Giải pháp liên kết để sản xuất tôm sú đạt chứng nhận

12/10/2018 18:23 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 12/10/2018 | 18:23

STO - Hiện nay, con tôm thẻ chân trắng có mức độ cạnh tranh cao vì hầu hết các quốc gia nuôi đều lấy đối tượng này làm chủ lực để tăng sản lượng và khối lượng xuất khẩu; còn đối với con tôm sú được ưa chuộng trên thị trường thế giới và đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Singapore… tiêu thụ rất ổn định. Chính vì vậy, việc sản xuất tôm đạt chứng nhận để đến được các thị trường lớn là vấn đề hết sức trọng tâm của ngành tôm ĐBSCL, trong đó có tỉnh Sóc Trăng.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất tôm nước lợ của cả nước, với 2 đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Diện tích tôm nước lợ phân bố tập trung tại 8 tỉnh ven biển, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và Sóc Trăng.

Ở Sóc Trăng, tôm sú chủ yếu được nuôi bán thâm canh (60%), tôm - lúa (36%) và thâm canh 4%. Mặc dù sản lượng tôm sú vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản lượng tôm của Việt Nam, tuy nhiên với xu hướng chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng hiện tăng nhanh, sản lượng tôm chân trắng vùng ĐBSCL dự kiến sẽ tăng mạnh trong những năm tới.

Việc ký kết bao tiêu tôm nuôi giữa HTX,THT với doanh nghiệp ngày càng rộng mở nhằm sản xuất theo chứng nhận ASC.

Theo ông Đinh Xuân Lập, đến từ Dự án ICAFIS thì hiện tại, có một số chứng nhận hữu cơ sinh thái cho tôm sú tại Việt Nam mà người nuôi cần chú ý, như: tiêu chuẩn hữu cơ EU - đây là tiêu chuẩn được Liên minh châu Âu (EU) quy định, thị trường các nước trong khối EU, với yêu cầu động vật được chăn thả tự do và được đối xử theo các điều kiện chăm sóc động vật, giới hạn khắt khe về sử dụng hóa chất trừ sâu, phân bón và chất kháng sinh đối với thực phẩm, giới hạn khắt khe về việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm, các chất hỗ trợ chế biến và các chất khác trong nông nghiệp hữu cơ, thời gian chuyển đổi từ sản xuất thông thường qua hữu cơ ít nhất 2 năm, sản phẩm có trên 95% khối lượng là hữu cơ có thể dán nhãn sản phẩm sản xuất hữu cơ. Tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ - USDA NOP được ra đời bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thị trường Mỹ, Nhật Bản, Canada yêu cầu: sản phẩm nuôi không cho phép sử dụng chất bảo quản tổng hợp và hầu hết các thành phần hóa học khi chế biến, thời gian chuyển đổi từ sản xuất thông thường qua hữu cơ ít nhất 3 năm, cơ quan chứng nhận kiểm tra trang trại hàng năm, sản phẩm chỉ dán nhãn hữu cơ khi có trên 95% sản phẩm là thành phần sản phẩm hữu cơ…

Qua các tiêu chuẩn chứng nhận nhập khẩu tôm của thị trường các nước, ông Đinh Xuân Lập đưa ra một số giải pháp để phát triển chuỗi giá trị sản xuất tôm bền vững công bằng tại Việt Nam, là: cần tăng cường sự liên kết, trước tiên đối với người nuôi nên tập hợp thành các tổ, nhóm hay hợp tác xã (HTX) có tính pháp lý nhằm khắc phục hạn chế về sản xuất quy mô nhỏ trong nuôi tôm của Việt Nam; ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, như: nuôi tôm sú 2 giai đoạn, gây màu thức ăn tự nhiên, ương trong vèo; nâng cao nhận thức cho người nuôi về những lợi ích và việc cần thiết trong thực hiện liên kết chuỗi. Riêng đối với HTX, THT thì cần được nâng cao vai trò trong việc ký kết hợp đồng (mua giống, thức ăn, đầu ra…) với các cơ sở cung ứng con giống, thức ăn nhằm giảm giá đầu vào và được cơ sở cung cấp bảo đảm về chất lượng. Đồng thời, đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu nguyên liệu với doanh nghiệp chế biến để giảm các khâu trung gian, gia tăng giá trị gia tăng cho người nuôi, hình thành các HTX, THT hoặc tổ, nhóm sản xuất có tính pháp lý. Đối với doanh nghiệp, thường xuyên thông tin về các yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng tôm nguyên liệu của từng thị trường nhập khẩu đến với các HTX, THT, lựa chọn các HTX, THT đạt yêu cầu của doanh nghiệp để trực tiếp đầu tư. Riêng cơ quan quản lý, tăng cường kiểm tra giám sát và có các chính sách chế tài nghiêm ngặt đối với những cơ sở sản xuất con giống kém chất lượng và không được chứng nhận, các đại lý, doanh nghiệp, thương lái chế biến xuất khẩu phân phối con giống và sản phẩm tôm kém chất lượng và công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện các đề tài, dự án giúp nâng cao sản lượng và chất lượng tôm sú; thực hiện chương trình sản xuất tôm hữu cơ, sinh thái để các trại nuôi có thể chủ động hơn nữa về nguồn giống.

Ông Vũ Xuân Thùy cũng đến từ Dự án ICAFIS thông tin thêm: “Để tôm nuôi nước lợ đạt chuẩn đến được các thị trường khó tính, người nuôi cùng HTX, THT đẩy mạnh mở rộng diện tích để đảm bảo đủ về lượng khi thực hiện liên kết; nâng cao năng lực quản trị, giám sát, đôn đốc thành viên trong quá trình thực hiện áp dụng chứng nhận; nâng cao năng lực, nhận thức của người nuôi trong quá trình áp dụng chứng nhận, đặc biệt là công tác ghi chép nhật ký và thu thập hồ sơ truy xuất nguồn gốc, giữ gìn môi trường khu vực nuôi. Với doanh nghiệp, ngoài việc liên kết thu mua nguyên liệu của người nuôi, cần đầu tư cho việc xây dựng vùng nguyên liệu tôm bền vững để chủ động hơn trong việc chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, nâng cao năng lực và sự tham gia của thương lái về hướng dẫn kỹ thuật bảo quản, sơ chế giúp đảm bảo về chất lượng tôm thông qua các khóa tập huấn và thực hành; kiểm tra giám sát chất lượng tôm theo chuỗi nhằm đảm bảo chất lượng nguyên liệu; tăng cường truy xuất nguồn gốc qua thương lái”.

Theo thông tin từ Th.s Quách Thị Thanh Bình - Chi cục phó Chi cục Thủy sản, tính từ năm 2016, các địa phương có diện tích nuôi tôm đã ký 11 hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và các HTX, THT. Đây là cơ hội để các bên thúc đẩy việc tiêu thụ tôm tại các thị trường khó tính, thông qua việc sản xuất theo quy trình VietGAP, hay chứng nhận ASC và đã có 15 HTX, THT đạt chứng nhận VietGAP, ASC. Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục đồng hành hỗ trợ người nuôi tôm nhằm giúp họ đạt được các tiêu chuẩn thị trường các nước nhập khẩu yêu cầu.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: