Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ - "Đòn bẩy" để Sóc Trăng phát triển

11/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 11/10/2017 | 06:00

STO - Những năm qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) được đẩy mạnh, bám sát vào định hướng phát triển chung của tỉnh, phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện theo hướng nâng cao tính ứng dụng, hiệu quả. Điểm nổi bật trong hoạt động KH-CN ở Sóc Trăng thời gian qua là đã chú trọng vào việc ứng dụng tiến bộ KH-CN, đăng ký bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Trao đổi với Phóng viên Báo Sóc Trăng, đồng chí Vũ Thị Hiếu Đông - Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH-CN thời gian qua đã thực hiện nhiều đề tài, dự án được đưa vào ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất; một số kết quả điển hình trong lĩnh vực nông nghiệp, như: sưu tập, thanh lọc, lai tạo đã tạo ra 24 dòng/giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao và chọn tạo được 6 dòng lúa kháng rầy nâu, xây dựng mô hình ứng dụng KH-CN sản xuất và tiêu thụ lúa đặc sản cao cấp ST19 và ST20, tạo lập và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Tài nguyên Thạnh Trị”; ứng dụng công nghệ điện tử, thông tin để quản lý một số chỉ số môi trường trong ao nuôi tôm nước lợ; xây dựng và áp dụng quy trình nuôi artemia thâm canh và mô hình chế biến trứng bào xác artemia…

Phóng viên: Những kết quả trên đã tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Vũ Thị Hiếu Đông: Hoạt động KH-CN là một trong các nhân tố đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phần lớn các kết quả nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm ở địa phương; đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phục vụ đắc lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa nghèo bền vững. Nhìn chung, kết quả của hoạt động nghiên cứu KH-CN thời gian qua đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho việc đề ra chủ trương, quyết định của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là quy hoạch và lựa chọn các phương án đầu tư để phát triển kinh tế tỉnh nhà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học giúp trình độ và năng lực của các cán bộ khoa học địa phương được nâng lên, tạo điều kiện tốt hơn cho việc phổ biến và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân ngày càng đạt hiệu quả.

Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã sưu tập, thanh lọc, lai tạo, tạo ra 24 dòng/giống lúa ST có năng suất, chất lượng cao.

Phóng viên: Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có nhiều địa phương thuộc vùng sâu, vậy việc triển khai các hoạt động KH-CN chắc hẳn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại?

Đồng chí Vũ Thị Hiếu Đông: Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer, có nhiều địa phương là xã đảo, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhằm giúp người dân vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận những kỹ thuật canh tác mới và nâng cao nhận thức về KH-CN đã xây dựng được nhiều mô hình ứng dụng KH-CN, mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, Sở KH-CN đã kịp thời chuyển tải được thông tin về KH-CN, tiến bộ khoa học và kỹ thuật, các mô hình KH-CN có hiệu quả đến người dân trong tỉnh, nông dân ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để ứng dụng vào sản xuất và đời sống thông qua các chuyên mục truyền hình về KH-CN; tờ thông tin KH-CN; trang tin điện tử của Sở KH-CN và trang tin điện tử của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN. Tuy nhiên, một số ít đồng bào dân tộc chỉ biết tiếng dân tộc nên việc chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất, đời sống còn hạn chế và còn gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về đội ngũ những người làm KH-CN và những chính sách nhằm thu hút đội ngũ làm KH-CN về quê hương Sóc Trăng làm việc, lao động và cống hiến?

Đồng chí Vũ Thị Hiếu Đông: Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã rất chú trọng tới việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực KH-CN thông qua các chương trình đào tạo, ban hành các chính sách ưu đãi như Nghị quyết số 16/2014/NQ-HĐND, ngày 15-7-2014 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nhân lực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2014 - 2020. Nguồn nhân lực KH-CN của tỉnh đang từng bước được chuẩn hóa, nâng cao trình độ, tăng về số lượng. Tuy nhiên, một số ít người được đào tạo vẫn chưa phát huy hết năng lực, sở trường của mình trong công tác. Mặc dù tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Câu lạc bộ trí thức trẻ nhưng do mới hoạt động nên chưa tập hợp được nguồn nhân lực chất lượng cao cùng lĩnh vực để thực hiện những nhiệm vụ KH-CN có quy mô lớn cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực KH-CN là vấn đề khá khó khăn bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể như: môi trường, điều kiện làm việc (bao gồm cả điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động KH-CN và môi trường học thuật chuyên nghiệp); chính sách đối với nhà khoa học chưa đủ mạnh, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà khoa học về Sóc Trăng làm việc lâu dài.

Phóng viên: Trong thời gian tới, để lĩnh vực KH-CN của tỉnh phát triển mạnh hơn, theo đồng chí cần tập trung thực hiện những giải pháp nào?

Đồng chí Vũ Thị Hiếu Đông: Theo tôi thì cần phải đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông, xác định đổi mới sáng tạo là một trong những yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp làm cho làn sóng khởi nghiệp mang lại hiệu quả thực tế, chứ không chỉ là phong trào. Xây dựng các văn bản pháp quy về KH-CN nói chung và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho KH-CN. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền và các sở, ban ngành, địa phương đối với phát triển KH-CN; phải xác định phát triển KH-CN là một nhiệm vụ trọng tâm; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH-CN với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH-CN để khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển sản xuất vùng biển, ven biển. Áp dụng các quy trình, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghiên cứu đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo, hạ giá thành sản phẩm trong sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề ở nông thôn. Phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường KH-CN. Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất kinh doanh; xác định doanh nghiệp là lực lượng quan trọng trong phát triển và ứng dụng KH-CN. Quan tâm phát huy tiềm lực KH-CN, trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện tốt việc thu hút nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác KH-CN đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

Quang Bình (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: