Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả ở Thạnh Trị

24/01/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 24/01/2021 | 06:00

STO - Để tăng thu nhập cho người dân, ngoài cây lúa thì ngành Nông nghiệp huyện Thạnh Trị còn triển khai thực hiện mô hình trồng rau màu các loại trên đất lúa, mô hình chăn nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm... đem lại nguồn thu nhập tốt cho hộ dân.

Một số mô hình nổi bật...

Mô hình nuôi gà thả vườn bằng đệm lót sinh học cũng được xem là mô hình đem về lợi nhuận tốt cho nông hộ. Ảnh: THÚY LIỄU 

Đến tham quan các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tại những hộ dân trên địa bàn huyện Thạnh Trị, điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là hầu hết mô hình đều áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến trong việc sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Đặc biệt là các mô hình đều sản xuất theo quy trình VietGAP và theo hướng hữu cơ, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, để đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng.

Ghé thăm mô hình trồng dưa hấu dưới chân ruộng, tại xã Lâm Kiết (Thạnh Trị), có thể thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả khá cao nên diện tích được mở rộng không chỉ tại xã mà còn lan rộng tại các địa phương khác trên địa bàn huyện. Đây là mô hình 2 vụ lúa, 1 vụ dưa (2 lúa, 1 màu) nhằm thay thế việc canh tác lúa vụ 3, kém năng suất, chất lượng nên khi đưa cây dưa hấu xuống chân ruộng vừa giúp cải tạo đất vừa giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập hơn so với trồng lúa vụ 3 gấp vài lần.

Theo ước tính của hộ dân, dưa hấu có năng suất bình quân từ 20 - 25 tấn/ha, giá bán 3.000 - 3.500 đồng/kg, lợi nhuận thu về 25 - 30 triệu đồng/ha. Ngoài trồng dưa hấu truyền thống, nông dân còn thay thế lúa vụ 3 bằng cách trồng dưa lê với năng suất tầm 9 - 10 tấn/ha, giá bán 5.500 đồng/kg, lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/ha; đối với các loại đậu bắp, khổ qua, rau cải các loại… năng suất bình quân 25 tấn/ha, giá đậu bắp 7.000 đồng/kg, bầu, bí, dưa giá từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân từ 60 - 65 triệu đồng/ha.

Trồng màu nhà lưới được xem là mô hình sản xuất thích ứng BĐKH. Ảnh: THÚY LIỄU 

Bên cạnh cây dưa hấu, huyện Thạnh Trị còn được xem là địa phương có diện tích trồng khóm lớn, với gần 30ha tập trung tại xã Lâm Tân. Tuy thời gian từ trồng đến thu hoạch kéo dài nhưng bước đầu cho thấy tính thích nghi cao của cây khóm, trên vùng đất phèn vẫn phát triển tốt; chất lượng ngon, năng suất trung bình từ 15 - 20 tấn/ha/năm; trừ chi phí hộ dân có lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha. Với nguồn thu nhập trên, nông dân có thu nhập tốt hơn so với canh tác lúa vụ ba. Ngoài ra, mô hình trồng màu trong nhà lưới cũng là một trong những mô hình được huyện triển khai hơn 5 năm qua, bởi nhận thấy biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, một số vùng trồng màu chuyên canh của người dân bị ảnh hưởng nên huyện đã thực hiện mô hình trồng màu trong nhà lưới. Với mô hình này, ngoài việc hộ dân sản xuất rau được liên tục, quanh năm, cây rau màu còn phát triển tốt, cho năng suất cao, ít tốn chi phí đầu tư chăm sóc, rút ngắn về thời gian sinh trưởng từ 3 - 5 ngày so với trồng bên ngoài vào mùa khô, đặc biệt cây màu sau thu hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa bão, hạn hán, lũ lụt... mà còn ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với BĐKH, trong thời gian qua huyện đã chuyển đổi cơ cấu giống lúa cùng với đó là áp dụng mô hình luân canh cây trồng trên nền đất lúa để thay thế vụ sản xuất lúa trong điều kiện khô hạn và thiếu nguồn nước ngọt để tưới. Đối tượng cây trồng được lựa chọn thuộc nhóm rau màu, như: dưa hấu, bí đỏ, khổ qua, dưa leo, đậu bắp… Đây là những loại cây có tiềm năng hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với sự BĐKH. Tính đến nay, toàn huyện có gần 1.000ha đất lúa được chuyển đổi trong vụ Xuân - Hè. Kết quả sản xuất hàng năm cho thấy lợi nhuận từ cây màu trên nền đất lúa có lợi nhuận 40 - 60 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với cây lúa chỉ đạt 18 - 25 triệu đồng/ha/vụ.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Trị Trần Trang Nhã chia sẻ: “Một số mô hình nêu trên đều là những mô hình có nhiều tiềm năng và khả năng mở rộng quy mô ở một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Do đó, tới đây đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về canh tác lúa, trồng rau, màu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hộ dân; tổ chức các cuộc hội thảo giới thiệu nhân rộng mô hình nhằm cung cấp thông tin, giới thiệu mô hình hiệu quả trong sản xuất để bà con trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, nhân rộng, duy trì và triển khai mô hình mới, như: mô hình nhà lưới trồng rau màu an toàn theo hướng công nghệ cao tập trung tạo chuỗi giá trị sản xuất liên kết bền vững; mô hình nuôi ếch Thái thương phẩm trong vèo; mô hình trồng xoài Đài Loan; mô hình nuôi cá rô phi đơn tính gắn với liên kết tiêu thụ...”.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: