Một số giải pháp phát triển khoa học công nghệ

21/02/2017 20:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Thúy Liễu
  • Thứ Ba, 21/02/2017 | 20:07

STO - Bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất trong thời gian qua, đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh. Chính nhờ ứng dụng KHCN mà người dân đã hạn chế phần nào sức lao động, sản phẩm sau thu hoạch luôn đạt chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho hộ dân...

Tại buổi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể với ngành KHCN, ngoài ý kiến của lãnh đạo tỉnh, một số sở, ngành và các nhà khoa học đã có những đóng góp về các giải pháp giúp ngành KHCN có nhiều hơn các đề án, đề tài ứng dụng vào thực tế trong tương lai.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Ngọc Vân, ngành KHCN hiện có vai trò rất quan trọng, thông qua các hoạt động của lĩnh vực KHCN đã tạo điều kiện và đóng góp những giải pháp nâng cao giá trị kinh tế về sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, từ việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu vào sản xuất về giống lúa chất lượng cao, thử nghiệm các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn, các quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, muối, artemia cho đến các giải pháp về phòng ngừa sâu hại trên cây ăn trái, thử nghiệm các mô hình sản xuất công nghệ cao, thử nghiệm mô hình sản xuất an toàn, chứng nhận GAP trên lúa, hành tím…

Việc áp dụng kỹ thuật trồng màu trong nhà lưới, góp phần tăng năng suất các loại rau màu trên cùng một diện tích.

Từ những đóng góp trên của ngành KHCN cho nền nông nghiệp, đồng chí Huỳnh Ngọc Vân mong rằng: “Tới đây, ngành KHCN tiếp tục tập trung vào các vấn đề trọng tâm nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời gắn với thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm để hướng tới xây dựng thương hiệu và vùng nguyên liệu hàng hóa phục vụ thị trường”. Từ đó, ngành nông nghiệp cần được sự hỗ trợ từ ngành KHCN, như thực hiện các đề án: Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2016 - 2020 (bảo hộ nhãn hiệu, chứng nhận GAP, nghiên cứu giống...); Phát triển sản xuất theo quy trình GAP cho các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu giai đoạn 2015 - 2020 (đầu tư các mô hình thử nghiệm, cung cấp các chế phẩm sinh học); Nâng cao sức cạnh tranh nông sản đến năm 2020; Những nghiên cứu để nâng cao hiệu quả ngư dân đánh bắt xa bờ; Dự án chăn nuôi bò sữa (cung cấp các men sinh học trong thức ăn, xử lý môi trường); Dự án phát triển đàn bò thịt; Dự án nghiên cứu về chuỗi giá trị.

Với những mong muốn trên, đồng chí Huỳnh Ngọc Vân cũng đưa ra các đề xuất, trọng tâm, gồm: nghiên cứu các công nghệ được tạo ra trong tỉnh, trong nước đã được đánh giá thích hợp, tiên tiến hơn so với công nghệ hiện đại có tại địa phương hoặc các công nghệ nhập từ nước ngoài nhưng phải chứng minh được tính thích nghi và khả năng ứng dụng phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh khi đưa vào thử nghiệm; về công tác quản lý nên thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước trong chuyển giao tiến bộ KHCN nông nghiệp, cũng như tạo mối liên kết giữa các tổ chức KHCN - doanh nghiệp - nông dân; tăng cường đầu tư hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân, nhất là đầu tư chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả công nghệ chuyển giao. Bên cạnh đó, ngành KHCN cần có kế hoạch hợp tác giữa các ngành nhằm kịp thời giới thiệu, hỗ trợ, nghiên cứu ứng dụng các thành quả nghiên cứu vào chuỗi giá trị sản phẩm. Song song đó, việc triển khai thực hiện và nhân rộng kết quả ứng dụng tiến bộ KHCN phải đáp ứng được mục tiêu của nhiệm vụ và có thể nhân rộng mô hình.

Còn theo tiến sĩ Trần Tấn Phương - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh, để ngành KHCN vươn lên tầm cao mới, nên sớm có các giải pháp, như: cần lập nên các nhóm nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu thuộc từng lĩnh vực, sau đó tập hợp thành các chuyên đề nghiên cứu của thế giới và so sánh điều kiện tại tỉnh để tìm ra các ứng dụng phù hợp áp dụng vào sản xuất trong tỉnh. Song song đó, cần tiếp cận với nguồn vốn từ quỹ quốc tế để có nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu; cần đào tạo các cán bộ chuyên nghiên cứu từng lĩnh vực cụ thể.

Tiến sĩ Trần Tấn Phương cho rằng cần có giải pháp trong việc đào tạo cán bộ làm khoa học theo lĩnh vực chuyên sâu.

Lợi thế của Sóc Trăng là nông nghiệp và thủy sản, thành công của KHCN nhiều năm nay đã tạo ra sản phẩm ủ phân và phát triển thêm sản phẩm cho thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nước phục vụ nuôi tôm có giá thành thấp so với các sản phẩm nước ngoài cùng loại. Bên cạnh đó, Sóc Trăng có nhiều lợi thế về việc dùng phân bò để sản xuất phân bón sạch, vì vậy cần nguồn kinh phí nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu không chỉ đối với phân bón mà còn đối với cây ăn trái, cây mía trong việc thực hiện giải pháp phòng ngừa bệnh trên cây ăn trái, tạo ra các loại giống cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu... Có kinh phí nhiều thì mọi hoạt động nghiên cứu sẽ thuận lợi hơn; mặt khác, đề tài ứng dụng thiết thực vào thực tế sẽ nhanh và nhiều hơn. Đó là những giải pháp mà tiến sĩ Hồ Văn Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể nhận định: “Sóc Trăng là tỉnh có điều kiện tự nhiên về đa dạng dành cho các lĩnh vực nghiên cứu. Do đó, hàng loạt đề tài nghiên cứu cần hướng đến mục tiêu cụ thể cho từng đề án, đề tài thuộc các chuyên ngành để giúp Sóc Trăng trở thành một tỉnh dẫn đầu trong việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất. Hướng đến hình thành nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp phát triển cao”. Với những nhận định trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, nếu Sóc Trăng không đi theo con đường trên vẫn sẽ là một tỉnh nghèo. Vì thế, đội ngũ các nhà khoa học rất quan trọng trong việc nghiên cứu tìm ra các đề án ứng dụng vào thực tế sản xuất, góp phần đưa năng suất, chất lượng sản phẩm mang tính đột phá hơn. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thể chỉ đạo: “Tới đây, ngành KHCN cần nghiên cứu việc bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, tạo ra các giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng phải đảm bảo môi trường”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: