Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Sóc Trăng: Thực trạng và giải pháp

25/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 25/02/2021 | 06:00

STO - Có 72km đường bờ biển, với 3 cửa sông chính là cửa Định An, cửa Trần Đề (sông Hậu) và cửa Mỹ Thanh (sông Mỹ Thanh) nên Sóc Trăng là tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi tôm. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng chính quyền các địa phương có diện tích nuôi tôm, mấy năm gần đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm nhiều giai đoạn đã và đang phát triển mạnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao...

Kỳ 1: Thực trạng nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng

Với chiều dài hàng chục kílômét đường bờ biển cộng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch và do xâm nhập mặn sâu vào đất liền nên đã tạo điều kiện để tỉnh Sóc Trăng phát triển mạnh các mô hình nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ và ngọt với quy mô diện tích trên 70.000ha. Theo thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng), gần 30 năm kể từ ngày tỉnh Sóc Trăng tái lập đến nay, thủy sản luôn được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, cho nên rất được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngành thủy sản của tỉnh đã có bước phát triển nhanh trên cả 3 lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng và chế biến xuất khẩu.

Các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đặc biệt phát triển mạnh mẽ. Ảnh: QUANG BÌNH 

Cũng theo thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình, nếu như giai đoạn trước năm 2000, ngành thủy sản chủ yếu dựa vào khai thác tự nhiên, diện tích nuôi thủy sản năm 1996 của tỉnh chỉ 24.000ha, đến năm 2000 đạt 41.000ha, sản lượng đạt 49.000 tấn (có trên 11.000 tấn tôm) và chế biến xuất khẩu chỉ đạt 160 triệu USD thì đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là hơn 77.000ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 51.431ha, chiếm 67%, tập trung ở các huyện: Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên và TX. Vĩnh Châu, trong đó, tôm sú và tôm thẻ chân trắng là 2 đối tượng được nuôi chủ yếu. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay đã có sự thay đổi rất rõ về mức độ thâm canh (cụ thể năm 2010 là 25.600ha, đến nay đạt gần 40.000ha).

Theo số liệu của ngành nông nghiệp, sản lượng thủy sản năm 2020 của tỉnh đạt 317.000 tấn, trong đó nuôi trồng 276.000 tấn (riêng sản lượng tôm nước lợ đạt 188.000 tấn); kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị 823 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể thấy đây là một sự tăng trưởng khá ngoạn mục trong điều kiện hết sức khó khăn khi Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung đang chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong quá trình nuôi tôm, nhu cầu giống để thả nuôi hàng năm rất lớn, trên 2 tỉ con giống tôm sú và 15 tỉ con giống tôm thẻ, nhưng trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 1 trại sản xuất và 3 trại ương dưỡng giống tôm nước lợ đáp ứng điều kiện theo Nghị định số 26 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Vì vậy hơn 70% con giống được thả nuôi của tỉnh lệ thuộc vào nguồn cung cấp của các tỉnh bạn, chủ yếu là các tỉnh miền Trung.

Đánh giá về thực trạng nghề nuôi tôm nước lợ tỉnh thời gian qua, thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình cho biết: “Nhìn chung, nghề nuôi tôm của tỉnh nhà rất phát triển nhưng trong thời gian qua còn nhiều bất cập, nhất là việc đầu tư về thủy lợi, giao thông, điện chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển về diện tích nuôi, đối tượng nuôi. Ngoài ra, năng lực của người nuôi tôm, nhất là các hộ nuôi quy mô nhỏ còn hạn chế nhiều về trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, về vốn đầu tư… việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm còn nhiều hạn chế. Chất thải, hóa chất xử lý ao nuôi, dư lượng thuốc phòng trị bệnh… tích tụ lâu ngày trong lớp bùn đáy ao bị xáo trộn, đưa vào nguồn nước gây nhiễm bẩn, ô nhiễm. Một số khu nuôi không có hệ thống xử lý nước hoặc hệ thống xử lý kém hiệu quả; cộng vào đó tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây dẫn đến diễn biến thời tiết khó lường cũng làm cho dịch bệnh gia tăng”.

Trong xu thế phát triển chung của ngành tôm thì việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ là một yếu tố phát triển tất yếu và cần phải thực sự thực hiện đồng bộ hóa tất cả các giải pháp một cách liên hoàn. Ảnh: QUANG BÌNH

Từ những thực trạng nêu trên, xu hướng trong 3 năm trở lại đây, các mô hình nuôi tiên tiến hơn như: lót bạt, nuôi nhiều giai đoạn có lắp thiết bị quan trắc tự động... nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đặc biệt phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, với các mô hình này thì chi phí đầu tư ban đầu còn khá cao, đồng thời trình độ quản lý, vốn sản xuất của người dân vẫn còn hạn chế, cơ sở hạ tầng có nhưng đang cần được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu… nên diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh tính đến cuối năm 2020 chỉ chiếm 5% trên tổng diện tích nuôi tôm nước lợ và chưa hình thành nên khu, vùng nuôi tập trung.

“Cụ thể là hiện nay tại Sóc Trăng có khoảng 2.640ha, trong đó gồm có 790ha diện tích mặt nước nuôi tôm, với 2.564 ao/652 hộ nuôi và phần diện tích còn lại là các hạng mục công trình như ao lắng, lọc và khu xử lý chất thải, với các mô hình nuôi tôm lót bạt, bể nổi, tuần hoàn nước và mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn tập trung tại các vùng nuôi tôm trọng điểm tại các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu” - thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình thông tin thêm.

Với thực trạng nêu trên cho thấy, sự phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh trong thời gian qua chủ yếu vẫn dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có; phát triển còn mang tính phong trào và vẫn còn hạn chế trong thu hút đầu tư, chưa phát huy tối đa lợi thế so sánh trong mối quan hệ liên ngành, đa lĩnh vực. Chính vì thế, trong xu thế phát triển chung của ngành tôm thì việc nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sẽ là một yếu tố phát triển tất yếu và cần phải thực sự thực hiện đồng bộ hóa tất cả các giải pháp một cách liên hoàn.

QUANG BÌNH

(còn tiếp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: