Nhờ sinh vật nhỏ, nuôi tôm lãi to

11/11/2017 10:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 11/11/2017 | 10:00

STO - Bằng việc tự sản xuất chế phẩm vi sinh và xây dựng quy trình nuôi tôm cho riêng mình, từ đầu vụ nuôi năm 2017 đến nay, ông Võ Thanh Vân ở thị trấn Long Phú (Long Phú) đã liên tục thành công, với tổng sản lượng thu hoạch 82,2 tấn cùng mức lợi nhuận trên 5 tỉ đồng.

Ao tôm sử dụng vi sinh của ông Võ Thanh Vân ở thị trấn Long Phú (Long Phú) luôn có màu nước rất đẹp. 

Lớn nhanh, ít bệnh, hiệu quả cao

2 khu nuôi của ông Vân tổng cộng 10ha, được thiết kế thành 14 ao (mỗi ao khoảng 5.000m2) và tất cả đều là ao đất. “Cũng với số ao này, nhưng năm nay nhờ sử dụng chế phẩm vi sinh tự chế, nên tất cả đều trúng mùa, với kết quả thu hoạch được 82,2 tấn tôm (cỡ 50 con/kg), lời được trên 5 tỉ đồng. Hiện tôi mới thả lại 12 ao cũng bằng chế phẩm vi sinh do mình tự chế và tất cả đều đang phát triển rất tốt”. Ông Vân mở đầu câu chuyện sử dụng chế phẩm vi sinh trong nuôi tôm bằng những con số hết sức ấn tượng.

Cách sử dụng chế phẩm vi sinh (tính cho 1.000m2) được ông Vân tóm tắt như sau: khi cải tạo ao sử dụng 10kg chế phẩm vi sinh; trước khi thả giống 4 ngày tiếp tục sử dụng 5kg để gây màu nước, tạo tảo, phù du sinh vật làm thức ăn cho tôm post. Trong tháng đầu tiên, cách 5 ngày bổ sung chế phẩm vi sinh 1 lần từ 2 - 3kg (tùy theo chất lượng nước), từ tháng thứ 2 trở đi cho đến lúc thu hoạch cũng cách 5 ngày bổ sung 1 lần nhưng liều lượng sử dụng từ 4  - 6kg. Ông Vân hướng dẫn thêm: “Chế phẩm này có thể đưa xuống ao bằng cách tạt khô hoặc hòa với nước để tạt đều cho kết quả như nhau và tính chung trong cả vụ nuôi, lượng chế phẩm sử dụng vào khoảng 120kg/1.000m2 trở lại”.

Theo hạch toán của ông Vân, giá thành sản xuất mỗi ký chế phẩm chỉ vào khoảng 7.000 đồng, nên tới đây, nếu có thương mại hóa thì giá bán cũng chỉ ở mức 10.000 đồng/kg trở lại. Như vậy, nếu sử dụng chế phẩm này, 1.000m2 ao nuôi, người nuôi chỉ tốn 1,2 triệu đồng, trong khi nếu sử dụng vi sinh từ các công ty khác trên thị trường phải tốn 4 - 5 triệu đồng. Ông Vân chia sẻ: “Qua sử dụng, ngoài việc môi trường tốt, tôm phát triển nhanh, tôi còn nhận thấy tôm rất ít bị một loại bệnh thường xuất hiện trong ao nuôi có độ mặn thấp là bệnh đốm đen. Đầu năm đến nay, tôi sản xuất thử được khoảng 20 tấn, trong đó sử dụng cho ao nuôi gia đình 10 tấn, còn lại 10 tấn cho không 10 hộ nuôi khác xài thử nghiệm để đánh giá kết quả”.

Ông Vân nâng niu sản phẩm tôm an toàn nhờ chế phẩm vi sinh của mình sản xuất.

Cơ duyên và triển vọng thương mại

Cơ duyên đến với việc sản xuất và sử dụng chế phẩm vi sinh trong vụ nuôi tôm nước lợ năm 2017 của ông Vân được bắt đầu từ câu chuyện với “vua tôm” Bạc Liêu Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) vào giữa năm 2016. Ông Vân kể: “Khi nghe ông Sáu Ngoãn kể về hiệu quả của việc sử dụng vi sinh từ bùn bã mía, tôi đã sớm nhìn thấy triển vọng từ việc sản xuất vi sinh từ loại nguyên liệu này để phục vụ cho các ao nuôi của mình và cung ứng cho hộ nuôi trong tỉnh. Tuy nhiên, phải đến khi gặp được tiến sĩ Vũ Anh Tuấn - Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu thủy sản Minh Hải (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II) nói về cách nuôi dưỡng cũng như sử dụng chế phẩm này và đặc biệt là được nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Anh Huy nhận lời trợ giúp tôi mới dám bắt tay vào thực hiện”.

Theo ông Vân, quá trình thực hiện diễn ra khá thuận lợi nhờ nguyên liệu bùn bã mía từ Nhà máy đường Sóc Trăng rất dồi dào, cộng thêm kiến thức chuyên ngành của nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Anh Huy và tiềm lực kinh tế của gia đình. Tuy nhiên, cũng phải mất hơn 6 tháng mới có được sản phẩm đầu tiên để đưa vào thực tế sản xuất, bởi chỉ riêng việc xử lý bùn bã mía cho hoai mục bằng nấm tricoderma mất khoảng 30 ngày, sau đó tiếp tục phơi mát 20 ngày, rồi đưa vào máy nghiền mịn (2mm), sàng phân loại… tất cả mất hơn 2 tháng.

Song song quá trình xử lý nguyên liệu bùn bã mía, ông Vân lên TP. Hồ Chí Minh tìm đến Công ty Cổ phần Quốc tế sinh học Nani để chọn mua 13 loại vi sinh đơn về nuôi riêng từng con đến khi mật số đạt yêu cầu thì đem phối trộn vào bùn bã mía đã được trộn với bột xương, cám (đã nấu chín) và một số khoáng vi lượng. Các kết quả kiểm nghiệm độc lập tại các đơn vị có uy tín ở Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh đều cho thấy, tổng mật số vi sinh trong chế phẩm hơn 5 tỉ con/kg sản phẩm (5 tỉ CFU/kg). 

Lý giải về sự đa dạng chủng loại vi sinh trong chế phẩm của mình, ông Vân cho biết: “Trong nước và bùn đáy ao có rất nhiều loại gây hại cho tôm, như: H2S, SO2, NH3, NO2, NO3, các vi sinh vật gây bệnh và một số loại tảo độc phát sinh từ thức ăn dư thừa, phân tôm, vỏ tôm… Vì vậy, nguồn vi sinh cần phải đa dạng để chúng vừa có thể xử lý được tất cả những độc tố, đối kháng và ức chế sự phát triển của vi sinh vật có hại, hay tảo độc vừa tạo nguồn thức ăn cho vi sinh vật có lợi, sinh trưởng và phát triển tốt tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, nhất là giai đoạn post. Ngoài ra, chúng còn tạo ra hệ Bicacbonat (khoảng 20%) giúp duy trì và ổn định độ kiềm, pH, tạo môi trường tốt và ổn định cho tôm cá phát triển”.

Với kết quả phân tích mẫu chế phẩm và hiệu quả ứng dụng vào thực tế, ông Vân cho biết, ngoài việc tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro dịch bệnh, quy trình này còn tạo ra sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Vì vậy, hiện ông Vân đang hoàn tất hồ sơ gởi về Tổng cục Thủy sản xin phép lưu hành sản phẩm này để phục vụ cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2018.

Hoàng Nhã

Chế phẩm vi sinh do ông Vân sản xuất gồm các chủng vi sinh vật có ích trong nuôi trồng thủy sản, như: Bacillus subtilic, Bacillus megaterium, Lactobacillus acidophilus, Sacharomyses cerevisea, Nitrosomonas spp, Nitrobacter ssp, Rhodocus sp, Thiobacillus spp, Rhodopseudomonas sp, parecocus denitrificans, Bukkoderia ssp, Pseudomonas sp, Tricoderma ssp...

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: