Khí nhà kính vẫn ở mức kỷ lục bất chấp Covid-19

25/11/2020 10:31 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân Điện tử
  • Thứ Tư, 25/11/2020 | 10:31

Theo số liệu mới của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Liên hợp quốc, việc phong tỏa, giãn cách trong Covid-19 đã làm giảm một số dạng ô nhiễm, nhưng bức tranh tổng thể vẫn còn ảm đạm một cách đáng lo ngại.

Ảnh: Unsplash.

WMO cho rằng, lượng khí thải CO2 toàn cầu sẽ giảm trong năm 2020, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến mức CO2 trong khí quyển, nó có thể nhiều hơn mức dao động bình thường hàng năm.

Theo WMO, mức CO2 đạt 410 phần triệu vào năm 2019 và con số của năm 2020 dự kiến ​​sẽ cao hơn, phủ nhận những gì chúng ta nghĩ có thể là một tin tốt lành với môi trường khi xảy ra đại dịch toàn cầu.

Mặc dù ở nhà và trú ẩn tại chỗ có nghĩa là chúng ta đã phả ít carbon dioxide hơn vào bầu khí quyển, nhưng việc giảm lượng khí thải năm nay không có nhiều tác động lâu dài.

Tổng thư ký WMO, Giáo sư Petteri Taalas cho biết: “Carbon dioxide tồn tại trong khí quyển hàng thế kỷ và trong đại dương thậm chí lâu hơn. Lần cuối cùng Trái đất có nồng độ CO2 tương đương là cách đây 3-5 triệu năm, khi nhiệt độ ấm hơn 2-3 °C và mực nước biển là 10-20 m, cao hơn bây giờ. Nhưng trái đất lúc đó không có 7,7 tỷ dân".

Như các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều thập kỷ, nhiều CO2 trong khí quyển đồng nghĩa với nhiệt độ tăng lên, băng tan, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn, và các đại dương bị axit hóa và gây hại với sinh vật biển.

Kể từ năm 1990, WMO cho biết khí nhà kính trong không khí đã gây ra sự gia tăng 45% tổng lực bức xạ - thuật ngữ chỉ tổng thể hiệu ứng ấm lên đối với khí hậu. Và CO2 chiếm 4/5 hiệu ứng này.

Các nghiên cứu khác đồng ý với kết luận nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt là do nhiều yếu tố không liên quan đến quá trình phong tỏa do Covid-19, như lớp băng vĩnh cửu tan chảy, giải phóng CO2 và mêtan bị mắc kẹt lâu ngày vào không khí.

Giáo sư Taalas cho biết: “Chúng ta đã vượt ngưỡng toàn cầu là 400 phần triệu lượng CO2 vào năm 2015. Và chỉ bốn năm sau, chúng ta đã vượt qua 410 ppm. Tốc độ gia tăng như vậy chưa từng thấy trong lịch sử ghi chép của chúng tôi".

WMO ước tính, năm 2020, việc giãn cách, đóng cửa nơi làm việc khiến lượng khí thải CO2 đã giảm tới 17% vào một số thời điểm trong năm và có thể giảm 4,2-7,5% của cả năm.

Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ là chiếc phanh tạm thời khi mức CO2 trong khí quyển tăng lên. Lượng CO2 trong khí quyển có khả năng tăng trở lại, mặc dù không nhiều như những năm trước. Theo số liệu, mức tăng từ năm 2018 đến năm 2019 là 2,6 ppm và từ năm 2019 đến năm 2020 có thể thấp hơn khoảng 0,08-0,23 ppm.

Giáo sư Taalas cho rằng, nếu có chút hy vọng nào đó từ đại dịch Covid-19, thì có thể sử dụng nó làm nền tảng để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nghiêm trọng. Theo ông, phải có một sự "chuyển đổi hoàn toàn" các hệ thống công nghiệp, năng lượng và giao thông mới có hiệu quả khi nó liên quan đến việc hạ thấp CO2 trong khí quyển.

"Đại dịch Covid-19 không phải là một giải pháp giảm sự biến đổi khí hậu. Việc giảm lượng khí thải liên quan đến phong tỏa trong đại dịch chỉ là một đốm sáng nhỏ trên đồ thị dài hạn. Chúng ta cần một chiến dịch “làm phẳng” bền vững của đường cong khí hậu", Giáo sư Taalas nói.

HỒNG LÊ (Theo Sciencealert)/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: