Những khoảnh khắc ấn tượng của ngành công nghiệp vũ trụ năm 2019

08/01/2020 10:28 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân Điện tử
  • Thứ Tư, 08/01/2020 | 10:28

Năm 2019, là năm có nhiều sự kiện trong ngành công nghiệp vũ trụ, chứng kiến những đột phá lớn trong lĩnh khoa học, những góc nhìn mới về Trái đất, nhiều chỉ số cho thấy ngành công nghiệp vũ trụ đang phát triển và tăng trưởng bền vững. Đầu tư vào lĩnh vực này đang tăng trưởng theo cấp số nhân và dự đoán ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu sẽ tăng lên 1 nghìn tỷ USD trong hai thập kỷ tới.

NASA muốn các phi hành gia quay trở lại mặt trăng vào năm 2024.

SpaceX đã mở đường cho một cuộc cách mạng trong doanh nghiệp tư nhân. Công nghệ tên lửa có thể tái sử dụng khiến việc tiếp cận với không gian trở nên dễ dàng hơn, từ tên lửa giá rẻ đến mạng lưới thông tin liên lạc vệ tinh, thúc đẩy một thị trường cạnh tranh trên toàn cầu.

Dưới đây là một số sự kiện quan trọng nhất trong năm 2019:

NASA lên kế hoạch trở lại mặt trăng với các đối tác thương mại

NASA sẽ đưa các phi hành gia người Mỹ trở lại bề mặt mặt trăng trong vòng năm năm tới. Chương trình được đặt tên là Artemis với nhiệm vụ đưa người phụ nữ đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.

Jim Bridenstine, người đứng đầu NASA cho biết, dự kiến lần hạ cánh lên mặt trăng tiếp theo là vào năm 2028. Và NASA đã lên kế hoạch để đạt được mục tiêu đó bằng cách ủy thác công việc cho các đối tác trong khu vực tư nhân.

NASA đã hợp tác với hãng Boeing để chế tạo một tên lửa khổng lồ có khả năng thực hiện chuyến đi này. SpaceX hiện đang cạnh tranh thực hiện các hợp đồng với nhiệm vụ khác nhau, trong đó có vận chuyển hàng hóa lên mặt trăng.

SpaceX thử nghiệm nguyên mẫu tên lửa đầu tiên Starship

Tên lửa giá rẻ của SpaceX và sứ mệnh du lịch sao Hỏa.

SpaceX, liên doanh ngành tên lửa của tỷ phú Elon Musk, kinh doanh bằng cách phóng tàu vũ trụ lên quỹ đạo cho chính phủ và khách hàng thương mại. Nhưng mục tiêu cuối cùng của công ty là thiết lập một khu định cư của con người trên Sao Hỏa.

Sau nhiều năm lên kế hoạch và thiết kế tàu vũ trụ liên hành tinh có thể tái sử dụng được gọi là Starship, SpaceX cuối cùng đã chế tạo và thử nghiệm thành công nguyên mẫu đầu tiên vào năm 2019.

Phi hành đoàn Dragon của SpaceX: Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên

Một tên lửa và tàu vũ trụ có khả năng vận chuyển hàng hóa sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2022.

SpaceX và Boeing đã dành một thập kỷ để chế tạo hai tàu vũ trụ có khả năng đưa các phi hành gia đến và đi từ Trạm vũ trụ quốc tế cho chương trình “Phi hành đoàn thương mại” trị giá 8 tỷ USD của NASA.

Tại nhiều thời điểm khác nhau trong năm 2019, cả phi hành đoàn Dragon của SpaceX và Starliner của Boeing đã thực hiện một số thử nghiệm lớn trước khi họ có thể khởi động các nhiệm vụ với phi hành đoàn đầu tiên. Tuy nhiên, họ đã gặp phải những thất bại lớn.

Vào tháng 3-2019, Dragon của SpaceX đã thử nghiệm chuyến bay đầu tiên, nó được phóng lên quỹ đạo mà không cần phi hành đoàn trên tàu, cập bến tự động với các trạm vũ trụ và trở về nhà an toàn.

Chuyến bay thử nghiệm tàu Starliner của Boeing

Tàu vũ trụ Starliner của Boeing hạ cánh an toàn sau chuyến bay thử nghiệm.

Chuyến bay thử nghiệm với tàu Starliner của Boeing vào tháng 11-2019. Chuyến bay thử nghiệm đã thành công mặc dù chỉ có hai trong số ba chiếc dù được triển khai trong cuộc diễn tập về hệ thống cảnh báo khẩn cấp của tàu Starliner.

Boeing tiếp tục thử nghiệm nhiệm vụ vào tháng 12-2019 và có thể Starliner sẽ được phóng vào quỹ đạo vào đầu năm 2020 nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Thành công của Starliner được coi là quan trọng để chứng minh rằng những nỗ lực của doanh nghiệp tư nhân có thể được tin cậy.

Trong quá khứ, cơ quan vũ trụ thường kiểm soát thiết kế và phát triển tàu vũ trụ mới. Nhưng với sự thành công của chương trình “Phi hành đoàn thương mại”, Boeing và SpaceX sẽ sở hữu và vận hành phương tiện của họ, trong khi NASA sẽ đóng vai trò là khách hàng.

Internet vệ tinh giá rẻ Starlink

SpaceX phóng 60 vệ tinh Starlink phủ sóng Internet lên quỹ đạo.

SpaceX đã đạt được những bước tiến lớn trong năm nay bằng việc phóng 60 vệ tinh phủ sóng internet lên quỹ đạo trong lần phóng vệ tinh Starlink chuyên dụng đầu tiên vào tháng 5-2019, một bước tiến mới trong tham vọng phủ sóng internet tốc độ cao nhưng giá rẻ trên toàn cầu.

Công ty hy vọng sẽ triển khai dịch vụ internet Starlink ở Mỹ ngay trong năm 2020. Nó có thể mở rộng sang các thị trường khác và phát triển lên hơn 40.000 vệ tinh.

Thành công của công ty du lịch vũ trụ

Virgin Galactic, là công ty liên doanh du lịch vũ trụ giao dịch công khai đầu tiên trên thế giới.

Vào ngày 28-10, Virgin Galactic đã trở thành công ty du lịch vũ trụ đầu tiên trên thế giới ra mắt thị trường chứng khoán và giao dịch công khai qua thị trường này.

Đó cũng là một bước đi mang tính biểu tượng cho ngành công nghiệp “không gian mới”, trong đó các công ty khởi nghiệp đang thúc đẩy sự phát triển công nghệ sau nhiều thập kỷ thống trị bởi các cơ quan vũ trụ và các nhà thầu của chính phủ.

Sau nhiều lần trì hoãn và thất bại, Virgin Galactic đã trình diễn thành công chuyến bay thử nghiệm thứ hai vào vũ trụ vào tháng 2-2019. Và dự kiến các chuyến bay thương mại sẽ bắt đầu khai thác vào năm 2020.

Phá kỷ lục trong đầu tư

Các công nghệ vũ trụ mới có thể định hình lại nền kinh tế toàn cầu ở mức độ chưa từng thấy kể từ khi có internet.

Hãng đầu tư Space Angels cho biết, với 5 tỷ USD đầu tư vào các công ty vũ trụ trong chín tháng đầu năm, 2019 là năm phá vỡ các kỷ lục.

SpaceX vẫn là con cưng của ngành công nghiệp tên lửa, bằng chứng là công ty đã huy động được hơn 1 tỷ USD trong vòng sáu tháng.

Một số công ty liên doanh khác cũng đang phát triển nhanh chóng, bao gồm Blue Origin, đang cạnh tranh với các tên lửa Falcon của SpaceX cho các hợp đồng quân sự.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý rằng ngành công nghiệp tên lửa chỉ chiếm một phần nhỏ trong nền kinh tế vũ trụ. Các doanh nghiệp vệ tinh, các hệ thống và phần mềm mặt đất hỗ trợ cho việc phóng vệ tinh hay tên lửa mới là ngành chiếm nhiều lợi nhuận nhất.

SpaceX và OneWeb, đã huy động được 1,25 tỷ USD trong năm 2019, với các kế hoạch triển khai internet vệ tinh toàn cầu. Các nhà đầu tư cũng rót hàng trăm triệu USD vào các công ty khởi nghiệp tập trung vào việc quan sát trái đất; khả năng theo dõi các lô hàng trên toàn cầu, phát hiện hoạt động của tội phạm, giúp ứng phó trong vùng thảm họa hay thậm chí khảo sát các vết nứt trên những cây cầu bằng vệ tinh.

Khoảng 250 thiết bị vệ tinh mới đã được ra mắt trong năm 2019, nâng tổng số vệ tinh trên quỹ đạo trái đất lên hơn 2.000. Các công ty đang đẩy mạnh kế hoạch ra mắt thêm 20.000 thiết bị vệ tinh trong 10 năm tới.

Điều đó cũng đặt ra những câu hỏi cho các nhà quản lý khi họ xem xét các rủi ro cao về các vụ va chạm thảm khốc trong không gian. Và các nhà thiên văn học lo ngại các vệ tinh sẽ làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của bầu trời đêm.

Báo cáo hằng năm của hãng nghiên cứu Deloitte cho biết, các công nghệ vũ trụ đã thay đổi nền kinh tế toàn cầu và cuộc sống hàng ngày của chúng ta trong nửa thế kỷ qua. Hiện nay, các chính phủ không còn là vấn đề then chốt với các hoạt động trong không gian, sự đổi mới đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn và đột phá trong các công nghệ vũ trụ sẽ ngày càng được thúc đẩy bởi các lực lượng thương mại.

ANH NGỌC/ Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: