Nhật ký điện tử - Công nghệ cho hội nhập

31/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 31/08/2020 | 06:00

STO - Với những tiện ích từ công nghệ mang lại, nhật ký điện tử sẽ giúp người nuôi tôm quy mô nhỏ có điều kiện nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.

Trung tuần tháng 8 vừa qua, người viết có dịp tham dự “Lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký điện tử nuôi tôm -  Farmext” do Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) kết hợp cùng Công ty TNHH Tép Bạc tại tỉnh Bạc Liêu. Có thể nói, đây là một giải pháp công nghệ mới giúp người nuôi tôm quy mô nhỏ đáp ứng được một trong những yêu cầu khắt khe của thị trường hiện nay là truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Theo ông Nguyễn Thế Diễn – cán bộ ICAFIS, việc thử nghiệm nhật ký điện tử nhằm nâng cao năng lực áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiếp cận thị trường cho người nuôi tôm quy mô nhỏ trong vùng Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam Á – Graisea 2” thuộc 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Qua đó góp phần tăng cơ hội tiếp cận thị trường trong quá trình hội nhập EVFTA, CPTPP… Thời gian thử nghiệm là 1 năm (từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2021) và hoàn toàn miễn phí.

Đại diện các HTX trao đổi về tiện ích của nhật ký điện tử.

Nói về lợi ích của việc ghi nhật ký điện tử nuôi tôm, ông Đinh Xuân Lập – Phó Giám đốc ICAFIS cho biết: “Bên cạnh lợi ích giúp tiêu thụ tôm dễ dàng hơn, việc ghi nhật ký nuôi tôm còn giúp người nuôi hạch toán chi phí, đánh giá hiệu quả từng ao, từng vụ nuôi một cách chính xác, qua đó có thể điều chỉnh, bổ sung kịp thời, hiệu quả các yếu tố liên quan đến nghề nuôi. Ngoài ra, nhật ký điện tử còn là căn cứ để chứng minh nguồn gốc, chất lượng tôm nuôi khi cần truy xuất nguồn gốc, cũng như giúp quản lý trại nuôi, ao nuôi từ xa… từ đó góp phần thực hiện tốt Luật Thủy sản năm 2017”.

Cùng với nhu cầu tiêu thụ ngày một tăng, các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm thủy sản tại các nước cũng ngày một khắt khe hơn, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm nuôi theo quy định của các nước nhập khẩu. Hay nói cách khác, vấn đề truy xuất nguồn gốc tôm nuôi hiện đang là một trong những thách thức không nhỏ đối với ngành tôm nói chung và hộ nuôi tôm quy mô nhỏ nói riêng, bởi hầu hết những hộ nuôi tôm bán thâm canh và quảng canh gần như không ghi nhật ký nuôi tôm. Nguyên nhân chủ yếu là do thói quen lâu nay họ chỉ biết sản xuất, nên trước yêu cầu phải ghi chép nhật ký nuôi tôm như hiện nay, họ cảm thấy khó khăn, bất tiện khi phải ghi chép công việc hàng ngày dẫn đến thiếu quan tâm, hoặc chỉ làm mang tính đối phó.

Lễ ký kết và thử nghiệm nhật ký điện tử nuôi tôm. 

Giới thiệu thêm về Farmext, ông Trần Duy Phong – Giám đốc Công ty TNHH Tép Bạc cho biết, phần mềm ứng dụng quản lý trại nuôi thủy sản Farmext được tích hợp nhiều tiện ích phục vụ cho việc nuôi tôm, như: ghi chép nhật ký, quản lý chi phí, kho chứa, quy trình nuôi, cảnh báo dịch bệnh, rủi ro chất lượng nước thông qua kết nối thiết bị quan trắc tự động… từ đó, giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm nuôi được dễ dàng, tạo sự minh bạch cho sản phẩm. Với những tiện ích trên, nên dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng đã có 2.000 người sử dụng với trên 1.000 trại nuôi trên Farmext.

Dù ứng dụng còn khá mới mẻ, nhưng đại diện các HTX và trang trại nuôi tôm tham dự rất hào hứng và đánh giá cao tính hiệu quả của Farmext. Ông Tạ Hoàng Nhiệm – Giám đốc HTX Nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Đông Hải (Bạc Liêu) chia sẻ: “Tôi cũng đã ứng dụng một số công nghệ mới vào nuôi tôm, trong đó có máy đếm tôm, giúp kiểm tra tốc độ tăng trưởng tôm post sau khi ương khá hiệu quả. Với ứng dụng Farmext, tôi thấy cũng rất hay và hữu ích, nhưng theo tôi, nếu ứng dụng có thêm các thiết bị kiểm tra môi trường, sức khỏe tôm, tỷ lệ sống sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”. Một số đại diện HTX 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu cũng rất tâm đắc với ứng dụng Farmext vì có thể theo dõi cập nhật tình hình ao nuôi và tính toán được chi phí mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, theo đại diện các HTX, ứng dụng cần có thêm chức năng hỗ trợ quản trị HTX để giúp lãnh đạo HTX có thể đưa ra các quyết định hỗ trợ về mặt vật tư và tài chính giúp xã viên an tâm sản xuất.
Là một kỹ sư thủy sản và đang trực tiếp quản lý trại tôm, anh Phạm Tiến Thành rất thích tính năng hỗ trợ từ xa của chuyên gia trong ứng dụng Farmext. Anh Thành chia sẻ: “Trước giờ ngoài việc quản lý trại tôm, tôi còn hỗ trợ kỹ thuật cho bà con xung quanh. Tuy nhiên, do quá nhiều việc và cũng quá nhiều người cần hỗ trợ nên tôi không có thời gian theo dõi kết quả sau khi hỗ trợ. Với tính năng hỗ trợ từ xa của chuyên gia trong Farmext, tôi có thể theo dõi nhật ký của một ao suốt quá trình nuôi và kịp thời tư vấn cho nhiều hộ nuôi ngay trên Farmext”. Điểm thú vị là ngay cả các đại lý vật tư đầu vào cũng tìm thấy được lợi ích của nhật ký điện tử trong việc kinh doanh của mình. Một chủ đại lý hào hứng chia sẻ: “Với Farmext, tôi có thể hỗ trợ từ xa cho những hộ nuôi mà tôi đầu tư và nắm được tình hình sản xuất của họ để điều chỉnh kế hoạch hay đưa ra các quyết định kịp thời và có hiệu quả nhất”.

Farmext - ứng dụng quản lý trại nuôi thủy sản từ xa, tốt hơn việc sử dụng excel rất nhiều vì người nuôi dễ dàng theo dõi trại nuôi của mình mọi lúc mọi nơi bằng điện thoại hay máy tính và chi phí vụ nuôi cũng được tự động tính dựa trên những cập nhật hàng ngày của người nuôi.

TÍCH CHU

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: