Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

04/11/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 04/11/2017 | 06:00

STO - Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động đến nền kinh tế trên thế giới và cả Việt Nam. Để không bị thụt lùi trước những sự thay đổi mạnh mẽ này, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần làm gì để thích ứng với xu thế phát triển?

Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp 

Theo một số tài liệu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (từ năm 1784) xảy ra khi con người phát minh động cơ hơi nước, tác động trực tiếp đến các ngành nghề như dệt may, chế tạo cơ khí, giao thông vận tải. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai (từ năm 1870) khi con người phát minh ra động cơ điện, mang lại cuộc sống văn minh, năng suất tăng nhiều lần so với động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (từ năm 1969) xuất hiện khi con người phát minh ra bóng bán dẫn, điện tử, kết nối thế giới liên lạc được với nhau. Vệ tinh, máy bay, máy tính, điện thoại, internet… là những công nghệ hiện nay chúng ta thụ hưởng từ cuộc cách mạng này.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra từ những năm 2000 gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như: internet, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, tương tác thực tại ảo, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Đặc điểm của cách mạng công nghiệp 4.0 là tốc độ thay đổi nhanh chóng, kết hợp nhiều công nghệ khác nhau, tác động sâu rộng tới mọi mặt cuộc sống. Cơ hội của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp từ cuộc cách mạng này được xem là rất lớn bởi những công nghệ hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí giao dịch và quản lý. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại còn hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ mới trong quản trị điều hành, hoạch định chiến lược, tăng năng suất lao động, tăng khả năng tiếp cận thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác…

Tuy nhiên, mặt trái của công nghiệp 4.0 là có thể phá vỡ thị trường lao động khi công nghệ thay thế lao động chân tay, khi robot thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, nhiều lao động sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp; nhiều doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh hay công nghệ sản xuất tiên tiến để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho phù hợp với xu hướng tất yếu. Với những thay đổi này, dự báo nhiều năm tới nền kinh tế thế giới sẽ có diện mạo mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự đổi mới và sáng tạo trong việc hoạch định các chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Hợp tác xã số 1 Sóc Trăng định hướng sẽ đổi mới việc kinh doanh sản phẩm để phù hợp với xu hướng công nghiệp 4.0.

Để thích ứng với công nghiệp 4.0

Mặc dù còn khá mới mẻ nhưng để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thích ứng với những bước tiến của cách mạng công nghiệp 4.0, Hiệp hội Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Tại buổi tọa đàm này, thạc sĩ Trần Ngọc Truyền - chuyên gia về tư vấn cho doanh nghiệp đề xuất một số cách tiếp cận chủ yếu mà doanh nghiệp có thể thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đề xuất trên, doanh nghiệp có thể tạo ra rồi bán các sản phẩm, dịch vụ thuộc công nghiệp 4.0; doanh nghiệp làm công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp 4.0; doanh nghiệp tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thuộc công nghiệp 4.0; doanh nghiệp tự phát triển các sản phẩm, dịch vụ thuộc công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất, hiệu quả của mình; doanh nghiệp chủ động sáng tạo đổi mới để nâng cao năng suất, hiệu quả và cách tiếp cận cuối cùng là kết hợp các cách trên lại với nhau. Thạc sĩ Trần Ngọc Truyền nhận định, trong những cách tiếp cận này, việc doanh nghiệp chủ động sáng tạo đổi mới để nâng cao năng suất, hiệu quả được xem là cách tiếp cận mà mọi doanh nghiệp có thể tham gia, bất luận quy mô, ngành nghề, địa phương…

Với cách tiếp cận trên, thời gian qua, ngoài việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hỗ trợ kinh phí cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thực hiện chương trình doanh nghiệp sáng tạo và đã đạt được những hiệu quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để chủ động thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có định hướng phù hợp.

Bà Mã Thị Thanh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ nhưng hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chưa thích ứng, chưa tìm hiểu kỹ trước nhiều thông tin đa chiều nên chưa biết xoay sở ra sao. Việc tổ chức buổi tọa đàm “Doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm cung cấp kiến thức tổng quát nhất để mang lại cho doanh nghiệp những nhận thức mới, từng bước trang bị kiến thức để thay đổi và phát triển. Ở quốc gia khác, có những doanh nghiệp không thích ứng với công nghiệp 4.0 vẫn thất bại chứ không riêng doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp phải sáng tạo hội nhập, nếu không sẽ bị thụt lùi. Bà Thanh lấy ví dụ đơn giản, nếu các doanh nghiệp là cá nhân đang sống chung với lũ mà nhà cửa không được đầu tư nâng cấp lên thì khó mà thích ứng, phát triển được.

Anh Nguyễn Hồng Khanh – Giám đốc Hợp tác xã Số 1 Sóc Trăng chuyên cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch như nấm linh chi, mật ong hữu cơ cho biết: “Qua buổi tọa đàm này, hợp tác xã sẽ định hướng đổi mới việc kinh doanh sản phẩm của mình, có thể không cung cấp sản phẩm đơn thuần nữa mà có thể cung cấp sản phẩm kèm thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe khách hàng, có thể là bán hàng kèm tư vấn và giao hàng tận nhà. Ngoài ra, bên cạnh việc quảng cáo các sản phẩm của đơn vị, hợp tác xã đang thiết kế trang web bán hàng. Trên trang web đó, khách hàng có thể đặt mua nhờ sự tư vấn của người quản lý, web cũng kết nối với các trang mạng xã hội như facebook, zalo”. Với phương thức kinh doanh thương mại điện tử này, anh Khanh mong muốn kết nối sản phẩm ở thực tế với thế giới ảo để phục vụ khách hàng.

Khi thế giới và các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khác của Việt Nam đang bắt đầu với cuộc đua của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cũng cần trang bị những hành trang để bắt nhịp theo nguồng quay này. Trên hành trình đó, việc doanh nghiệp cần chủ động sáng tạo đổi mới để nâng cao năng suất, hiệu quả được chuyên gia xem là phù hợp với nhiều ngành nghề, địa phương.

Quốc Kha

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: