Nghiên cứu khoa học thúc đẩy liên kết phát triển mô hình nông nghiệp

19/11/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/11/2020 | 13:30

STO - Sóc Trăng có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, vì vậy việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) vào sản xuất nông nghiệp được các sở, ban ngành quan tâm thực hiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cây trồng, vật nuôi; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững...

Áp dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp giúp cây trồng tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: THÚY LIỄU 

Ứng dụng tiến bộ KH-CN phát triển mô hình nông nghiệp

Thời gian qua, hoạt động ứng dụng KH-CN của tỉnh đạt những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các đề tài, dự án nghiên cứu đã cơ bản gắn với nhiệm vụ chính trị và thực tiễn của địa phương; có sự quan tâm nhiều đến việc khai thác kinh tế số, ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch tại tỉnh nhà.

Với lợi thế là tỉnh có nguồn tài nguyên thiên nhiên về các vườn cây ăn trái, bãi cát, bãi bồi, hệ thực vật rừng ngập mặn ven biển phù hợp phát triển du lịch sinh thái miệt vườn và du lịch đường sông, đường biển… nên Sóc Trăng có các điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở các cù lao trên sông, vườn cây ăn trái, vườn chim Gia Hòa (Mỹ Xuyên), vườn cò Tân Long (TX. Ngã Năm). Qua đó, để tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên sẵn có tại các địa phương, tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN xây dựng vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và sinh thái đất ngập nước tại các huyện Cù Lao Dung và Kế Sách”, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn du lịch miệt vườn cũng như xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, kết nối các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh. Thông qua dự án trên, hộ dân có thể khởi nghiệp sáng tạo trên chính mảnh vườn của mình, góp phần tăng năng suất vườn cây ăn trái và phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống tưới cây tự động và chiếu sáng công cộng dựa trên nền tảng Internet Vạn vật (IoT) kết hợp sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ phát triển mô hình xã nông thôn mới thông minh tại huyện Cù Lao Dung”.

Ngoài các dự án nêu trên, tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng các nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, các quy trình sản xuất tiên tiến vào các mô hình sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của các loại rau màu, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, toàn tỉnh có 115 nhà lưới, nhà màng trồng rau diện tích 6ha và diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP trên 35ha. Qua đó, việc duy trì, phát triển các mô hình sản xuất rau màu an toàn trong nhà lưới, cùng với việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến cũng là một trong các điểm tham quan, phục vụ khách du lịch. Theo đó, có một số mô hình sản xuất rau màu, ứng dụng công nghệ cao đẹp mắt, hiệu quả về kinh tế như: sản xuất dưa lưới trong nhà màng kết hợp với tưới nhỏ giọt tại huyện Châu Thành, Thạnh Trị và Trung tâm Ứng dụng KH-CN tỉnh; trồng hẹ tưới nước tiết kiệm (Mỹ Xuyên), trồng ớt phủ bạt trong nhà lưới (Long Phú).

Nghiên cứu phát triển sản phẩm từ nông sản

Để phát huy lợi thế các sản phẩm chủ lực từng địa phương, cũng như nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững và gắn với phát triển du lịch, tỉnh rất quan tâm đầu tư cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH-CN vào sản xuất và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đến người dân; hỗ trợ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đầu tư máy móc trang thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Chẳng hạn đối với một số cơ sở sản xuất bánh pía, lạp xưởng, tỉnh hỗ trợ máy móc để thay thế dần một số công đoạn thực hiện thủ công, giúp cơ sở giảm nhân công, tăng lợi nhuận. Qua đó, phần lớn các cơ sở sản xuất bánh pía, lạp xưởng được Sở KH-CN hướng dẫn và đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Đối với lúa, gạo đặc sản, tỉnh quan tâm đầu tư thực hiện nhiều công trình nghiên cứu, lai tạo và chọn lọc giống lúa để tạo ra các giống lúa có năng suất, chất lượng cao và nhãn hiệu gạo thơm Sóc Trăng (gạo ST) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ vào năm 2011.

Cây hành tím Vĩnh Châu là sản phẩm đặc thù của tỉnh nên tỉnh đã xây dựng mô hình sản xuất hành tím an toàn theo hướng hữu cơ, sản xuất hành tím đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và nghiên cứu được quy trình chế biến 7 sản phẩm từ củ hành tím Vĩnh Châu. Theo đó, hành tím Vĩnh Châu được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (2009) và giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh. Riêng cây ăn trái, tỉnh đã xây dựng quy trình chế biến 5 sản phẩm từ mãng cầu gai - hứa hẹn là sản phẩm nông nghiệp mang màu sắc riêng có thể thu hút khách du lịch khi đến Sóc Trăng…

Từ những kết quả nêu trên cho thấy, để góp phần thúc đẩy nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập thì cần ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: