Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao ở Sóc Trăng: Thực trạng và giải pháp - Kỳ 2

27/02/2021 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 27/02/2021 | 06:00

STO - Có 72km đường bờ biển, với 3 cửa sông chính là cửa Định An, cửa Trần Đề (sông Hậu) và cửa Mỹ Thanh (sông Mỹ Thanh) nên Sóc Trăng là tỉnh có rất nhiều tiềm năng để phát triển nghề nuôi tôm. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng chính quyền các địa phương có diện tích nuôi tôm, mấy năm gần đây, mô hình nuôi tôm công nghệ cao, nuôi tôm nhiều giai đoạn đã và đang phát triển mạnh, bước đầu đã mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao...

Kỳ 2: Những giải pháp phát triển mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Sóc Trăng

Để thực hiện hiệu quả các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao thì rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chính quyền và kể cả người nuôi. Đứng về góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng “hiến kế” 5 vấn đề nhằm phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh, gồm: thứ nhất là phải rà soát quy hoạch, thúc đẩy phát triển các vùng, các khu vực theo quy hoạch đã được phê duyệt, quản lý theo ngành, theo lĩnh vực; thứ hai là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tổ chức lại sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế; thứ ba là đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; thứ tư là tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư và thứ năm là đẩy mạnh các giải pháp về khoa học công nghệ và nguồn nhân lực.

Trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: QUANG BÌNH

Việc rà soát lại quy hoạch nuôi tôm của tỉnh, nuôi tôm có khu vực tập trung mà trong đó cần xem xét yếu tố mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để đầu tư các công trình và cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, cần tăng cường công tác quản lý, nhất là các thủ tục hành chính về điều kiện nuôi trồng thủy sản, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Trong việc đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tổ chức lại sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế. Phát huy tiềm năng điều kiện tự nhiên về nuôi tôm nước lợ, các lợi thế về thị trường, công nghệ chế biến và kinh nghiệm của người dân để phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao (đạt chứng nhận uy tín như tôm sinh thái, hữu cơ, GAP, GlobalGAP…). Hướng tới sản xuất sạch, không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm. Phát triển sản xuất gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam. Đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị. Tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ để tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, làm đầu mối để liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Cần cải thiện môi trường kinh doanh, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực: tiếp tục thực hiện cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản nuôi trồng và khai thác xuất khẩu được nhanh chóng, hiệu quả và đảm bảo chống khai thác bất hợp pháp. Khắc phục thiệt hại, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế sau thiên tai, dịch bệnh. Chú trọng khâu đầu tư hệ thống thủy lợi cho vùng nuôi tôm tập trung; ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát nước đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư mở rộng khu sản xuất giống tập trung xã Vĩnh Hải (TX. Vĩnh Châu), khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín đầu tư sản xuất giống tôm biển có chất lượng tại tỉnh để đáp ứng nhu cầu; đồng thời thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư vào lĩnh vực: sản xuất thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học… để có nguồn vật tư đầu vào vừa chất lượng vừa có giá thành hợp lý. Tiếp tục hướng dẫn người dân đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ao nuôi, trại sản xuất giống tôm biển theo đúng quy trình kỹ thuật. Kiến nghị ngành điện lực đầu tư hệ thống điện 3 pha vùng nuôi tôm tập trung, đặc biệt đối với các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Phát triển mạng lưới giao thông để phục vụ tốt cho sản xuất và logistics.

Ngoài ra, cần phải tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Đa dạng hóa các nguồn vốn huy động, gắn với nguồn vốn của các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt và đang triển khai để thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung. Để người nuôi tôm có đủ vốn đảm bảo sản xuất cần huy động và sử dụng tối đa hiệu quả các nguồn vốn đầu tư... đảm bảo người nuôi có đủ vốn sản xuất. Xây dựng kế hoạch bố trí tăng kinh phí ngân sách hàng năm, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghệ hiện đại, nhất là hỗ trợ các dự án chuyển giao công nghệ tiên tiến. Xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào phát triển ngành tôm, nhất là những công ty có mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả…

Đẩy mạnh các giải pháp về khoa học công nghệ, trong đó khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao áp dụng công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường vào sản xuất ở các khâu của chuỗi giá trị tôm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, hợp tác với các cơ quan nghiên cứu công lập để tận dụng cơ sở vật chất, nguồn lực nhằm đẩy nhanh tiến độ trong nghiên cứu công nghệ phát triển ngành tôm. Tăng cường phát triển các giải pháp công nghệ sản xuất giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường, men vi sinh và chế phẩm sinh học trong nuôi thủy sản, xem đây là giải pháp đột phá nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho nguyên liệu. Đối với các nhà sản xuất, kinh doanh và cung ứng các sản phẩm vật tư phục vụ cho nuôi thủy sản cần tiếp cận các công nghệ hiện đại trên thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn về sản phẩm thủy sản được sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất lượng hàng hóa trên thị trường.

Đối với vấn đề nguồn nhân lực thì cần phải tập trung đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong nuôi và sản xuất giống tôm, có khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đồng thời tăng cường năng lực cán bộ kiểm dịch, quản lý kiểm soát môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm tôm nuôi, cán bộ quản lý cộng đồng, nhất là cán bộ thực thi công tác bảo vệ môi trường. Nâng cao năng lực, khả năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của người nuôi; xây dựng và củng cố kinh tế tập thể, thí điểm đưa cán bộ trẻ về hỗ trợ các hợp tác xã để vừa tập trung diện tích sản xuất, vừa giúp việc chuyển giao, tiếp nhận và ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả hơn. Tăng cường hợp tác và luôn giữ liên lạc với các viện, trường đại học và hợp tác quốc tế về lĩnh vực khoa học công nghệ.

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: