnh.

Bệnh phát triển mạnh có thể làm toàn bộ lá kể cả lá đòng bị khô rách nhanh chóng trước khi lúa chín; hạt cũng có thể bị nhiễm bệnh, làm hạt kém nẩy mầm vi khuẩn xâm nhập vào vỏ trấu tạo thành những đốm nhạt màu xung quanh có đường viền hơi ướt và làm vỏ trấu bị đen. “Bệnh cháy bìa lá lúa phát sinh và phát triển mạnh khi gặp các điều kiện, như: hạt giống nhiễm bệnh; tàn dư cây bị bệnh; đất trầm thủy và bệnh phát triển khi gặp mưa, gió mạnh làm xây xát lá lúa giúp vi khuẩn xâm nhập qua đường thủy khổng, tạo thành vết bệnh trên lá lúa và lan rộng ra; bón phân không cân đối, thừa phân đạm và bón phân thúc muộn; ẩm độ không khí cao, trời nhiều sương mù…” - đồng chí Nguyễn Thành Phước cho biết thêm.

Để phòng tránh bệnh cháy bìa lá lúa, bà con nông dân cần phải cày ải phơi đất trong mùa khô và trước khi gieo sạ nên cày bừa kỹ, làm cỏ bờ; sử dụng hạt giống sạch bệnh; ngâm hạt giống bằng nước muối hoặc nước nóng (3 sôi 2 lạnh); lượng giống gieo sạ hợp lý 80 - 100kg/ha; bón phân cân đối, hạn chế bón thừa phân đạm, tăng cường thêm phân trung vi lượng, đặc biệt là canxi, silic; khi ruộng bị bệnh, ngưng bón phân đạm, thường xuyên thay nước ruộng, không để ruộng ngập úng. Khi phát hiện bệnh sử dụng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất, như: Bismerthiazol, Copper hydroxide, Oxolinic acid, Thiodiazole zinc, Thiodiazole copper...

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: