Nông dân ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

15/02/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 15/02/2019 | 06:00

STO - Để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng cho thị trường, trong những năm gần đây, nông dân trồng lúa ở huyện Châu Thành đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, giúp tăng thêm lợi nhuận và cải thiện môi trường canh tác.

Ông Huỳnh Minh Dũng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm cho biết: “Vụ lúa Đông - Xuân năm nay, các thành viên trong HTX đều ứng dụng kỹ thuật mới để trồng lúa và đạt kết quả rất khả quan, không chỉ giảm được chi phí sản xuất mà còn tăng thêm lợi nhuận”. Ông Trần Phước Lợi - thành viên của HTX Hòa Đông A cho biết: “Sau khi tham gia lớp tập huấn của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành tổ chức, được truyền đạt những tiến bộ kỹ thuật mới như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại IPM, quy trình làm giống, hệ sinh thái đồng ruộng trồng hoa xung quanh ruộng... tôi áp dụng vào đồng ruộng của mình, kết quả mang lại khá bội thu”.

Nông dân đánh giá cao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa.

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện cùng với các ngành chức năng có liên quan đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nông dân để tăng thu nhập, thoát nghèo, vươn lên khá, giàu. Thông qua các hoạt động đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, quy trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh, của huyện đã có những thay đổi rõ rệt.

“Việc ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần giảm được đáng kể lượng phân đạm, sâu bệnh xuất hiện ít và đặc biệt là so với kiểu canh tác truyền thống giảm được chi phí đầu tư từ giống, thuốc nhưng vẫn đảm bảo được năng suất sau khi thu hoạch” - ông Trần Phước Lợi chia sẻ thêm. Còn theo ông Huỳnh Minh Dũng, ở vụ Đông - Xuân 2018 - 2019, HTX Thọ Hòa Đông A, xã Phú Tâm được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng hỗ trợ 100% giống lúa RVT với diện tích 50ha, 30% phân hữu cơ, thuốc có nguồn gốc sinh học như nấm xanh; đồng thời các thành viên trong HTX được tham gia mô hình học tập của dự án lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2016 - 2020. Ông Huỳnh Minh Dũng nhấn mạnh: “Qua đó, các thành viên HTX được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các kỹ thuật sản xuất cũng như quy trình thực hiện từng giai đoạn của lúa từ lúc sạ cho đến khi chín”.

Đồng chí Huỳnh Quang Vinh - cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết: “Mục tiêu mô hình sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa đặc sản ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chất lượng và giá trị cung ứng thị trường. Do đó, để thay đổi tập quán cũng như việc lạm dụng các loại phân, thuốc hóa học để trị bệnh trên lúa làm ảnh hưởng chất lượng nông sản, cùng với việc áp dụng các kỹ thuật 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, quản lý dịch hại IPM, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hỗ trợ và hướng dẫn bà con sử dụng nấm xanh từ giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng và đòng trổ; đồng thời, sử dụng phân gà thay thế phân hóa học, giúp giảm chi phí, cải thiện môi trường và chất lượng nông sản cũng được đảm bảo…”.

Đồng chí Trần Kim Nguyên - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành đánh giá: “Việc nông dân ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở Châu Thành rất hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới nên nhân rộng mô hình này cho nhiều nông dân ứng dụng rộng khắp. Tuy nhiên, nông dân ứng dụng phương pháp sạ lan thưa 100kg/ha và sạ hàng 80kg/ha, quản lý dịch hại tổng hợp theo IPM thì cần phải có liên kết tiêu thụ sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, nhằm hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị và chất lượng gạo tại địa phương, vụ lúa Đông - Xuân 2018, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa an toàn ở 5 xã, với diện tích 340ha và có 167 hộ tham gia, trong đó: Phú Tâm có 96ha, Phú Tân có 50ha, Thuận Hòa có 50ha, An Hiệp có 50ha, An Ninh có 50ha, Thiện Mỹ có 44ha. Ngoài ra, để giúp nông dân trồng lúa nắm bắt được các kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống, đồng thời hỗ trợ cho các HTX, tổ hợp tác chủ động trong khâu sản xuất lúa giống để phục vụ tại địa phương, huyện đã thực hiện mô hình nhân giống với diện tích 54ha.

Ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có thể xem là “chìa khóa” để thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì thế, để nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Tuyết Xuân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: