Hiệu quả từ mô hình trồng khóm trên vùng đất phèn, trũng

26/03/2017 12:28 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Tuyết Xuân
  • Chủ Nhật, 26/03/2017 | 12:28

STO - Thời gian gần đây, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuyển đổi cây trồng bằng việc cho ra đời những mô hình thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng địa phương. Trong đó, mô hình trồng khóm trên nền đất phèn, trũng ở xã Lâm Tân (Thạnh Trị) được áp dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là vùng đất phèn, trũng nên xưa nay việc trồng lúa ở xã Lâm Tân không hiệu quả, do đó một số hộ dân đã chuyển đổi sang trồng khóm và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình trong đó là hộ bà Trương Thị Gọn, ngụ ở ấp Tân Lộc một trong những hộ trồng khóm đầu tiên ở xã.

Chia sẻ về “cơ duyên” đến với cây khóm, bà Gọn cho biết: “Sau nhiều năm canh tác lúa không cho hiệu quả kinh tế cao, năm 2009, gia đình tôi chuyển sang trồng thử 5 công khóm, sau hơn một năm chăm sóc thì bắt đầu thu hoạch, nhận thấy có hiệu quả cao, nên gia đình tôi đã mở rộng thêm diện tích và đến nay đã trồng được hơn 3ha khóm”.

Mô hình trồng khóm của anh Sang cho hiệu quả kinh tế cao.

Phân tích về những lợi ích của cây khóm so với cây lúa, bà Gọn chân tình thổ lộ: “Trồng khóm đầu tư nhẹ hơn nhiều so với trồng lúa, mặt khác lợi nhuận hàng năm ổn định. Tính ra, một công trồng khóm thu lãi được 9 đến 10 triệu đồng/năm, gấp 4 lần so với lúa. Ngoài ra, do vùng đất này thường bị phèn, trũng nên cây khóm rất ngọt được người mua ưa chuộng”. Cũng theo bà Gọn, cây khóm sau khi trồng khoảng 14 đến 18 tháng (tùy theo người chăm sóc mà thời gian ngắn hay dài) sẽ cho thu hoạch và thời gian thu hoạch quanh năm. Cái lợi nữa đó là nếu trồng khóm ở đất phèn mà độ mặn không cao, trái sẽ không nặng và vườn khóm sẽ không bền như đất có độ mặn cao. Ở vùng đất mặn, một vườn khóm có thể cho thu nhập đến 10 năm, còn ở vùng đất phèn có độ mặn thấp thì vườn khóm cho thu hoạch 5 đến 7 năm.

Qua tìm hiểu được biết, cây khóm sau khi thu hoạch trái có thể để được lâu, hơn nữa thị trường bán lẻ khóm trái khá ổn định nên nhiều hộ đã mở rộng diện tích trồng. Anh Trần Thanh Sang cũng ngụ ở ấp Tân Lộc góp lời: “Thấy người bà con trồng khóm có hiệu quả nên tôi cũng trồng theo. Mới đầu tôi trồng 3 công, thu hoạch có lời nên tôi trồng thêm 2 công nữa. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận được khoảng 40 triệu đồng/năm”.

Từ những hiệu quả nêu trên, hiện anh Sang đang dự định chuyển phần diện tích 5 công trồng hoa huệ kém hiệu quả sang trồng khóm”. Anh Sang chia sẻ thêm: “Lúc đầu mới trồng cây khóm, cũng nhờ các cấp chính quyền địa phương bình nghị, xem xét hỗ trợ vốn và giống để gia đình làm. Thấy hiệu quả nên gia đình dự định sẽ lên phương án sản xuất để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng diện tích trồng thêm”.

Cũng theo anh Sang, khi trồng cây khóm, mình chủ động được việc cho trái để thu hoạch, chỉ có khâu làm cỏ là hơi cực thôi. Trái khóm thu hoạch được bao nhiêu là bán được bấy nhiêu, không bị tồn. Hiện tại, giá khóm dao động trên dưới 12.000 đồng/trái đối với trái loại 1 (trái to và đẹp) và giá này tương đối ổn định từ trước Tết Nguyên đán đến nay.

Nói về tính hiệu quả của cây khóm, Chủ tịch UBND xã Lâm Tân Liêu Sơn Nhì cho biết: “Cây khóm bén duyên trên vùng đất phèn, trũng ở xã Lâm Tân được 8 năm rồi. Qua thời gian theo dõi, bước đầu đánh giá mô hình trồng khóm trên đất phèn, trũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chưa có trường hợp sâu bệnh nặng. Chi phí đầu tư nhẹ mà tốn ít nước, phân. Hiện nay, toàn xã có gần 10ha đất trồng khóm. Thời gian tới, nếu tập hợp đủ số hộ trồng khóm, chúng tôi sẽ mở lớp tập huấn và hỗ trợ cho người dân vay vốn, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng khóm”.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp, Sóc Trăng hiện có 19 mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả; trong đó huyện Thạnh Trị đang triển khai 6 mô hình. Từ khi phát hiện mô hình trồng khóm trên vùng đất phèn, trũng đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện Thạnh Trị đã chủ trương sẽ vừa quan sát, vừa hỗ trợ, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, vừa chủ trương nhân rộng mô hình ở những vùng phèn, mặn. Ông Trần Trang Nhã - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị cho biết: “Trước đó, người dân trên địa bàn trồng theo kiểu tự phát, lấy giống từ Tắc Cậu (Kiên Giang) về trồng. Năm 2014, ngành Nông nghiệp huyện phát hiện ra mô hình, thấy bước đầu có hiệu quả nên đầu tư về vốn và giống cho người dân trồng trên 3ha. Bước đầu thấy giá khóm ổn định, người dân đều có lãi. Dự định sẽ nhân rộng ra vùng đất phèn trên địa bàn ở hai xã Lâm Tân và Thạnh Tân”.

Tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây lâu năm thích ứng với biến đổi khí hậu đang là hướng đi hợp lý của ngành nông nghiệp trong công cuộc “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Mô hình trồng khóm trên đất phèn, trũng ở xã Lâm Tân có thể được xem là mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Mong rằng mô hình này mở ra hướng sản xuất bền vững cho người dân.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: