Góp ý Đề án tổng thể phát triển ngành tôm Việt Nam

10/12/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 10/12/2017 | 06:00

STO - Vừa qua, ngày 8-12, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh Sóc Trăng, Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức hội thảo góp ý Đề án tổng thể phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2030.

Đến dự có đồng chí Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, cùng đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, các chuyên gia ngành thủy sản, lãnh đạo các đơn vị liên quan đến ngành nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, các doanh nghiệp và hộ nuôi tôm.

Quang cảnh hội thảo góp ý Đề án tổng thể phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2030.

Mục tiêu chính của dự án này là khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và thị trường để phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ trở thành ngành hàng có đóng góp chính trong giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu của ngành Thủy sản Việt Nam; chủ động sản xuất, quản lý và kiểm soát được tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm để tăng hiệu quả sản xuất, năng lực và sức cạnh tranh sản phẩm con tôm, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm đến năm 2025.

Dự án còn đề ra một số mục tiêu cụ thể từ đây đến năm 2020 là giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt 4,5 tỉ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000ha; tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 800.000 tấn; chủ động sản xuất trong nước được 80 - 100% lượng tôm sú bố mẹ và 30 - 50% lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ chọn tạo cung cấp cho các trại sản xuất giống. Số còn lại khai thác ngoài tự nhiên và nhập từ nước ngoài phục vụ sản xuất; nâng năng suất trung bình nuôi tôm lên trên 20% so với năm 2016; trên 70% giống tôm được kiểm soát an toàn dịch bệnh trước khi đưa ra khỏi cơ sở sản xuất.

Đến năm 2030, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nuôi nước lợ đạt 12 tỉ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000ha; tổng sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 1.300.000 tấn; chủ động sản xuất trong nước 100% lượng tôm sú bố mẹ và 100% lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ chọn tạo cung cấp cho các trại sản xuất giống; nâng năng suất nuôi tôm lên trên 50% so với năm 2020.

Thông qua dự án này, các đại biểu góp ý một số nội dung, như: cần xây dựng rõ diện tích nuôi phân bổ tại các tỉnh để các tỉnh phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu dự án; đưa vào ý kiến về việc đề nghị ngành điện có dự án phục vụ điện cho nuôi tôm từ dự án tôm đã xây dựng trong việc hỗ trợ điện phục vụ sản xuất; kết nối hỗ trợ vốn của Ngân hàng Nhà nước với các tổ chức tín dụng tại các địa phương hỗ trợ người nuôi tôm; có giải pháp nuôi tôm chung nhất giữa tôm thương phẩm, tôm sinh thái; quản lý tốt môi trường nuôi; quan trắc môi trường nước xả thải từ các doanh nghiệp, cơ sở, hộ dân tại vùng nuôi tôm; xây dựng chuỗi liên kết trong vùng nuôi; xây dựng chuỗi nuôi tôm chung cho vùng mặn, lợ...

Đồng chí Như Văn Cẩn cho rằng: Đề án tổng thể phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2030 rất cần thiết cho ngành tôm Việt Nam, bởi đây là ngành có giá trị kinh tế cao nên việc xây dựng đề án sẽ nâng cao năng suất giá trị con tôm cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, ý kiến của các chuyên gia, các địa phương rất quan trọng nhằm giúp đề án được hoàn thiện để đưa vào thực tiễn, cũng như triển khai sâu rộng cho các địa phương trong thời gian tới đạt kết quả tốt nhất.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: