Người dân phải am hiểu cách ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi

22/06/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 22/06/2019 | 06:00

STO - Tính đến ngày 20-6, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 60 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) tại các huyện: Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Trần Đề, Châu Thành, Kế Sách và TP. Sóc Trăng. Nếu chưa tính 2 ổ mới ở huyện Châu Thành thì tổng trọng lượng tiêu hủy bệnh dịch tả heo châu Phi ở các địa phương nêu trên lên đến 77.860kg. Trước tình hình bệnh DTHCP lây lan nhanh trên diện rộng, ngành chức năng đã tăng cường các biện pháp ngăn ngừa cũng như khuyến cáo hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp nuôi heo an toàn sinh học để bảo vệ đàn heo trước loại dịch bệnh nguy hiểm này.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề chăn nuôi heo nái sinh sản, bà Sơn Thị Kim Lan, ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (Trần Đề) đã thạo hết các thói quen của đàn heo nái và đàn heo nuôi thịt. Nhưng để có thu nhập ổn định trong chăn nuôi thì phải đảm bảo heo không mắc các loại dịch bệnh. Bà Lan tâm tình: “Hiện tại trong chuồng nuôi của gia đình có 6 con nái đang chửa và 11 heo con. Tôi luôn tiêm ngừa các loại vắc xin cần thiết cho heo đảm bảo đàn heo khỏe mạnh. Để giảm chi phí chăn nuôi, tôi tận dụng tấm cám để trộn lẫn thức ăn cho heo. Trong mấy tháng qua, nghe các phương tiện truyền thông công bố bệnh DTHCP, tôi rất lo lắng nhưng khi được tập huấn các kiến thức cơ bản về cách phòng chống, ngăn ngừa dịch bệnh tôi đã áp dụng vào chăn nuôi đúng như những gì được hướng dẫn như: thường xuyên tiêu độc khử trùng chuồng trại, không cho người lạ vào chuồng, không cho heo ăn thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt. Ngoài ra, tôi còn bổ sung một số loại, đặc biệt là vitamin C để heo ăn tăng sức đề kháng cơ thể, còn khu vực quanh chuồng heo tôi rải vôi bột và ngăn chuồng bằng các vách ngăn đảm bảo không cho các loại chim, chuột vào”.

Chị Tiết Thị Lài (Trần Đề) cho biết bản thân đã am hiểu về cách ngăn chặn phòng chống DTHCP.

Cũng là hộ nuôi heo lâu năm, ông Tô Hoàng Tuấn ở ấp Nhất, xã Châu Khánh (Long Phú) chia sẻ: “Tôi có tổng số 23 heo thịt đang nuôi trong chuồng và 4 heo nái, thường nuôi heo nái để chúng sinh sản lấy heo con nuôi bán thịt. Bình quân số lượng heo thịt xuất chuồng 60 con/năm. Do đàn heo là nguồn thu nhập chính nên nghe nói đến DTHCP tôi lo lắm. Các buổi tuyên truyền của ngành chuyên môn về biện pháp phòng chống dịch bệnh cho heo tôi đều tham gia đầy đủ. Qua tập huấn và xem trên báo, đài, tôi đã biết cách bảo vệ đàn heo trước nguy cơ DTHCP”.

Tận dụng hèm nấu rượu để nuôi heo nhằm tăng thu nhập cho gia đình, chị Tiết Thị Lài ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (Trần Đề) nuôi heo được 5 năm nay. Chị Lài bộc bạch: “Với con heo, xem như nuôi chúng chủ yếu tận dụng hèm có sẵn ở nhà trộn thêm thức ăn cho ăn nên chi phí không nhiều, nuôi heo xem như bỏ ống. Tôi biết thông tin DTHCP đã xảy ra ở một số xã trên địa bàn huyện mình sinh sống và ngay tại thị trấn Mỹ Xuyên rất gần chỗ mình. Để phòng chống dịch bệnh cho đàn heo, tôi tuân thủ nghiêm ngặt việc sát trùng chuồng nuôi, tiêm ngừa bổ sung các loại vắc xin cho heo, luôn giữ chuồng heo sạch sẽ…”.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề Trần Hoàng Dũng thông tin, đàn heo của huyện gần 27.000 con. Trong thời gian qua, địa bàn huyện đã xảy ra bệnh DTHCP tại xã Trung Bình, xã Liêu Tú và thị trấn Trần Đề. Khi có ổ dịch người dân đã báo địa phương và đơn vị phối hợp cùng các ngành chuyên môn xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới và xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...) và chi hỗ trợ kịp thời đối với các hộ chăn nuôi có heo bị dịch bệnh. Đồng thời, đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tại trạm đầu mối kiểm dịch khi heo được vận chuyển vào địa bàn huyện. Tuyên truyền để người dân không tham gia vào hoạt động buôn bán, vận chuyển heo không đúng quy định; phát thanh liên tục trên đài truyền thanh về mức độ nguy hiểm của bệnh DTHCP, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của Nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan để người dân hiểu rõ cũng như phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách từng địa bàn cụ thể thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND huyện Long Phú Kim Hen cho biết: “Huyện đang quyết liệt công tác ngăn chặn, phòng chống DTHCP trên địa bàn với mục tiêu khẩn trương phòng chống DTHCP một cách có hiệu quả. Qua đó, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục đến người chăn nuôi và cộng đồng mức độ nguy hiểm của bệnh DTHCP, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của Nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy; kiểm tra giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh động vật; giám sát nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ nuôi và cơ sở giết mổ tiêu độc khử trùng; củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật; chủ động nhân lực nhằm hỗ trợ người dân khi phát hiện có bệnh DTHCP cũng như quanh vùng ổ dịch, tiêu hủy heo nhằm tránh lây lan mầm bệnh…”.

Thúy Liễu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: